Đáp ứng yêu cầu về khả năng xuyên giáp của Quân đội Nga
Vào đầu thập niên 1990, khi công nghệ chế tạo áp giáp có những bước tiến vượt bậc đã làm cho các loại đạn súng ngắn (kể cả tiểu liên) trở nên kém hiệu quả. Vì vậy, Quân đội Nga phải yêu cầu một loại súng ngắn với khả năng hoạt động tốt cùng tầm bắn hiệu quả không dưới 50 m.
Để chế tạo được một khẩu súng ngắn mang đặc tính như vậy, loại đạn 9 x 18 mm Makarov được sử dụng phổ biến tại Liên Xô và Nga trước đó không còn phù hợp. Thay vào đó, một loại đạn mới đã được phát triển với kích thước 9 x 21 mm nhằm tăng cường khả năng xuyên phá.
Nhờ sự ra đời của của loại đạn mới, kỹ sư Petr Sedyukov của TSNIITOchMash đã thiết kế thành công mẫu súng ngắn có tên gọi Gyurza (theo tên của loại đạn mà súng sử dụng) với định danh GRAU là 6P53, hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu đã đề ra của Quân đội Nga.
Tuy nhiên vào giữa những năm 1990, quân đội lại tỏ ra ít quan tâm đến khẩu súng này vì loại đạn mà nó sử dụng không tiêu chuẩn và khó phổ biến rộng rãi. Cuối cùng khẩu súng ngắn có tên Yarygin (sử dụng đạn 9 x 19 mm Para) đã được thông qua như là súng ngắn tiêu chuẩn dành cho Quân đội Nga.
Không được quân đội đưa vào sử dụng nhưng Gyurza lại được lựa chọn bởi Cơ quan an ninh liên bang (FSB) và một số lực lượng thực thi pháp luật của Nga vào năm 1996 với tên gọi SR-1 Vector (hay Vektor). Sự phát triển của Gyurza và đạn của nó được tiếp tục vào thế kỷ 21.
Vào năm 2003, phiên bản cải tiến của khẩu súng này đã được thông qua bởi Chính phủ Nga và trang bị cho quân đội và cảnh sát với tên gọi SPS (Samozaryadnyj Pistolet Serdjukova, súng ngắn tự nạp Serdyukov).
Phiên bản đang sản xuất của Gyurza được định danh SR-1M. Vì vậy, các tên gọi như Gyurza, SPS, SR-1 Vector hay SR-1M đều nói đến khẩu súng này.
Thiết kế tin cậy với độ an toàn cao
Gyurza có kích thước khá nhỏ gọn nhưng khối lượng không nhẹ. Cụ thể, súng nặng 1 kg, khi nạp đủ đạn sẽ tăng thêm 180 g. Chiều dài 195 mm với nòng dài 120 mm.
Để đảm bảo độ tin cậy với một khẩu súng sử dụng đạn xuyên giáp có uy lực lớn, phần thân chính (bao gồm cả thanh trượt) và các bộ phận bên trong chủ yếu được làm bằng thép không gỉ. Phần còn lại của súng, bao gồm tay nắm và vành bao cò được làm bằng polymer cao phân tử.
Một số phiên bản đời đầu của Gyurza có tay nắm được thiết kế trơn, không có vân nhưng được làm nhám để tăng khả năng cầm nắm. Tay nắm thường có màu nâu dễ phân biệt với phần thân.
Phần thân súng có hình dạng khá giống với khẩu Makarov và một vài mẫu súng ngắn khác của Đức, với thiết kế thon gọn dần về phía đầu nòng. Thanh trượt nhìn rất thẩm mỹ, được cắt góc cạnh với khe thoát vỏ đạn, xiên khoảng 45 độ về phía trái.
Gyurza sử dụng cơ cấu ngắm bằng thước ngắm - điểm ruồi rất đơn giản và không thể điều chỉnh tầm bắn. Súng cũng có thể trang bị các đường ray loại nhỏ để gắn kính ngắm, đèn pin và đèn chỉ thị laser nhưng rất hiếm thấy, hoặc đi kèm với một ống hãm thanh chuyên dụng trong một số nhiệm vụ đòi hỏi tính bí mật.
Gyurza nạp đạn tự động bằng cơ chế giật ngắn khá tin cậy với cơ cấu khóa sau nòng như một số khẩu súng ngắn khác. Thanh trượt được gắn với thân bằng một đòn bẩy chống nghiêng nằm bên dưới nòng. Cơ chế này tương tự như khẩu Walther P38 hay Beretta 92. Lò xo đẩy nằm ở xung quanh nòng súng.
Súng có khóa an toàn kiểu cò kép tương tự như dòng Glock, khóa an toàn búa điểm hỏa tự động bên trong súng và một khóa an toàn tích hợp vào trong tay cầm.
Với khóa an toàn tích hợp vào trong tay cầm, người bắn cần nắm mạnh vào trong tay nắm, phần núm bán nguyệt phía sau sẽ được đẩy vào, và đây là vị trí sẵn sàng khai hỏa.
Khi tay người bắn rời khỏi tay nắm, núm sẽ ngay lập tức bật ra và súng sẽ bị khóa. Với cơ chế 3 khóa an toàn như vậy, súng sẽ gần như tuyệt đối tránh được trình trạng vô tình khai hỏa.
Súng không có bộ phận khóa khối trượt, vì thế nó không thể khóa khối trượt ở vị trí kéo về phía sau. Búa điểm hỏa có thể kéo ra vị trí nửa quãng đường lên cò để tăng độ an toàn, ở vị trí này cơ chế hoạt động kép của súng sẽ không hoạt động.
Gyurza sử dụng hộp tiếp đạn bằng thép 2 hàng với sức chứa lên đến 18 viên. Hộp tiếp đạn được khoét các lỗ tròn để người bắn kiểm tra được còn bao nhiêu đạn trong hộp.
Loại đạn của Gyurza hiệu quả tới đâu?
Như đã nói, Gyurza bắn loại đạn 9 x 21 mm được thiết kế chuyên cho khả năng xuyên giáp. Ngoài Gyurza, SR-2 cũng là mẫu tiểu liên sử dụng loại đạn này.
Đạn 9 x 21 mm được phân thành 4 loại chính: SP-10 (7N29) - đạn xuyên giáp với đầu đạn bằng thép cứng; SP-11 (7N28) - đạn xuyên giáp đầu mềm làm bằng chì; SP-12 - đạn nảy với khả năng xuyên một lần và SP-13 (7BTZ) - đạn vạch đường xuyên giáp dựa trên mẫu SP-10.
Trong đó, đầu đạn SP-10 là loại Gyurza thường sử dụng với khả năng xuyên giáp rất cao. Cụ thể, nếu mục tiêu không mặc giáp, đầu đạn thép của SP-10 sẽ để lại một vết thương rất rộng. Nếu mục tiêu mặc giáp, một phần đầu đạn sẽ phá hủy bên ngoài và phần còn lại sẽ đi sâu vào bên trong để tiêu diệt đối tượng.
Đầu đạn 6,7 g của SP-10 đạt sơ tốc 410 m/s và động năng 560 J, có thể xuyên thủng 2 tấm titan dày 1,2 mm cộng với 30 tấm Kevlar ở khoảng cách 50 m.
Tuy nhiên, một điểm bất lợi chính là muốn có sơ tốc cao để xuyên phá thì cần giảm khối lượng đầu đạn để tối ưu hóa đường đạn, điều này dẫn đến động năng của đầu đạn sẽ giảm nhanh trên quãng đường bay, làm giảm tầm bắn hiệu quả của súng.
Hiện tại, Gyurza và các phiên bản hiện đại hóa đang phục vụ trong FSB và FSO (lực lượng bảo vệ VIP liên bang Nga). Súng cũng được sử dụng giới hạn bởi cảnh sát Nga (chủ yếu là các đơn vị SWAT đặc biệt) và cũng được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.