Gói nâng cấp xe tăng M48 nào phù hợp với Việt Nam?

Hải Dương |

Tương tự T-54/55 do Liên Xô sản xuất, M48 của Mỹ cũng là một dòng xe tăng chiến đấu chủ lực được sử dụng rộng rãi trong quân đội nhiều quốc gia trên thế giới.

M48 Patton là xe tăng chiến đấu chủ lực do Mỹ thiết kế từ năm 1951 và sản xuất hàng loạt trong giai đoạn 1952 - 1959 với khoảng 12.000 chiếc xuất xưởng. Xe có trọng lượng 49 tấn, trang bị pháo chính 90 mm, cơ số 62 viên đạn và lắp động cơ diesel 750 mã lực.

Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã được Mỹ viện trợ 3 thiết đoàn chiến xa M48A3 với tổng số 160 chiếc. Trong chiến đấu, nhiều chiếc M48A3 đã bị Quân đội Nhân dân Việt Nam tịch thu và tái đưa vào sử dụng.


Xe tăng M48A3 chiến lợi phẩm của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Xe tăng M48A3 chiến lợi phẩm của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Hiện nay, vì nhiều lý do liên quan đến tính năng và hậu cần mà toàn bộ số xe tăng M48A3 của Việt Nam đều đang nằm trong tình trạng niêm cất bảo quản.

Tuy nhiên với xu thế mở rộng hợp tác quốc phòng của Việt Nam, rất có thể trong tương lai M48 sẽ quay trở lại trực chiến nếu được tiến hành nâng cấp toàn diện. Vậy gói nâng cấp nào tỏ ra phù hợp nhất?

Gói nâng cấp 120S

Đây là gói nâng cấp do hãng General Dynamic giới thiệu vào cuối thập niên 1990, với mục đích giúp những chiếc xe tăng M60 Patton lạc hậu (phiên bản kế tiếp được phát triển lên từ M48) đáp ứng được các yêu cầu của tác chiến hiện đại.

Xe tăng M60 nâng cấp có tên gọi M60 2000, nó được trang bị tháp pháo cùng hệ thống treo của M1 Abrams với pháo chính M256 cỡ 120 mm có sức mạnh vượt trội pháo M68 cỡ 105 mm nguyên bản.

Hệ thống điều khiển hỏa lực của M60 2000 cũng tương tự M1 Abrams, cho khả năng bắn chính xác trong mọi điều kiện chiến trường, tầm bắn hiệu quả đạt tới trên 4 km.


Xe tăng M60 2000

Xe tăng M60 2000

Có thể thấy rằng sau nâng cấp, M60 2000 đã gần như tương đương với M1 Abrams từ ngoại hình cho đến năng lực chiến đấu, đủ khả năng đối đầu với mọi xe tăng chủ lực hiện đại.

M60 2000 chỉ thua kém M1 Abrams một điểm duy nhất là khả năng bảo vệ không được cải thiện nhiều do chủ yếu tập trung vào việc nâng cao sức mạnh hỏa lực.

Với việc khung thân M48 và M60 có nhiều nét tương đồng nên gói nâng cấp 120S hoàn toàn có thể ứng dụng trên M48A3 của Việt Nam.

Tuy nhiên nó lại có nhược điểm là giá thành quá đắt, lên tới trên 3 triệu USD/chiếc, ngang với giá xe tăng T-90S, và một điều quan trọng khác là Việt Nam vẫn chưa được Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho nên gói nâng cấp 120S tỏ ra không khả thi.

Gói nâng cấp Pere

Đây là gói nâng cấp mới nhất do Israel thực hiện với mục đích chuyển đổi M48 thành chiến xa mang phóng tên lửa chống tăng.

Ở cấu hình này, M48 sẽ được lắp tháp pháo mới với 1 ống phóng và cơ số 12 đạn tên lửa Tamuz ở trong xe, bên cạnh đó là hệ thống ngắm bắn và dẫn đường cho tên lửa.

Mặc dù xe tăng Pere vẫn còn nòng pháo 105 mm nhưng nó chỉ đóng vai trò ngụy trang, không có tác dụng trong chiến đấu.


Xe tăng Pere đang phóng tên lửa Tamuz

Xe tăng Pere đang phóng tên lửa Tamuz

Với tên lửa Tamuz, Pere có thể tấn công và tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp đối phương từ cự ly 15 cho tới 30 km với độ chính xác cao và uy lực cực lớn, thậm chí nó còn phá hủy được lô cốt, công sự hay trực thăng bay thấp.

Mặc dù là gói nâng cấp mới nhất của xe tăng M48 nhưng Pere lại tỏ ra không phù hợp với Việt Nam vì lý do cơ bản: đây không phải là xe tăng chiến đấu chủ lực.

Hình thức tác chiến của Pere là đứng ngoài khu vực nguy hiểm rồi "câu" tên lửa vào chiến tuyến quân thù, điều này khiến nó giống với một khẩu pháo tự hành hơn là xe tăng và dĩ nhiên là không thể đảm nhiệm vai trò nắm đấm thép, dẫn đường và yểm trợ cho bộ binh.

Gói nâng cấp Magach

Magach là tên gọi của dòng xe tăng chiến đấu chủ lực M48 và M60 khi phục vụ trong Quân đội Israel. Sau khi được nâng cấp hệ thống, các xe tăng M48 và M60 đã hoàn toàn giống nhau từ ngoại hình đến tính năng và không thể phân biệt.

Các phiên bản của xe tăng Magach rất đa dạng, trong đó đáng chú ý nhất là Magach 7AMagach 7C với tháp pháo góc cạnh, trang bị giáp bảo vệ thụ động có khả năng chống cả đạn xuyên lõm lẫn đạn xuyên động năng và bổ sung diềm chắn xích hai bên hông.

Bên cạnh đó là Magach 6 BATASH có giáp kết hợp giữa giáp phản ứng nổ và giáp thụ động, được thiết kế đặc biệt phù hợp với giao tranh cường độ thấp. Phần trước tháp pháo lắp giáp phản ứng nổ thế hệ 2 “Super Blazer”, diềm chắn 2 bên thân tương tự Magach 7.


Xe tăng Magach 7C

Xe tăng Magach 7C

Khả năng cơ động của Magach cũng tăng đáng kể so với phiên bản gốc, do phiên bản Magach 7 có trọng lượng lên tới 55 tấn nên động cơ 750 mã lực đã được thay thế bằng động cơ mới công suất lên tới 908 mã lực cùng bộ truyền động của xe tăng Merkava Mk I.

Ngoài ra, Magach 7 còn được cải tiến cả bộ bánh di chuyển: Lắp bộ giảm xóc mới và bộ giảm chấn thuỷ lực cho bánh lăn số 1, 2, 5 và 6; Lắp thanh xoắn độ bền cao tiêu chuẩn; nâng bánh lăn từ 180 mm lên 220 mm, giúp phân tán trọng lượng tốt hơn 35%.

Những cải tiến này giúp Magach 7 có khả năng vượt địa hình tốt và tăng tốc vượt trội so với M60, cải thiện vật chất cho kíp chiến đấu, giảm rung lắc cho khung thân, khả năng khai hoả chính xác cũng được nâng cao rõ rệt.

Đối với Magach 6 BATASH, xích đã được thay bằng bộ tiêu chuẩn của Merkava Mk I nên trọng lượng tăng thêm không đáng kể, vì thế việc thay động cơ là không cần thiết.

Các phiên bản Magach 6 BATASH và Magach 7 được lắp hệ thống điều khiển hoả lực Gal, trang bị thêm máy tính đường đạn mới, bên cạnh đó là hệ thống cảm biến khí tượng và đo xa laser giúp năng lực tác chiến vượt trội M48 và M60 gốc.

Tuy vậy, điểm yếu nhất của Magach đó là vẫn giữ lại pháo 105 mm M68, mặc dù đã có những loại đạn mới nhưng cỡ nòng nhỏ khiến cho Magach gặp rất nhiều bất lợi trước các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại khi không thể bắn thủng giáp trước của đối phương.

Gói nâng cấp Sabra

Nhằm khắc phục nhược điểm của cỡ nòng pháo, Israel đã giới thiệu tiếp một gói nâng cấp sâu của dòng xe tăng Magach cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với định danh là Sabra.


Xe tăng Sabra Mk II

Xe tăng Sabra Mk II

Sabra được nâng cấp dựa trên nguyên mẫu Magach 7 với khả năng bảo vệ đường đạn tốt hơn bằng việc bổ sung giáp phụ dạng module phía trước mũi xe.

Tháp pháo của Sabra sử dụng cơ cấu quay bằng điện thay vì thủy lực nhằm đảm bảo an toàn cho kíp lái, do cách bố trí hệ thống của cơ cấu cũ, trong trường hợp tháp pháo bị xuyên thủng, hệ thống thuỷ lực thường bị gãy và phun vào kíp chiến đấu một chất lỏng dễ gây cháy.

Cải tiến đáng kể nhất của Sabra chính là việc thay thế pháo 105 mm đã lạc hậu bằng pháo 120 mm mạnh mẽ hơn rất nhiều, giúp cho Sabra đủ khả năng đối đầu trực diện với các loại xe tăng hiện đại nhất.

Kết luận

Sau khi so sánh, đánh giá một số phương án nâng cấp xe tăng M48 thì các gói Magach 7 và Sabra tỏ ra phù hợp với Việt Nam hơn cả.

Chúng ta có thể căn cứ vào nhu cầu chiến thuật và khả năng tài chính để lựa chọn ra phương án tối ưu, giúp nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại