Tờ The Daily Beast (Mỹ) đăng bài viết cho hay: Hải quân Mỹ đang chậm chạp chuẩn bị đưa khu trục hạm USS Zumwalt (DDG-1000) chạy thử nghiệm trên biển vào năm sau. Đây là con tàu đầu tiên của lớp khu trục hạm tàng hình khổng lồ Zumwalt, với lượng giãn nước lên đến 15.500 tấn. Hiện vẫn còn rất nhiều nghi ngại xoay quanh những công nghệ mới được trang bị trên con tàu này. Vấn đề được quan tâm hơn cả là: Liệu con tàu có thể nổi được trên mặt biển hay không?
Ngoài những tàu sân bay và hỗ trợ đổ bộ thì USS Zumwalt là tàu chiến mặt nước lớn nhất của Hải quân Mỹ từng được đóng kể từ những năm 1950. Con tàu ứng dụng nhiều công nghệ mới chưa từng xuất hiện trên những tàu chiến khác. Nó cũng có tính tự động hóa cao nên chỉ cần thủy thủ đoàn 142 người thay vì 300 người như những tàu chiến khác. Và quan trọng nhất là con tàu chỉ có diện tích phản xạ radar tương đương 1 tàu đánh cá nhỏ, bất chấp kích thước rất lớn của mình.
Tàu USS Zumwalt được hạ thủy vào chiều tối ngày 28/10/2013
Có chiều dài gần 200m, Zumwalt được vũ trang với 80 ống phóng tên lửa, 2 pháo 155mm có tầm bắn lên đến 150 km. Trên lý thuyết, nó có thể đối phó với mục tiêu cả trên không, trên và dưới mặt biển, và trên bộ. Trong tương lai, tàu có thể được trang bị súng laser và pháo điện từ. Ngoài ra, Zumwalt còn có thể mang theo 2 trực thăng, hoặc 1 trực thăng và 3 máy bay không người lái.
Tuy nhiên, chúng đi kèm với mức giá khủng khiếp. Hai chiếc đầu tiên của lớp Zumwalt có giá 4,2 tỷ USD, còn chiếc thứ 3 có giá 3,5 tỷ USD. Giá thành quá cao, cộng với nghi ngại về tính khả thi của những công nghệ mới, đã khiến Hải quân Mỹ chỉ đóng 3 chiếc Zumwalt. Thay vào đó, họ sẽ tiếp tục đóng mới những khu trục hạm lớp Arleigh Burke.
Một trong những nghi ngại trên bao gồm thiết kế có phần kỳ lạ của thân tàu bởi nó có thể trở thành gót chân Achilles của Zumwalt. Thiết kế thân tàu này ngược với kiểu thân tàu truyền thống, với phần thân rộng ở bên dưới và hẹp dần ở bên trên. Nhiều người lo ngại rằng kiểu thân tàu này không có độ ổn định như thân tàu truyền thống trong điều kiện biển động, thậm chí có thể gây lật tàu nếu bị sóng lớn đánh trúng ở một số vị trí nhất định.
Khu trục hạm USS Zumwalt trong buổi lễ rửa tội ngày 12/4/2014
Hải quân Mỹ không chính thức lên tiếng về vấn đề trên nhưng theo một bài thuyết trình hồi tháng Tư năm nay của Bộ tư lệnh đặc trách Hệ thống Hải lực Hải quân thì họ chưa hoàn tất quá trình thử nghiệm độ ổn định của thân tàu. Trung tâm thử nghiệm về khả năng cơ động và độ ổn định trên biển của hải quân Mỹ vừa được nâng cấp xong và những thử nghiệm đối với thân tàu Zumwalt đang được tiến hành tại đây.
Theo một báo cáo được trình bày tại hội thảo quốc tế về ổn định thân tàu tại Hamburg, Đức năm 2007, thân tàu như của Zumwalt có nguy cơ bị lật cao hơn, đặc biệt là nếu bị sóng lớn đánh từ phía sau. Nguy cơ bị lật tăng cao trong điều kiện biển động cấp 8 trở lên, với sóng cao từ 10 đến 15 m, báo cáo cho biết. Ngoài ra, so với thiết kế thân tàu truyền thống, nguy cơ lật tàu của kiểu thiết kế này cũng tăng nhanh hơn khi tăng độ cao của trọng tâm so với mực nước biển.
Cận cảnh lớp "gạch tàng hình" độc đáo trên USS Zumwalt
Tuy vậy, theo các kỹ sư của hải quân Mỹ, đã có nhiều tiến bộ đạt được kể từ sau hội thảo đó. Ngoài ra, báo cáo trên được thực hiện với tàu có lượng giãn nước khoảng 9.690 tấn, trong khi của Zumwalt là 15.500 tấn. “Lượng giãn nước càng lớn thì độ ổn định càng cao. Tôi tin rằng, theo thời gian, khi những thiết kế được hoàn thiện, cộng với những kiến thức mới có được từ những thử nghiệm và phân tích, thân tàu sẽ được điều chỉnh để cải thiện ổn định”, một kỹ sư cho biết.
Trong lúc này, hải quân Mỹ vẫn đang bận rộn với những bước chuẩn bị trước khi đưa con tàu ra chạy thử trên biển. Họ vừa cho vận hành những động cơ turbin khí khổng lồ MT-30 và RR450 do hãng Rolls-Royce sản xuất để thử nghiệm hệ thống năng lượng tập trung của con tàu. Hệ thống này loại bỏ sự kết nối cơ khí trực tiếp giữa động cơ và chân vịt. Thay vào đó, toàn bộ năng lượng từ động cơ được chuyển thành điện năng.
Tổng lượng điện năng mà các tổ máy turbin khí của Zumwalt sản sinh ra tương đương 80 MW. Một phần trong đó được dùng để chạy các động cơ điện làm quay chân vịt, với sức đẩy đủ để đưa con tàu khổng lồ này di chuyển với tốc độ trên 30 hải lý/ giờ. Phần điện năng còn lại có thể được dùng cho những hệ thống vũ khí năng lượng định hướng như laser hay pháo điện từ trong tương lai. Còn hiện nay, hỏa lực chính của tàu vẫn đến từ tên lửa như những tàu chiến khác.
Một điều nằm ngoài khả năng của con tàu là năng lực phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, đây là một trong những lí do chính hải quân Mỹ quyết định đóng thêm những khu trục hạm lớp Arleigh Burke. Tổ hợp radar AN/SPY-3 trên Zumwalt không hoạt động ở tần số thích hợp cho loại nhiệm vụ này. Đây là một điểm yếu nghiêm trọng vì đánh chặn tên lửa đang là ưu tiên cao để đối phó với kho tên lửa đạn đạo lớn của Trung Quốc tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Giá thành cao cộng với việc không phù hợp với yêu cầu tác chiến khiến cho chỉ có 3 chiếc Zumwalt được đóng và điều này càng đẩy chi phí trung bình của một con tàu lên cao hơn.