F-16 có ít cơ hội khi đối đầu Su-35

Đức Anh |

Theo nhà phân tích Dave Majumdar, ngay cả khi F-16 được trang bị radar quét mạng pha điện tử, tiêm kích này vẫn không phải là đối thủ xứng tầm so với Su-35 của Nga.

Tạp chí The National Interest (Mỹ) đăng bài viết cho biết, F-16 Falcon là tiêm kích chủ lực của Không quân Mỹ và đồng minh trong nhiều thập kỷ.

Ban đầu, F-16 được thiết kế cho nhiệm vụ bảo vệ không phận nhưng sau đó được nâng cấp thành chiến đấu cơ đa nhiệm. F-16 được đưa vào sử dụng từ những năm 1980, các phi công Mỹ đặt cho tiêm kích này biệt danh Viper.

Dù đã trải qua hơn 30 năm sử dụng nhưng F-16 vẫn là trụ cột của Không quân Mỹ và nhiều nước khác trong vài thập kỷ tới.

Mặc dù đây vẫn là một chiến đấu cơ mạnh nhưng đối thủ của Mỹ đã phát triển tiêm kích Su-35 với nhiều tính năng tương đương hoặc thậm chí vượt trội F-16.

Về cơ bản, Su-35 tương tự vai trò của tiêm kích F-15E Eagle. Bên cạnh đó, Nga còn xuất khẩu các biến thể của "gia đình" Flanker cho nhiều quốc gia trên thế giới hơn cả MiG-29 trước đây.

Do đó, thời gian gần đây, trong cuộc tập trận không chiến Red Flag, Không quân Mỹ thường sử dụng máy bay mô phỏng Flanker, vì máy bay 2 động cơ này của Nga là một trong những đối thủ trên không mà phi công Mỹ có thể phải đối mặt.

Su-35 không phải là biến thể phổ biến nhất trong gia đình Flanker nhưng nó là chiến đấu cơ có năng lực nhất.

Su-35, với sự điều khiển của những phi công dày dạn kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ từ đài kiểm soát mặt đất hoặc máy bay chỉ huy trên không, là mối đe dọa lớn với máy bay phương Tây, thậm chí ngay cả với tiêm kích tàng hình F-22.

Với phi đội tiêm kích tàng hình F-35, các phi công có thể sử dụng lợi thế tàng hình cùng cảm biến tiên tiến và khả năng kết nối mạng để tạo lợi thế chiến thuật trước Su-35. Nhưng nếu phi đội F-16 vì một lý do nào đó phải chạm trán Su-35, điều gì sẽ xảy ra?

F-16 không phải đối thủ của Su-35

Tiêm kích F-16 (trên) kém Su-35 (dưới) ngay cả khi được nâng cấp với radar AESA.
Tiêm kích F-16 (trên) kém Su-35 (dưới) ngay cả khi được nâng cấp với radar AESA.

Thực tế phần lớn phi đội F-16 của Mỹ không được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) như F-15.

Bên cạnh đó, các tên lửa AIM-120 bắn từ F-16 không thể đạt tốc độ và độ cao như F-15. Do đó, Viper sẽ gặp bất lợi lớn khi chạm trán Su-35 hoặc các biến thể tiên tiến khác của dòng Flanker.

Không quân Mỹ đã nhìn thấy hạn chế này và dự định nâng cấp khoảng 300 chiếc F-16 với Gói mở rộng thiết bị điện tử chiến đấu hàng không (CAPES).

Dù chương trình sau đó đã bị hủy bỏ do giảm ngân sách quốc phòng nhưng Không quân Mỹ hiểu rằng, cần khẩn trương nâng cấp F-16 với radar mới.

Đầu năm 2015, Không quân Vệ binh quốc gia đã kêu gọi khẩn cấp lắp đặt radar AESA cho F-16 nhằm đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cơ quan này cho rằng, radar AESA rất cần thiết để máy bay có thể phát hiện và theo dõi tên lửa hành trình, cũng như các mục tiêu nhỏ khác.

Trong tháng 3, tướng Mark Welsh, tham mưu trưởng Không quân Mỹ nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng: “Chúng ta cần triển khai kế hoạch nâng cấp radar AESA cho toàn bộ F-16”.

Mặc dù Không quân Mỹ không còn sử dụng F-16 như tiêm kích chiếm ưu thế trên không chuyên dụng nhưng radar AESA là cần thiết để giúp cho Viper có thể chống lại Su-35.

Xét về năng lực tổng thể, F-16 không thể cạnh tranh với Su-35 nhưng chiến đấu cơ Mỹ có ưu điểm là khả năng cơ động rất tốt trong không chiến quần vòng.

Sự nhanh nhẹn của F-16 kết hợp với tên lửa không đối không tầm ngắn hiện đại AIM-9X có thể giúp đối phó Su-35.

Về phía Su-35, nhờ được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3D nên tiêm kích này rất cơ động ở tốc độ thấp, một ưu thế mà rất ít chiến đấu cơ trên thế giới có thể thực hiện. Tuy vậy, một phi công dày dạn kinh nghiệm có thể giúp F-16 thoát khỏi việc bị bắn hạ.

Nhà phân tích quốc phòng Dave Majumdar cho rằng, lực lượng máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Mỹ đã không còn giữ được lợi thế công nghệ như trước đây.

Ngay cả khi F-16 được trang bị radar AESA, nó vẫn có rất ít cơ hội khi đối đầu Su-35. Do đó, Lầu Năm Góc cần phải đầu tư vào máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo để duy trì sức mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại