Trong biên chế của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam có một số lượng lớn (khoảng 450) các xe tăng lội nước của Liên Xô và các nước khác thuộc khối XHCN phát triển trong những năm 1949-1951, PT-76 sau này còn có thế hệ 2 là PT-76B năm 1958.
Kíp lái 3 người, hỏa lực chính gồm pháo 76,2 mm, súng máy đồng trục 7,62 mm. Có thể tăng cường súng phòng không 12,7 mm. Xe có vỏ giáp khá mỏng, khoảng 20 mm mũi xe và tháp pháo nên khả năng bảo vệ yếu trước các loại đạn xuyên giáp hoặc đạn chống tăng.
PT-76 được tiết kế chủ yếu để hỗ trợ bộ binh tại những nơi có địa hình lầy lội, nhiều sông ngòi vùng nhiệt đới. Xe PT–76 được biên chế cho các lực lượng hải quân đánh bộ tham gia các chiến dịch đổ bộ từ các tàu đổ bộ lên bờ biển, hải đảo, thực hiện nhiệm vụ yểm trợ và chi viện hỏa lực, tiêu diệt các xe tăng thiết giáp của đối phương.
Do đó xe có khả năng lội nước tốt, nhưng chỉ có vỏ giáp mỏng (đảm bảo khả năng bơi), trọng lượng 14 tấn. Với động cơ 240 mã lực, xe có tốc độ trên đường đất là 44km/h, lội nước tốc độ 10,2 km/h.
Ở Việt Nam, xe tăng PT-76 đã tham gia nhiều chiến dịch như chiến dịch đường 9 Nam Lào, chiến dịch An Lộc và hiệp đồng binh chủng trong nhiều chiến dịch lớn.
Mặc dù đã có thời gian phục vụ rất lâu, xe tăng PT-76 đến nay vẫn là lực lượng đột phá tuyến phòng ngự bờ biển của hải quân đánh bộ trong các chiến dịch đổ bộ đường biển, vượt qua địa hình phức tạp ven bờ và mở hành lang tấn công cho bộ binh.
Trong tác chiến hiện đại, PT-76 có những điểm yếu quan trọng cần khắc phục. Đó là hỏa lực yếu, tốc độ pháo bắn chậm (6-8 phát/phút), không có khả năng phòng không, không có hệ thống ổn định pháo – kính ngắm do đó để bắn chính xác xe phải dừng ngắm. Tốc độ cơ động chậm cả trên mặt nước và trên bộ.
Tập đoàn Chế tạo máy đặc chủng và luyện kim Nga đã đưa ra thiết kế đề xuất hiện đại hóa xe tăng lội nước PT–76. Tăng được lắp đặt pháo tốc độ bắn cao, tên lửa có điều khiển và hệ thống kính ngắm chống bắn tỉa, hệ thống điều khiển hỏa lực mới. Đề xuất này có thể tăng cường thời gian phục vụ của PT–76 thêm nhiều năm nữa. Xe PT–76 chỉ giữ lại thân xe, khung gầm và hệ thống chuyển động.
Phương án hiện đại hóa PT–76 nhằm tăng cường tối đa sức mạnh hỏa lực của xe tăng. Các nhà thiết kế đã đề xuất là thay thế hoàn toàn tháp pháo và vũ khí trang bị.
Tháp pháo được thiết kế theo mô hình mới, lắp pháo tự động 57 mm, 4 ống phóng tên lửa chống tăng có điều khiển Cornet; súng máy hạng nặng Kord 12,7 mm; súng phóng lựu tự động AG-30; hệ thống điều khiển hỏa lực tầm xa tự động hóa cao và thiết bị quang điện tử tìm kiếm phát hiện mục tiêu.
Pháo tự động 57-mm S-60 và hệ thống nạp đạn tự động được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Burevestniksch sử dụng hai loại đạn tiêu chuẩn là đạn nổ phá mảnh vạch đường và đạn xuyên giáp với tốc độ bắn 120 phát/phút.
Đạn xuyên giáp trên tầm bắn 1120 m có khả năng xuyên thép 100 mm. Pháo tự động sử dụng đạn phòng không đặc chủng có thể diệt các mục tiêu ở tầm xa đến 6 km. Pháo bắn phát một, loạt ngắn 2-3 viên và liên thanh đến 30 viên đạn. Hệ thống nạp đạn tự động có trong trống đạn 20 viên đạn các loại. Cơ số đạn là 70 viên đạn xuyên giáp và nổ phá.
Súng máy 7,62 mm đồng trục với pháo tự động 57 mm có cơ số đạn là 2000 viên,
Hệ thống điều khiển hỏa lực bao gồm kính ngắm quang video Liga–S ổn định tầm hướng, có các kênh quang học, hồng ngoại và đo xa laser, thiết bị đo xa laser còn được sử dụng để dẫn đường cho tên lửa chống tăng Cornet, kênh ngắm song song kính ngắm súng máy phòng không 1P67.
Kính ngắm có khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, chống nhiễu chiến trường và nhiễu địa hình. Hệ thống điều kiển hỏa lực có thiết bị tự động bám mục tiêu quang ảnh nhiệt dẫn đường cho tên lửa chống tăng Cornet.
Hệ thống kính quang học cho phép phát hiện các thiết bị kính ngắm và quan sát quang học của đối phương và tấn công tiêu diệt. Đây là một ưu thế mà PT-76 trong tương lai nhằm lực lượng bắn tỉa và chống tăng của đối phương.
Hiệu quả bắn của tổ hợp pháo 57 và hệ thống điều khiển hỏa lực: xe tăng là 1000m, xe thiết giáp 2500 m, các mục tiêu khác bao gồm cả trực thăng chiến đấu là 4000 m.
Tầm bắn hiệu quả của tổ hợp tên lửa chống tăng Cornet 5000m. Khả năng xuyên giáp là 1200 mm.
Tập đoàn Muromteplovoz Nga cũng đưa ra một phương án khác dành cho các xe tăng PT-76 của hải quân đánh bộ trong các tình huống yểm trợ hỏa lực bộ binh khi đổ bộ từ hướng biến, đánh chiếm bàn đạp đầu cầu và phòng không tầm gần.
Mục đích chủ yếu của giải pháp cũng nhằm tăng cường sức mạnh hỏa lực của xe trong đổ bộ đường biển. Tháp pháo và pháo tăng 76-mm, súng máy đồng trục 7,62mm được thay thế bằng pháo tự động 30 mm 2A42 và trung liên 7,62mm PKTM, súng phóng lựu tự động 30 mm AG-17.
Hệ thống pháo tự động và súng máy đồng trục được lắp hệ thống ổn định tầm hướng. Xe PT-76 trở thành xe yểm trợ hỏa lực mạnh đổ bộ đường biển. Để tăng cường khả năng diệt tăng, xe được lắp thêm 2 – 4 ống phóng tên lửa chống tăng Cornet. Hệ thống hỏa lực được trang bị kính ngắm ngày đêm TKN-4GA trên tất cả các góc bắn tầm và hướng.
Trong tình huống chiến đấu, xe có thể được lắp các tấm giáp chắn đạn nổ lõm, phía sườn xe và phía sau được lắp các lưới chắn đạn phóng lựu chống tăng, xe cũng được trang bị hệ thống phóng đạn khói azot.
Để thay thế các động cơ diesel đã lỗi thời và tăng cường khả năng cơ động, trên xe tăng PT–76 được lắp động cơ thế hệ mới 420 mã lực và lắp đặt hệ thống ly hợp bánh răng hành tinh của xe BMD-3. Xe có thể chạy trên đường với tốc độ 60 km/h, bơi nước với vận tốc 14 km/h.