Hợp đồng mua tàu ngầm nước ngoài gần đây nhất mà Trung Quốc ký kết được thực hiện vào năm 2002. Như vậy đã 10 năm trôi qua Bắc Kinh không ký hợp đồng mua tàu ngầm nào từ nước ngoài. Trong tổng số tàu ngầm động cơ điện - diesel trong biên chế Hải quân Trung Quốc, chỉ có 12 chiếc tàu ngầm mua của Nga trong số 67 chiếc đang hoạt động.
Nhìn vào con số 21% tàu ngầm nhập khẩu từ Nga có thể thấy rằng, Bắc Kinh đã làm chủ được công nghệ đóng tàu ngầm điện - diesel. Bên cạnh đó, qua việc tìm hiểu những tàu ngầm của Nga, các kỹ sư Trung Quốc đã có những hiểu biết đáng kể về công nghệ tàu ngầm hiện đại.
Thực tế thì Trung Quốc đã đạt được những thành tựu trong phát triển tàu ngầm điện - diesel. Dựa trên các tàu ngầm của Nga các kỹ sư Trung Quốc đã phát triển thành công một số lớp tàu ngầm. Khởi đầu của những thành công này là tàu ngầm điện - diesel Type 033 lớp Romeo.
"Học chưa đến nơi"
Type 033 là sản phẩm hợp tác chuyển giao công nghệ tàu ngầm giữa Bắc Kinh và Moscow trong thời gian quan hệ “trăng mật” những năm 1950. Hai chiếc đầu tiên được hợp tác phát triển chung, nhưng sau sự cố xung đột biên giới với Liên Xô dự án hợp tác giữa 2 bên bị hủy bỏ.
Trung Quốc đã độc lập phát triển Type 033 dựa trên những công nghệ trong nước. Hơn 40 chiếc đã được đóng và đưa vào sử dụng, hiện tại vẫn còn 8 chiếc đang hoạt động.
Tàu ngầm tấn công Type 033.
Trên cơ sở của Type 033, Trung Quốc tiếp tục phát triển thành công tàu ngầm điện-diesel Type 035, lớp Minh.
Type 035 là tàu ngầm được phát triển hoàn toàn theo công nghệ trong nước, 21 chiếc đã được đưa vào sử dụng với 3 biến thể khác nhau, 18 chiếc vẫn đang hoạt động.
Tuy nhiên, điều ít ai biết đến là 2 lớp tàu ngầm điện - diesel trên có quá nhiều vấn đề về kỹ thuật.
Cả hai đều là những thiết kế lỗi thời, độ ồn khi hoạt động rất lớn biến nó thành những mục tiêu dễ dàng cho các hệ thống chiến tranh chống ngầm. Bên cạnh đó, tính an toàn của các tàu ngầm này không cao, vụ tai nạn thảm khốc của tàu ngầm lớp Minh mang số hiệu 361 làm thủy thủ đoàn 70 người thiệt mạng vào năm 2003 đã nói lên điều này.
Công nghệ tàu ngầm Trung Quốc nhanh chóng “xuống dốc không phanh” vào những năm 1990 khi phương Tây siết chặt lệnh cấm vận vũ khí lên Bắc Kinh.
“Chết đuối vớ được cọc”
Trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách về tàu ngầm so với phương Tây, các kỹ sư Trung Quốc đã phát triển một chương trình tàu ngầm mới Type 039 lớp Tống.
Type 039 có thiết kế khá hiện đại, tiêu biểu cho thiết kế thủy động lực học mới của Trung Quốc, hệ thống điện tử trên tàu khá hiện đại. Tuy nhiên, sau khi hạ thủy và đưa vào thử nghiệm năm 1994 lớp tàu ngầm này đã cho thấy có quá nhiều vấn đề kỹ thuật cần khắc phục, dự án tạm thời bị đình chỉ.
Trong giai đoạn khó khăn này thần may mắn đã gõ cửa Trung Quốc khi Nga cho phép xuất khẩu loại tàu ngầm hiện đại nhất lúc đó là Kilo. Được Hải quân Mỹ đặt cho biệt danh là “Hố Đen”, sự có mặt của Kilo đã thay đổi đáng kể năng lực của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc.
Tàu ngầm tấn công Type 039.
Quan trọng hơn, sự có mặt của Kilo đã cho phép các kỹ sư Trung Quốc mổ xẻ tàu ngầm này để khai thác công nghệ. Qua tìm hiểu Kilo, Trung Quốc đã cho ra đời biến thể mới của tàu ngầm Type 039 được gọi là Type 039G.
Công việc sản xuất Type 039 được nối lại vào năm 1999, một biến thể nâng cấp khác được giới thiệu sau đó không lâu là Type 039G1.
Nhìn chung, Type 039 đại diện cho bước đột phá lớn của Trung Quốc trong công nghệ tàu ngầm. Loại tàu ngầm này được đánh giá là sự kết hợp giữa các công nghệ Trung Quốc và phương Tây.
Tuy vậy, loại tàu ngầm nội địa hiện đại nhất Trung Quốc được đánh giá chỉ tương đương các công nghệ tàu ngầm phương Tây những năm 1980.
Khả năng của tàu ngầm lớp Tống rất khó để kiểm chứng, tuy vậy nó đã thu hút sự quan tâm đặc biết của thế giới sau khi nỗi lên cách tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ có 8km mà không bị phát hiện ngoài khơi quần đảo Okinawa vào năm 2006.
Sao chép hoàn chỉnh tàu Kilo?
Một lớp tàu ngầm khác hiện đại hơn đang được phát triển là loại Type 041 lớp Nguyên. Loại tàu ngầm này có thiết kế sao chép từ tàu ngầm Kilo của Nga.
Một số nguồn tin không chính thức trên các trang mạng quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, tàu ngầm lớp Nguyên được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập AIP tiên tiến do Trung Quốc sản xuất.
Type 041 lớp Nguyên từng được quảng cáo rùm beng là có độ ồn khi hoạt động thấp hơn đến 8 lần so với tàu ngầm lớp Lada (biến thể xuất khẩu có tên Amur) của Nga.
Tàu ngầm tấn công Type 041 lớp Nguyên.
Chiếc đầu tiên của chương trình được hoàn thành vào năm 2004, tiến hành thử nghiệm vào năm 2005. Chiếc thứ 2 được cho là khởi đóng vào năm 2007.
Tuy nhiên, đến nay chương trình tàu ngầm lớp Nguyên bỗng nhiên “bặt vô âm tính”. Sự chậm trễ trong xây dựng cho thấy chương trình tàu ngầm này đang gặp vấn đề. Nhiều khả năng tàu ngầm lớp Nguyên đang lặp lại vấn đề tương tự như tàu ngầm lớp Tống.
Bắc Kinh đã lên tiếng mua tàu ngầm Amur của Nga (biến thể xuất khẩu của tàu ngầm Lada) cho thấy, họ đã không thể làm chủ được các công nghệ khi chuyển sang một thiết kế mới. Trung Quốc cần một tàu ngầm mới hơn từ nước ngoài để sao chép công nghệ. Điều này lý giải cho việc Trung Quốc bất ngờ tuyên bố nhập khẩu tàu ngầm sau hơn 10 tự đóng lấy.
Công nghệ tàu ngầm Trung Quốc vẫn là một ẩn số lớn đối với thế giới, bên cạnh đó sự bí mật thông tin trong các chương trình phát triển tàu ngầm càng làm cho những ẩn số này khó giải đáp hơn.