Liên quan đến thương vụ tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral giữa Nga - Pháp, tạp chí National Interest (Mỹ) đăng bài phân tích của hai chuyên gia Edward P. Joseph và Michael O'Hanlon, trong đó đề cập tới một giải pháp có thể ngăn Pháp chuyển giao tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral cho Nga.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Theo kế hoạch trong thỏa thuận giữa 2 nước, Pháp sẽ bàn giao chiếc Mistral đầu tiên cho Nga vào đầu tháng 11 này, chỉ 4 ngày trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ và vài tháng sau cuộc khủng hoảng liên quan đến thảm họa MH17. Và nếu khi đó kết quả cuộc điều tra xác nhận chiếc máy bay đúng là bị bắn rơi bởi một tên lửa do Nga cung cấp thì thương vụ trên sẽ khiến phương Tây phải đau đầu.
Pháp dường như vẫn quyết duy trì hợp đồng bán 2 tàu hỗ trợ đổ bộ lớp Mistral cho Nga để đối phó với tình trạng thiếu hụt ngân sách. Nếu chiếc đầu tiên được giao đúng hạn sau 4 tháng nữa, nó sẽ đánh dấu một thất bại ngoại giao nghiêm trọng của phương Tây. Việc một thành viên chủ chốt của NATO vẫn giao dịch bình thường với Nga sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng nỗ lực chung của phương Tây nhằm tác động đến chính sách của Nga, cho dù các biện pháp trừng phạt kinh tế khác có phát huy tác dụng.
Mỹ vì vậy cần dùng mọi biện pháp để ngăn chặn thỏa thuận này. Đó có thể là những biện pháp khác thường, như NATO sẽ đứng ra mua lại những chiếc Mistral trên. Chúng có thể được dùng cho những nhiệm vụ của khối này ở Châu Âu và trên toàn thế giới trong tương lai. Đồng thời bước đi này cũng giúp nước Pháp có thể giải quyết khó khăn tài chính và một lí do hợp lý để hủy bỏ thỏa thuận với Nga.
Để đạt được mục tiêu này, chính quyền tổng thống Obama cần công khai tuyên bố với quốc hội và các đồng minh Châu Âu rằng nước này xem việc ngăn chặn thỏa thuận trên là một ưu tiên hàng đầu. Nó không chỉ là một thất bại mang tính biểu tượng, củng cố nhận định của ông Putin rằng phương Tây là một khối lỏng lẻo, yếu ớt, mà còn có ý nghĩa thực tế trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng của Nga.
Kiểm soát khu vực ven bờ biển Baltic và biển Đen là một trọng tâm chiến lược của Moscow. Sở hữu một loại tàu hỗ trợ đổ bộ có thể chở theo đến 16 trực thăng sẽ giúp Nga tăng khả năng thực hiện những chiến dịch quân sự dọc bờ biển Ukraine, Gruzia hay các nước láng giềng khác, thậm chí đến tận khu vực Trung Đông. Một ví dụ dễ thấy là Nga có thể dùng Mistral để bí mật triển khai những người lính giấu mặt, không phiên hiệu như họ đã và đang làm tại Ukraine. Thỏa thuận này cũng làm yếu đi những nỗ lực trừng phạt kinh tế, các công ty sẽ phản đối việc bị phân biệt đối xử khi mà các hợp đồng quốc phòng giữa các chính phủ lại không bị ràng buộc bởi những biện pháp trừng phạt.
Một số nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng ủng hộ giải pháp NATO mua lại Mistral. Tất nhiên một giải pháp như vậy cũng sẽ đòi hỏi sự đóng góp tài chính từ mọi thành viên NATO, tương tự như cách mà khối này đã dùng để mua những phương tiện, trang thiết bị được sử dụng chung cho cả khối. Chúng bao gồm cơ sở vật chất tại các căn cứ quân sự, và một số vũ khí đặc biệt như máy bay cảnh giới trên không AWACS, vốn rất cần thiết cho việc phối hợp tác chiến trong một chiến dịch lớn.
Tàu hỗ trợ đổ bộ cho đến nay không nằm trong danh mục những trang thiết bị dùng chung của NATO do khi cần, khối này có thể trông cậy vào những nước thành viên có lực lượng hải quân viễn dương mạnh như Mỹ, Anh, Pháp. Tuy nhiên, trong thời điểm mà cắt giảm ngân sách quốc phòng đang làm xu thế phổ biến thì việc phụ thuộc vào một số ít các nước thành viên có thể có bất lợi. Những nước này có thể cần triển khai các phương tiện của họ cho những chiến dịch của riêng mình, và không có đủ phương tiện cho những chiến dịch chung của khối. Do đó NATO có thể cần sở hữu cho riêng mình những phương tiện như Mistral, có thể giúp khối này triển khai những lực lượng độc lập và cơ động.
Bản thân nước Pháp dĩ nhiên cũng sẽ cần đóng góp vào hoạt động trên, có thể thông qua việc giảm giá bán của Mistral. Nhiều ý kiến cho rằng khoản đóng góp trên của Pháp là hoàn toàn hợp lý khi mà đáng ra họ nên đơn phương hủy hợp đồng này. Trên thực tế thì khó có chuyện Pháp chấp nhận gánh chịu tổn thất một mình, do đó cả khối NATO cần sự đồng lòng trong trường hợp này. Giải pháp trên sẽ không chỉ giúp tránh được một sai lầm chiến lược mà còn củng cố sự gắn kết trong khối và đồng thời tăng cường khả năng tác chiến của NATO trong tương lai.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Edward P. Joseph, Giám đốc điều hành thuộc Viện các vấn đề thế giới và Michael O'Hanlon, Giám đốc nghiên cứu phụ trách chương trình Chính sách đối ngoại của Viện Brookings, Mỹ.
Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA