Giải mật bộ 3 UAV trinh sát-tấn công mạnh nhất Trung Quốc

Thiên Nam |

Trong ngày lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã công khai 3 loại UAV khá đặc biệt. Đó là những loại nào?

Ngày 3/9, tại lễ duyệt binh trên Quảng trường Thiên An Môn trong ngày lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít của Trung Quốc, quân đội nước này đã mang ra diễu hành một khối bao gồm 3 loại máy bay không người lái.

Trong đó có cả những chiếc đã từng xâm nhập “Vùng nhận dạng phòng không” của Nhật Bản.

Trong buổi lễ duyệt binh, 11 chiếc máy bay không người lái của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được xếp vào khối diễu hành mặt đất thứ 23, bao gồm 3 loại UAV được vận chuyển trên 2 loại xe chở. Đây cũng là khối diễu hành có đội hình dài nhất trong buổi lễ duyệt binh.

Sau buổi lễ duyệt binh nhân kỷ niệm 60 năm Quốc khánh Trung Quốc, đây là lần thứ 2 các UAV được xếp thành một khối diễu hành trong một cuộc duyệt binh, 3 loại máy bay không người lái này lần lượt được định danh là GJ-1, BZK-005 và JWP02.

Đây là 3 loại máy bay không người lái từ tầm trung trở lên, có khả năng tác nghiệp cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Loại đầu tiên là máy bay trinh sát-tấn công không người lái, loại UAV thứ 2 và 3 đơn thuần chỉ đảm nhận chức năng trinh sát.

Đây cũng được coi là 3 loại máy bay không người lái tiên tiến, đại diện cho thế hệ UAV mới nhất đã được trang bị chính thức trong các quân, binh chủng của quân đội Trung Quốc.

Máy bay trinh sát-tấn công không người lái GJ-1 (Gong Ji 1)


Máy bay trinh sát-tấn công không người lái GJ-1 chính là phiên bản biên chế chính thức của UAV “Dực Long”

Máy bay trinh sát-tấn công không người lái GJ-1 chính là phiên bản biên chế chính thức của UAV “Dực Long”

Ngay từ cái tên của nó là “Gong Ji 1” (Công Kích 1) đã cho người ta thấy GJ-1 thuộc loại máy bay không người lái nào.

Theo số liệu chính thức của quân đội Trung Quốc, GJ-1 được xếp loại máy bay không người lái, tích hợp khả năng trinh sát-tấn công thế hệ mới nhất của quân đội nước này.

GJ-1 là máy bay trinh sát-tấn công không người lái hạng trung, tầm xa, xuất hiện lần đầu tiên nhưng lại rất “quen mắt” tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014.

Ngay sau đó, vào cuối tháng 8-2014, loại UAV này đã được không quân Trung Quốc triển khai thử nghiệm tác chiến lần đầu tiên.

GJ-1 đã được điều động tham dự cuộc tập trận chung chống khủng bố mang tên “Sứ mệnh Hòa bình - 2014”, của lực lượng vũ trang của các các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Nga và Tajikistan

Khác với UAV thuần túy, nhận lệnh từ trung tâm chỉ huy hay các máy bay cảnh báo sớm, máy bay trinh sát, vệ tinh…, rồi lên đường đến địa điểm đã định để tấn công mục tiêu, GJ-1 còn có khả năng tự trinh sát, phát hiện mục tiêu trong khoảng thời gian rất dài.

Ngay khi tìm được “con mồi”, nó vẫn truyền dẫn các số liệu về trung tâm chỉ huy, nhưng đồng thời tự ra quyết định tấn công đối thủ, sử dụng các vũ khí tấn công chính xác để tiêu diệt kẻ địch. Loại máy bay trinh sát-tấn công không người lái này rất phù hợp đối với các mục tiêu di động.


Máy bay trinh sát không người lái BKZ-005 đã từng xâm nhập ADIZ Nhật Bản

Máy bay trinh sát không người lái BKZ-005 đã từng xâm nhập ADIZ Nhật Bản

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long, ít người biết rằng, “Công Kích-1” chính là phiên bản biên chế chính thức cho lực lượng không quân Trung Quốc của loại máy bay trinh sát-tấn công không người lái, từ trước đến nay vốn nổi tiếng với tên gọi “Wing Loong” (“Dực Long” - tức là “Cánh Rồng”).

“Công kích-1” có bán kính tác chiến rất xa; thời gian lưu không dài; khả năng trinh sát, bám bắt mục tiêu bền bỉ và khả năng tấn công chính xác bằng các loại vũ khí tấn công hiện đại nhất chuyên dụng cho máy bay không người lái mà Trung Quốc mới chế tạo.

GJ-1 có khả năng tấn công rất mạnh đối với tất cả các mục tiêu cố định và cơ động, bao gồm các mục tiêu trên mặt biển và dưới mặt đất; được trang bị các loại đạn rocket, tên lửa không đối đất và bom dẫn đường chính xác, thậm chí nó còn được trang bị cả loại bom lượn mini.

UAV trinh sát BZK-005 từng xâm nhập ADIZ của Nhật Bản

Trong số 3 loại máy bay không người lái tham gia lễ duyệt binh, quen thuộc nhất là máy bay trinh sát không người lái BZK-005. Thực chất nó là một hệ thống bay trinh sát và thu thập thông tin tình báo không người lái tầm cao, tầm xa và có khả năng tàng hình.

Trước đây, vào ngày 9-9-2013, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã từng công bố nghi ngờ loại UAV trinh sát này đã từng xâm nhập “Vùng nhận dạng phòng không thuộc không phận biển Hoa Đông” của nước này (Trung Quốc cũng tuyên bố ADIZ bao trùm một phần ADIZ Nhật Bản).

BKZ-005 là kết quả hợp tác phát triển và sản xuất giữa Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh và Công ty chế tạo hàng không Cáp Nhĩ Tân (Harbin Aircraft Industry). Trong đó, đơn vị đầu chịu trách nhiệm thiết kế, còn Harbin Aircraft Industry là nhà sản xuất UAV.

BZK-005 xuất hiện lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2006 với tham số sơ bộ là:

Trọng lượng khoảng 1,2 tấn, khả năng mang tải hữu ích lớn nhất là 150 kg, tốc độ hành trình 170 - 180 km/h, trần bay cao tối đa 8.000 m, độ cao làm việc hiệu quả 5 - 7.000 m, thời gian hành trình liên tục 20 giờ.

Ngoài việc bay theo lập trình, BZK-005 còn có thể bay theo điều khiển và được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh. Theo các chuyên gia Trung Quốc, BZK-005 có thể bay tới đảo Okinawa của Nhật Bản (cách lãnh thổ Trung Quốc chỉ có 830 km) và trinh sát khoảng 8 giờ mới bay trở về

Máy bay trinh sát không người lái tầm trung JWP02

JWP02 được phát triển để thay thế cho loại máy bay trinh sát không người lái tầm trung JWP01, đã phục vụ trong quân đội Trung Quốc khoảng 15 năm trước. Về bản chất, loại UAV này được xếp vào loại máy bay không người lái đa dụng từ tầm ngắn đến tầm trung.


Máy bay không người lái chỉ thị mục tiêu pháo binh JWP02

Máy bay không người lái chỉ thị mục tiêu pháo binh JWP02

JWP01 là loại máy bay không người lái thế hệ thứ nhất, chủ yếu dùng trong nhiệm vụ trinh sát các mục tiêu của pháo binh. Hiện nay, lục quân Trung Quốc đã ngừng sử dụng loại máy bay chỉ thị mục tiêu không người lái này.

Một vấn đề được nhiều người thắc mắc là, tại sao trong buổi lễ duyệt binh, các loại máy bay không người lái này không được quân đội Trung Quốc xếp vào khối diễu binh bay trên bầu trời như các máy bay có người lái, mà lại được vận chuyển trên các xe vận tải chuyên dụng?

Trả lời vấn đề này, chuyên gia quân sự thuộc Học viện Quốc phòng Trung Quốc Lý Đại Quang trả lời rằng, từ trước đến nay chưa từng có quốc gia nào xếp các máy bay không người lái vào khối diễu binh bay.

Nguyên nhân là do máy bay không người lái được lập trình bay tự động nhưng chỉ ở tầm xa, hành trình cố định, còn chủ yếu do nhân viên thao tác điều khiển từ mặt đất.

Trong điều kiện phức tạp của một cuộc duyệt binh, các tín hiệu điều khiển vô tuyến rất dễ bị gây nhiễu chủ động hoặc thụ động.

Nếu các máy bay không người lái được xếp thành biên đội với cự li gần, trần bay thấp, việc bị nhiều loạn tín hiệu điều khiển có thể gây ra mất an toàn, hiệu quả biểu diễn không cao.

Hơn nữa, máy bay không người lái chủ yếu đơn độc thực hiện nhiệm vụ, không phối hợp, hiệp đồng nên việc xếp thành đội hình bay cũng không có nhiều ý nghĩa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại