Theo Diplomat, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF) có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay chiến đấu nghiêm trọng vào năm 2020, nếu Tokyo không đẩy nhanh tốc độ nâng cấp các chiến đấu cơ cũ và mở rộng các nỗ lực hiện đại hóa hiện tại.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản hiện là khách hàng lớn nhất của F-15, mẫu máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
223 chiếc F-15 đã được tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản chế tạo theo giấy phép.
Nhật Bản còn triển khai 94 chiếc Mitsubishi F-2 (mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 được chế tạo dựa trên tiêm kích F-16 của Lockheed Martin) và khoảng 70 chiếc F-4 Phantom II.
Tiêm kích F-15 của Nhật Bản.
Các chiến đấu cơ Phantom II đã dần bị loại biên, còn các tiêm kích F-15 và F-2 của JASDF sẽ bắt đầu "nghỉ hưu" từ những năm 2020, mặc dù một số chiếc F-15 có thể sẽ vẫn hoạt động tiếp cho tới những năm 2030.
Dù đã đầu tư nâng cấp các chiến đấu cơ (bao gồm tu sửa 8 chiếc F-15 và nâng cao khả năng tác chiến không đối không cho các máy bay F-2), JASDF vẫn có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay chiến đấu trong vài năm tới.
"JASDF có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng cơ cấu lực lượng nghiêm trọng trong thập kỷ tới" - Richard Aboulafia, phó chủ tịch Tập đoàn Teal Group nói, cho rằng tốc độ và số lượng máy bay được nâng cấp của Nhật Bản hiện còn thấp.
Tuy nhiên, ông Aboulafia đánh giá cao quyết định mua 42 tiêm kích F-35 Lightning II mà Nhật Bản đưa ra vào tháng 11/2011. Chiếc đầu tiên dự kiến được chuyển giao vào cuối năm 2016.
F-35 sẽ là giải pháp tạm thời cho Nhật Bản, tới khi nước này hoàn thành phát triển tiêm kích tàng hình ATD-X Shinshin
Quyết định này khi đó đã gây ra nhiều tranh cãi do những vấn đề trong quá trình phát triển và mức giá ngày càng tăng cao của F-35.
Tuy nhiên, theo ông Aboulafia:
"Tại bất cứ quốc gia nào khác, mức giá cao của F-35 sẽ mang lại vấn đề lớn khi thay thế các máy bay cũ, rẻ tiền hơn. Song, Nhật Bản luôn trả mức giá rất cao cho các chiến đấu cơ của nước này. Vì vậy, F-35 sẽ không quá chênh lệch với F-15 và F-2 về mặt này".
Các máy bay F-35 sẽ là giải pháp tạm thời cho tới khi Tokyo có thể triển khai tiêm kích thế hệ 5 do nước này tự sản xuất.
Viện nghiên cứu và phát triển kỹ thuật quốc phòng (TRDI) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tiến hành phát triển mẫu máy bay chiến đấu tàng hình nội địa mang tên Mitsubishi ATD-X Shinshin.
Tuy nhiên, phải tới cuối những năm 2020, mẫu máy bay này mới có thể đi vào phục vụ.
Ông Aboulafia cho rằng 42 chiếc F-35 sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu của JASDF. Tốc độ hiện đại hóa chậm chạp và tình trạng thiếu phương án thay thế nhiều khả năng sẽ buộc Nhật Bản phải mua thêm F-35.
Một nhà phân tích quốc phòng giấu tên tại Nhật cho rằng dù Nhật Bản có mua F-35 thì việc thay thế các tiêm kích F-15 vẫn sẽ là một vấn đề. Các chiến đấu cơ này có thể sẽ phải duy trì hoạt động lâu hơn kế hoạch.