Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ phi công ở Sư đoàn Không quân 372

Đại tá Bùi Tố Việt - Chính ủy Sư đoàn |

Sư đoàn Không quân 372 được giao nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vùng trời, biển, đảo khu vực miền Trung, Tây Nguyên và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác do Quân chủng Phòng không - Không quân giao.

Trải qua gần 40 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (30-10-1975 – 30-10-2015), Sư đoàn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn và 06 trung đoàn, 07 cán bộ, phi công được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”1.

Hiện nay, cùng với thực hiện nhiệm vụ được giao, Đơn vị tập trung xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó: tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ phi công ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề cơ bản nhất.

Trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ, xây dựng động cơ nghề nghiệp đúng đắn nhằm xây dựng đội ngũ phi công có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Nội dung giáo dục tập trung vào nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, Quân chủng và Đơn vị, nhất là nhiệm vụ mới, phức tạp, đột xuất.


Phi công Trung đoàn không quân 925, Sư đoàn 372 thực hành huấn luyện trên máy bay tiêm kích Su-27PU. Ảnh: Jetphotos.net.

Phi công Trung đoàn không quân 925, Sư đoàn 372 thực hành huấn luyện trên máy bay tiêm kích Su-27PU. Ảnh: Jetphotos.net.

Trong đó, Sư đoàn chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, Quân đội; phát huy truyền thống “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” của Bộ đội Không quân trong những năm tháng chiến tranh.

Việc làm đó được gắn kết chặt chẽ với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Phòng không - Không quân ưu tú”, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ phi công.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị tập trung giáo dục cho đội ngũ phi công nắm rõ các thủ đoạn, phương thức tác chiến đường không của đối phương; động viên họ ra sức học tập, nắm bắt, làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài, nghệ thuật tác chiến không quân; kinh nghiệm, cách đánh của không quân ta; tiếp thu những kinh nghiệm tác chiến không quân của một số nước trên thế giới trong thời gian gần đây để xây dựng phương án, cách đánh phù hợp với yêu cầu tác chiến hiện đại.

Đồng thời, xây dựng cho đội ngũ phi công niềm tin vào nghệ thuật quân sự, cách đánh của ta, vũ khí, trang bị hiện có; nâng cao ý chí quyết tâm, tinh thần “Dám đánh, biết đánh, quyết đánh, quyết thắng” trong mọi tình huống.

Thông qua đó, để mỗi phi công có bản lĩnh chính trị vững vàng, xác định rõ nhiệm vụ; tích cực, chủ động trong huấn luyện, rèn luyện tâm lý, sức khỏe, nâng cao trình độ mọi mặt, tinh thần sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, khắc phục tâm lý dao động, ngại gian khổ, thiếu tích cực tu dưỡng, rèn luyện, v.v.

Cùng với công tác chính trị, tư tưởng, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn thường xuyên coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho đội ngũ phi công.

Thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, nhất là Chỉ lệnh của Tư lệnh Quân chủng về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hằng năm, trước mỗi giai đoạn huấn luyện, Sư đoàn đều ra chỉ thị công tác huấn luyện và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị; lập kế hoạch bay, kế hoạch bảo đảm an toàn bay, bảo đảm dẫn đường, thông tin ra-đa, công tác hậu cần, kỹ thuật,... trong huấn luyện.

Chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thành thạo các trang thiết bị, vũ khí hiện có, ưu tiên huấn luyện phi công trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu và phi công mới tốt nghiệp ở trường về, đưa vào trực ban chiến đấu.

Để nâng cao chất lượng, Sư đoàn triển khai tập huấn thống nhất nội dung, phương pháp huấn luyện mới; tổ chức ban bay mẫu làm cơ sở để hoàn thiện, thống nhất các khâu, các bước trong thực hành bay.

Trước mỗi chuyến bay, ban bay, chỉ huy các cấp tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị; làm tốt việc phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng; động viên tinh thần, chăm sóc sức khỏe phi công, tạo điều kiện thuận lợi để ban bay thực hiện theo đúng kế hoạch và bảo đảm an toàn.


Máy bay tiêm kích hiện đại Su-27UB trong biên chế Sư đoàn Không quân 372. Ảnh: Jetphotos.net.

Máy bay tiêm kích hiện đại Su-27UB trong biên chế Sư đoàn Không quân 372. Ảnh: Jetphotos.net.

Sau ban bay, chỉ huy bay tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của phi công, thợ máy và các thành phần phục vụ để có biện pháp khắc phục.

Quán triệt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm” và tư tưởng chỉ đạo “đổi mới, thiết thực, thận trọng, an toàn”, Sư đoàn chủ động nắm chắc trình độ của đội ngũ phi công cũng như công tác bảo đảm, tình hình thời tiết để lập kế hoạch tổ chức huấn luyện theo đúng quy định của Điều lệ bay, giáo trình, sát với trình độ và khả năng của từng phi công.

Trọng tâm huấn luyện là những bài bay ứng dụng chiến đấu, bay đêm, bay biển, tuần tiễu, trinh sát, không chiến, đánh mục tiêu tốc độ nhỏ, độ cao thấp, bay trong điều kiện khí tượng phức tạp và hiệp đồng chiến đấu với các quân chủng, binh chủng, lực lượng có liên quan; tăng cường bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn, trình độ, kỹ năng và bản lĩnh, tâm lý trong những tình huống, bài bay phức tạp, đòi hỏi ý chí, quyết tâm cao.

Ngoài ra, Sư đoàn luôn chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện chuyển loại phi công, tổ bay, giáo viên bay, cán bộ, nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu khai thác, làm chủ vũ khí, phương tiện kỹ thuật mới.

Đồng thời, lựa chọn những phi công giỏi để đào tạo chuyển loại bay (Su-27, Su-22, Mi-17) theo đúng mệnh lệnh, kế hoạch năm của Quân chủng, đáp ứng yêu cầu tiến thẳng lên hiện đại, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn.

Đối với đội ngũ phi công trẻ, phi công chuyển loại, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị cử phi công có trình độ, kinh nghiệm trực tiếp bay kèm, giúp đỡ huấn luyện để tăng giờ bay, nhất là bay tìm kiếm cứu nạn, hạ cánh bãi ngoài, bay tiêu diệt các loại mục tiên trên không, mặt đất, mặt biển bằng vũ khí hiện có trong các điều kiện thời tiết.

Nhờ tiến hành đồng bộ các giải pháp trên, trong các cuộc diễn tập, bắn đạn thật mục tiêu trên bộ và trên biển, Sư đoàn đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt Đơn vị “Huấn luyện Giỏi”.

Cùng với đó, Sư đoàn luôn duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu theo các phương án đã xác định, đảm bảo khi có lệnh là cất cánh làm nhiệm vụ được ngay, không để bất ngờ, lỡ thời cơ.

Điều đó khẳng định, bản lĩnh chiến đấu, trình độ khai thác, sử dụng, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật của đội ngũ phi công cũng như khả năng chiến đấu của Sư đoàn không ngừng được nâng cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên giao, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đối với Bộ đội Không quân, công tác bảo đảm an toàn bay có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của đội ngũ phi công, liên quan đến sinh mạng con người và tài sản của Nhà nước cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu của Đơn vị.

Nhận thức rõ điều này, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc tăng cường phòng ngừa tai nạn bay và uy hiếp an toàn bay nhằm bảo đảm, đáp ứng tốt nhất cho các hoạt động bay.

Sư đoàn yêu cầu đội ngũ phi công và các lực lượng bảo đảm phải nắm vững Điều lệ bay, các điều lệ, quy định của từng ngành; chấp hành nghiêm Quy chế về an toàn bay và công tác chuẩn bị, hiệp đồng giữa các bộ phận; kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện chủ quan, giản đơn, thiếu kiểm tra của chỉ huy các cấp và tâm lý nôn nóng chạy theo chỉ tiêu giờ bay của một số phi công, v.v.

Trong huấn luyện, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị tập trung làm tốt: “3 khâu”, “4 bảo đảm”, “5 thực hiện” trong các nội dung, các bước của quy trình bay2; đồng thời, tổ chức luyện tập thành thục các phương án, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng để xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống trên không.

Từ năm 2010 đến nay, Sư đoàn không để xảy ra tai nạn bay hoặc uy hiếp an toàn bay. Nhờ đó, góp phần nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn bay, phục vụ tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Đơn vị.

Sư đoàn chỉ đạo làm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phi công hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Tiêm kích Su-27SK trong biên chế Sư đoàn Không quân 372. Anh: Jetphotos.net.

Tiêm kích Su-27SK trong biên chế Sư đoàn Không quân 372. Anh: Jetphotos.net.

Về công tác kỹ thuật, Sư đoàn yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị, kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, tập trung xây dựng chính quy ngành Kỹ thuật, duy trì nghiêm chế độ kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng máy bay, khí tài, xây dựng kho, trạm, xưởng kiểu mẫu, nâng cao chất lượng “Ngày Kỹ thuật” ở các cấp.

Sư đoàn yêu cầu, mọi cán bộ, chiến sĩ phải nắm vững Điều lệ công tác kỹ thuật, quy tắc an toàn bay; coi trọng bảo đảm kỹ thuật hàng không và kỹ thuật công trình sân bay; đề cao tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, đảm bảo máy bay luôn trong tình trạng tốt để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bay.

Về công tác hậu cần, thường xuyên làm tốt công tác quản lý, đảm bảo điện khí, xăng, dầu, sân bay,… phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện; thực hiện tốt phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đảm bảo đúng, đủ tiêu chuẩn, định lượng, chăm sóc sức khỏe phi công, đóng góp tích cực vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thành công của những chuyến bay.

Công tác đảm bảo chế độ, chính sách đặc thù, nhất là đời sống, hậu phương, gia đình đối với đội ngũ phi công được Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn quan tâm coi trọng, lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt, góp phần để họ yên tâm công tác, gắn bó xây dựng đơn vị.

Nâng cao chất lượng đội ngũ phi công là một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn Không quân 372; đồng thời, cũng là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo khu vực miền Trung, Tây Nguyên của Tổ quốc.

Ghi chú:

1 - Sáu trung đoàn gồm:

935, 937, 917, 923, 954, 929. Bảy đồng chí cán bộ, phi công gồm: Tạ Đông Trung (Liệt sĩ), Lê Khương (Liệt sĩ), Nguyễn Thế Hùng (Liệt sĩ), Nguyễn Đình Khoa, Âu Văn Hùng, Nguyễn Văn Kháng, Phạm Minh Thư.

Riêng Phi đội 4 thuộc Trung đoàn 937, ba lần được tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

2 - “3 khâu”:

1. Xây dựng kế hoạch bay, phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ và trình độ phi công;

2. Chuẩn bị bay tỉ mỉ, cụ thể, vững chắc ở tất cả các bộ phận, thành phần tham gia bay và nhanh nhạy, quyết đoán trong xử lý tình huống;

3. Rút kinh nghiệm, giảng bình bay đúng, trúng và có biện pháp khắc phục triệt để.

-  “4 bảo đảm”: 1. Chất lượng phi công; 2. Chất lượng máy bay, các phương tiện phục vụ; 3. Điều kiện thời tiết, khí tượng; 4. Chỉ huy bay và các thành phần phục vụ.

- “5 thực hiện”: 1. Nền nếp, chế độ, nguyên tắc, Điều lệ bay, Quy chế an toàn bay, điều lệ, quy định các chuyên ngành; 2. Phối hợp, hiệp đồng giữa chỉ huy bay với phi công và các thành phần phục vụ bay; 3. Huấn luyện xử lý bất trắc, sử dụng sổ tay phi công và ghi chép nhật ký ngày bay, chuyến bay; 4. Quy trình, nội dung giao nhiệm vụ, chuẩn bị bay, thực hành bay, giảng bình rút kinh nghiệm và công tác đảm bảo an toàn bay; 5. Các bước dự báo, xây dựng kế hoạch, kiểm tra quy tắc đảm bảo an toàn bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại