Giải pháp phá chiến lược 'cải bắp' của Trung Quốc

Việc duy trì con đường tiếp tế nhu yếu phẩm cho bãi cạn hay đảo chìm có ý nghĩa quyết định trong việc vô hiệu hóa chiến lược bao vây “cải bắp” thâm hiểm của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông, theo trang Globalnation.

Chiến lược “cải bắp” là gì?

Đây là chiến lược sử dụng nhiều lớp tàu đủ loại khác nhau tương tự như các lớp lá của cải bắp để bao vây cô lập một khu vực đảo hay bãi cạn nào đó. Chiến lược “cải bắp” được áp dụng với 3 lớp tàu, trong cùng là các tàu đánh cá tiến hành các hoạt động  đánh bắt thủy sản, tiếp đến là các tàu ngư chính hoặc tàu hải giám thực hiện tuần tra ngoài cùng là các tàu chiến của hải quân lấy cớ bảo vệ cho các tàu phía trong.

Ba lớp tàu này sẽ tiến hành bủa vây các bãi cạn hay đảo chìm với một bán kính rất rộng. Khi có tàu hải quân của nước tuyên bố chủ quyền đến gần thì sẽ được các tàu hải quân Trung Quốc “tiếp đón” đầu tiên. Với cái cớ bảo vệ cho các tàu hoạt động bên trong, tàu hải quân Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để ngăn cản tàu của nước sở tại tiến vào khu vực bãi cạn hay đảo chìm.

"Cải bắp" là một chiến lược cực kỳ thâm độc của Trung Quốc, họ ép bên tranh chấp ở thế yếu hơn vào bước đường cùng.

Nếu bên nước tuyên bố chủ quyền sử dụng tàu cảnh sát biển để tiến vào khu vực sẽ được các tàu hải giám “tiếp đón”. Họ sẽ tiếp tục trưng cái cớ bảo vệ cho tàu ngư dân đánh bắt hải sản để tiếp tục ngăn cản tàu cảnh sát biển tiến vào khu vực.

Nếu là tàu đánh cá càng khó có cơ hội tiến được vào khu vực bên trong nơi các tàu cá của Trung Quốc đang đánh bắt. Lấy mạnh hiếp yếu, các tàu hải quân và tàu hải giám Trung Quốc sẽ ngăn cản các tàu của nước tuyên bố chủ quyền tiến vào khu vực họ đang chiếm đóng bằng mọi giá.

Cái thâm hiểm của chiến lược này là không trực tiếp sử dụng đến vũ lực mà họ cố tình đẩy  bên bị bao vây vào bước đường cùng. Nếu sử dụng vũ lực sẽ là cái cớ không thể tốt hơn để Trung Quốc tiến hành đáp trả bằng vũ lực và chiếm nốt các bãi cạn hay đảo chìm trong khu vực.

Hiện tại, Trung Quốc đang tiếp tục sử dụng chiến lược “cải bắp” đối với bãi Cỏ Mây của Việt Nam do Philippines chiếm đóng trái phép. Nếu Philippines không duy trì được việc tiếp tế cho thủy quân lục chiến đồn trú trên xác một chiếc tàu chiến cũ tại đây thì kịch bản Scarborough thứ 2 sẽ lặp lại.

Hậu cần, chìa khóa của vấn đề "Cải bắp"

Mục đích sâu xa của chiến lược này là cắt đứt con đường tiếp viện lương thực và nhu yếu phẩm cho các binh lính đồn trú trên các bãi cạn hay đảo chìm.

Tướng Trung Quốc, Trương Triệu Trung từng lớn tiếng tuyên bố: “Đối với những hòn đảo nhỏ đó, chỉ một vài binh lính có thể đóng ở đó nhưng không có thực phẩm hoặc thậm chí là nước uống ở đó. Nếu chúng ta áp dụng chiến lược “cải bắp”, họ sẽ không thể đưa lương thực và nước uống lên đảo. Nếu không được cung cấp thực phẩm trong một đến hai tuần, các binh lính sẽ tự rời khỏi đảo. Một khi rời đi, họ sẽ không bao giờ có thể trở lại”.

Kiên quyết ngăn chặn không cho đội tàu của Trung Quốc quây được thành 3 vòng tại các khu vực tranh chấp, điều này đòi hỏi công tác giám sát sự di chuyển từ xa của các tàu Trung Quốc phải được thực hiện một cách chu đáo.

Chiến lược của Trung Quốc đã bộc lộ rõ, để chống lại chiến lược “cải bắp” của Trung Quốc thì việc duy trì con đường tiếp tế nhu yếu phẩm cho bãi cạn hay đảo chìm có ý nghĩa quyết định. Để chống lại chiến lược thâm hiểm này đòi hỏi sự tập trung cao độ vào việc giám sát sự di chuyển của đội tàu cá và tàu hải giám Trung Quốc.

Công tác tuần tra, phát hiện sớm các hoạt động bất thường của các tàu đánh cá Trung Quốc trong khu vực tranh chấp cần được thực hiện một cách thường xuyên. Kiên quyết không cho các tàu của Trung Quốc quây được thành 3 vòng, một khi họ đã quây được thành 3 vòng thì rất khó để phá vỡ.

Bài học của Phillippines là họ đã mất cảnh giác để cho các tàu của Trung Quốc quây được thành 3 vòng. Khi các nhà chức trách Philippines nhận ra mưu đồ của Trung Quốc thì mọi sự đã rồi. Đối với Trung Quốc một khi họ đã chiếm được thì khó lòng lấy lại.

Các tàu hải giám là lực lượng bảo kê cho chiến lược "cải bắp" tuy nhiên những tàu này cũng chỉ có thể hoạt động trên biển với một thời gian nhất định. Khoảng cách rất xa từ đất liền đến khu vực Trường Sa của Việt Nam chính là điểm yếu của chiến lược này.

Nếu đã chậm chân, các tàu của Trung Quốc quây được thành 3 vòng thì phải  bằng mọi giá duy trì được con đường tiếp tế cho binh lính đồn trú trên đảo. Trong trường hợp này thì thiết lập cầu hàng không tiếp tế nhu yếu phẩm bằng trực thăng từ các tàu bên ngoài vòng vây được xem là khả thi nhất.

Trung Quốc khó lòng có thể bắn hạ một trực thăng đang làm nhiệm vụ tiếp tế hàng hóa với mục đích nhân đạo. Mặt khác, nhu yếu phẩm cũng chính là điểm yếu của chiến lược “cải bắp”, các tàu của Trung Quốc phải trải qua một hải trình rất xa từ đất liền đến khu vực biển Đông .

Với lượng lương thực, nước uống mang theo, giỏi lắm thì họ cũng chỉ cầm cự được trên dưới 1 tháng. Như vậy nếu duy trì được việc tiếp tế cho các binh lính đồn trú trên các bãi cạn hay đảo chìm thì hoàn toàn có thể phá vỡ chiến lược “cải bắp” của Trung Quốc.

Đánh vào điểm yếu của chính chiến lược “cải bắp” là lương thực trên các tàu Trung Quốc, một khi đã cạn lương thực không đuổi các tàu Trung Quốc cũng tự di chuyển về đất liền.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại