Theo tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), cuối năm nay, chúng ta sẽ biết nhiều thông tin hơn về tương lai của chương trình máy bay ném bom – tấn công tầm xa (LRS-B) của Mỹ.
Đây là chương trình hứa hẹn sẽ tăng cường cho Không quân Mỹ 100 máy bay ném bom tàng hình chiến lược thế hệ mới.
Những chiếc LRS-B sẽ thay thế cho một lượng lớn máy bay trong các phi đoàn máy bay ném bom đang hoạt động của Không quân Mỹ và mang lại cho lực lượng này khả năng tấn công quan trọng vào sâu lãnh thổ của Trung Quốc hoặc Nga.
LRS-B dự kiến sẽ đóng góp chủ lực vào khu vực Thái Bình Dương. Tại đây, nó sẽ giữ vai trò quan trọng trong tổ hợp tấn công – trinh sát của Mỹ.
LRS-B đã trở thành mẫu máy bay ném bom đầu tiên sau một khoảng thời gian dài được thiết kế cho nhiệm vụ chính là phục vụ lợi ích của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong lịch sử 85 năm, các loại máy bay ném bom chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương hiếm khi thực hiện đúng theo ý đồ mà các nhà thiết kế chúng dự định.
Hãy xem những nhu cầu trong khu vực này đã thay đổi yêu cầu của Không quân Mỹ với máy bay ném bom của họ như thế nào?
Martin B-10, máy bay ném bom chiến lược đúng nghĩa đầu tiên của Mỹ, không được thiết kế chuyên biệt để tác chiến tại Thái Bình Dương.
Mặc dù đã trở nên lạc hậu ngay từ đầu Thế chiến II nhưng phần lớn hoạt động của B-10 là ở châu Á, như khi trong biên chế Không quân Đài Loan.
Máy bay ném bom B-17 Flying Fortress
B-17 Flying Fortress là máy bay đã có những đóng góp đáng kể vào chiến lược ném bom của Đồng Minh tại châu Âu. Song ban đầu, nó được thiết kế để tuần tra hàng hải tại những vùng rộng lớn ở Thái Bình Dương.
Một số lượng lớn B-17 đã tham chiến tại Thái Bình Dương, thậm chí ngay từ những ngày đầu chiến tranh, nhưng đóng góp chủ yếu của chúng vẫn là máy bay ném bom chiến lược trên mặt trận châu Âu.
Máy bay ném bom B-29 ban đầu dự kiến cho các chiến dịch ở châu Âu nhưng tầm hoạt động được mở rộng cũng cho phép nó tác chiến ở châu Á.
B-29 có đóng góp đáng kể nhất trong chiến dịch ném bom nhằm vào Nhật Bản và sau đó là đóng vai trò chiến lược trong Chiến tranh Triều Tiên.
B-36 là máy bay ném bom mang vũ khí hạng nặng, vốn được phát triển để thực hiện các chiến dịch ném bom thông thường nhằm vào Đức nhưng sau đó trở thành máy bay ném ném bom mang vũ khí hạt nhân để đối phó Liên Xô.
Cùng với các mẫu máy bay ném bom đầu tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (B-47, B-58 và B-70 (bị hủy bỏ)), B-36 không được thiết kế để hoạt động tại châu Á – Thái Bình Dương và chưa từng đảm nhận nhiệm vụ gì khác ngoài vai trò răn đe hạt nhân trong khu vực.
"Pháo đài bay" B-52
Còn B-52 vốn là máy bay ném bom hạt nhân nhưng lại có hoạt động đáng kể nhất là thực hiện các chiến dịch ném bom thông thường trong Chiến tranh Việt Nam.
Kể từ những năm 1970, B-52 đã thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau và tiếp tục đóng một vai trò nhất định trong các kế hoạch chiến lược của Mỹ.
B-1B và B-2 cũng được thiết kế là các máy bay ném bom hạt nhân và tương tự như B-52, hai loại máy bay này đềi được điều chỉnh để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau sau Chiến tranh Lạnh.
Trong khi đó, LRS-B có tiềm năng đảm nhiệm một vai trò khác biệt, đó là vai trò then chốt trong hệ thống vũ khí chiến lược mà Mỹ hy vọng có thể phá vỡ các lớp phòng thủ chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc.
Lần đầu tiên kể từ thời máy bay ném bom B-17, LRS-B hứa hẹn sẽ mang tới một loại máy bay ném bom được thiết kế đặc biệt cho chiến lược tác chiến của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Nếu Lầu Năm Góc có thể bình ổn mức chi phí thì LRS-B có thể sẽ trở thành thành tố hữu hình (và cũng đồng thời “vô hình”) nhất trong chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á.