F-22 đấu với T-50 - Ai thắng?

Đức Anh |

F-22 sở hữu lợi thế lớn về tàng hình và hệ thống điện tử, trong khi đó T-50 lại có khả năng cơ động tuyệt vời cùng tổ hợp vũ khí mạnh mẽ.

Đối thủ mạnh nhất của tiêm kích F-22

Theo National Interest, năm 2015 đánh dấu một thập kỷ kể từ khi tiêm kích tàng hình F-22 Raptor chính thức đi vào hoạt động trong Không quân Mỹ. F-22 được đánh giá là tiêm kích chiếm ưu thế trên không tiên tiến nhất từng được chế tạo.

Trong năm 2014, Raptor cũng đã thể hiện sức mạnh trong chiến dịch không kích chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

F-22 đã không được sử dụng cho nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng Không quân Liên Xô ở khu vực Fulda Gap (giữa Đông Đức và Tây Đức) hay tiêu diệt hệ thống phòng không đối phương như thiết kế ban đầu. Tuy vậy, Raptor vẫn giữ được nền tảng cảm biến hàng không tốt nhất.

Song, một ngày nào đó, F-22 có thể phải một đối một với kẻ thù mà cơ hội chiến thắng là rất nhỏ. Nga và Trung Quốc đang nỗ lực trong việc phát triển PAK FA T-50 và J-20, trong hai loại máy bay này, T-50 có lẽ là thách thức nghiêm trọng nhất.

T-50 có đủ khả năng chiến thắng F-22

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn sở hữu một nền công nghiệp quốc phòng đáng tin cậy mà chương trình tiêm kích tàng hình T-50 là một minh chứng rõ nét.

Khái niệm thiết kế của T-50 tương tự như F-22, tối ưu hóa tốc độ, bay cao và sử dụng kỹ thuật tàng hình để chiếm ưu thế trên không.

Nhưng người Nga chú trọng vào một số đặc tính về tốc độ và khả năng cơ động trong khi mức độ tàng hình chỉ tương đối. Quan điểm thiết kế của Nga với T-50 là không tàng hình bằng mọi giá.

Trong khi đó, người Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến tính năng tàng hình ở F-22. Xét ở khía cạnh tàng hình, F-22 tất nhiên là có nhiều lợi thế hơn T-50.

F-22(ở trên) và T-50 (ở dưới) là 2 đối thủ đáng gờm trên bầu trời.

F-22 (trên) và T-50 (dưới) là đối thủ đáng gờm trên bầu trời

Xét về tính cơ động, các chuyên gia đánh giá F-22 và T-50 tương đương nhau. Hiện tại, mẫu thử nghiệm T-50 đang dùng động cơ 117S của Su-35, nhưng cuối cùng sẽ sử dụng động kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) Izdeliye 30.

Cả hai máy bay đều có khả năng bay hành trình siêu âm, Raptor có thể bay ở tốc độ Mach 1,8 mà không cần đốt nhiên liệu phụ trội, con số này ở T-50 là khoảng Mach 1,6.

Trần bay của hai tiêm kích này khoảng 18.000 m. Tốc độ tối đa của F-22 chỉ đạt Mach 2 do những hạn chế của vật liệu hấp thụ sóng radar, một vài chuyên gia dự đoán con số này của T-50 cũng tương tự.

Lợi thế lớn của F-22 khi đối đầu T-50 là khả năng tàng hình, trong khi đó T-50 mạnh về khả năng cơ động, đặc biệt khi động cơ 3D TVC được trang bị.

T-50 còn có lợi thế nằm ở mũ bay tích hợp để dẫn hướng cho tên lửa. Trong khi đó, F-22 phải chờ đến năm 2017 mới bắt đầu được trang bị hệ thống tương tự, khả năng hoạt động đầy đủ của F-22 với hệ thống mới ít nhất phải tới năm 2020.

Tuy nhiên với tình hình kinh tế Nga hiện nay, T-50 khó lòng đi vào biên chế trước năm 2020.

Về hệ thống điện tử hàng không, Mỹ có nhiều lợi thế hơn so với Nga nên ở khía cạnh này F-22 sẽ nhỉnh hơn T-50.

Hiện tại Moscow đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách công nghệ so với Washington. Nga đang chế tạo những radar tốt hơn cùng hệ thống tác chiến điện tử xuất sắc. Hiệu suất tổng thể của các cảm biến trên hai chiến đấu cơ này không có nhiều khác biệt.

Khi tất cả những hệ thống khác tương đương nhau thì tàng hình là lợi thế duy nhất của F-22. T-50 có thể gặp bất lợi nhưng tàng hình trong thực chiến vẫn là một khái niệm khá mơ hồ.

Nếu niềm tin của Không quân Mỹ vào tàng hình là một sai lầm, khi đó T-50 sẽ là vũ khí cực kỳ nguy hiểm.

F-22 và T-50 đều có những lợi thế riêng theo triết lý xây dựng lực lượng của mỗi nước. Trong một cuộc chạm trán nếu có giữa hai siêu chiến đấu cơ này, ai thắng ai vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại