Những diễn biến chính trị gần đây liên quan tới tình hình Syria đang làm nóng lại mối lo về một cuộc đụng độ vũ trang giữa các cường quốc đang nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.
Ngày 30/10/2015, vòng khai mạc Hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng đàm phán hoà bình để giải quyết cuộc nội chiến tại Syria được các cường quốc toàn cầu và khu vực tổ chức tại Vienna (Áo).
Tham dự hội nghị này là 19 ngoại trưởng các nước Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, I-rắc, I-răng, Ả-rập Xê-út, Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Đức, Ý, Pháp, Gioóc-đa-ni, Ô-man, Li-băng, Qua-ta, cùng 2 tổ chức quốc tế là EU và LHQ.
Đáng chú ý là mặc dù hội nghị đàm phán hoà bình giải quyết cuộc nội chiến Syria, nhưng chính phủ hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad đã không được mời tham dự.
Điều này cho thấy dụng ý của phần đông các nhà tổ chức hội nghị là muốn tạo dựng một khung giải pháp hoà bình cưỡng ép từ bên ngoài, thay vì tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua tổ chức bầu cử để người dân Syria tự quyết vận mệnh dân tộc mình.
Máy bay F-15 của Mỹ.
Có thể thấy văn từ kết luận vòng khai mạc Hội nghị Vienna về Syria có đề cập tới vai trò của Liên hợp quốc trong việc “triệu tập” chính quyền tổng thống Bashar al-Assad và các phe phái đối nghịch ngồi xuống đàm phán hoà bình.
Tuy nhiên, các nước Phương Tây, đứng đầu là Mỹ đã bắt đầu bài binh bố trận để có thể hạ bệ Tổng thống Assad bằng vũ lực mà không cần biết kết quả của hội nghị hoà bình này sẽ dẫn tới đâu.
Cũng trong ngày diễn ra Hội nghị hoà bình về Syria tại Vienna, tổng thống Mỹ Barrack Obama đã có tuyên bố việc điều phái 50 lính đặc nhiệm tới Syria để “chống IS”. Động thái này đi ngược với những cam kết trước đó của Mỹ về việc không điều quân trên bộ tới Syria.
Thực chất động thái này của Mỹ không hoàn toàn nằm trong chiến thuật đàm phán “cây gậy và củ cà rốt” quen thuộc, mà là bước mở đầu cho việc can dự quân sự trực tiếp nhằm loại bỏ tổng thống Bashar al-Assad và chính phủ Syria hợp pháp hiện nay.
Bước tiếp theo của kế hoạch trên là Mỹ sẽ quy định vùng cấm bay hạn chế trên khu vực lực lượng đặc nhiệm Mỹ hoạt động và tiến tới cấm bay toàn diện nếu điều kiện cho phép.
Ngày 03/11/2015, Mỹ đã điều động một phi đoàn 12 chiếc máy bay tiêm kích F-15C tới căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để hiện thực hoá bước đi này. Tất nhiên người Nga sẽ không để máy bay Mỹ tự tung tự tác lập vùng cấm bay trên bầu trời Syria.
Bên cạnh việc tăng cường lực lượng máy bay tiêm kích Su-30SM, Quân chủng Không quân – Vũ trụ Nga chắc chắn sẽ bố trí các tổ hợp tên lửa phòng không cơ động đa kênh S-300PM vào trực ban phòng không.
Nếu cả Nga và Mỹ không kiềm chế trong vấn đề Syria theo hướng có lợi cho phương án dàn xếp chính trị của Nga, rất có thể một trận thư hùng giữa các loại vũ khí phòng không không quân tiên tiến nhất của hai bên sẽ diễn ra trên bầu trời Syria.
Hậu quả kéo theo của trận thư hùng này thật khôn lường.
Tên lửa phòng không S-300 của Nga.
Ngọn mâu trong tay người Mỹ
Máy bay tiêm kích F-15C đích thị là ngọn mâu trong tay người Mỹ khi tiến hành cấm bay trên bầu trời vùng đất mà lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã xí phần.
Vùng đất này có chức năng vùng đệm ngăn cách giữa khu vực quản lý của quân chính phủ Syria và vùng đất căn cứ của các lực lượng phiến quân do Mỹ hậu thuẫn.
F-15C là phiên bản máy bay tiêm kích chủ lực loại 1 người lái, có 2 động cơ phản lực, được thiết kế cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không trong mọi điều kiện khí tượng, hiện đang được Không quân Mỹ sử dụng.
Các tính năng kỹ chiến thuật của máy bay tiêm kích F-15C: tốc độ tối đa khi bay cao 2.665 km/giờ, tốc độ tối đa khi bay thấp 1.450 km/giờ, bán kính tuần tra chặn kích 2.000 km, trần bay 20.000 m, tốc độ leo cao 254 m/giây, ngưỡng quá tải 9 g.
Với nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, F-15C được sử dụng để phát hiện và bắn hạ mọi loại mục tiêu bay, đặc biệt là máy bay tiêm kích đối phương trên không phận chiến trường.
Để làm được điều này, máy bay tiêm kích F-15C được trang bị radar điều khiển hoả lực AN/APG-63(V1) và các đạn tên lửa đối không tầm gần AIM-9X, đạn tên lửa đối không tầm trung AIM-7P và AIM-120 AMRAAM.
Radar điều khiển hoả lực AN/APG-63(V)1 được nâng cấp từ radar AN/APG-63 và đưa vào thay thế trên các máy bay tiêm kích F-15C từ năm 1997.
Loại radar này hiện đang được lắp cho các máy bay tiêm kích F-15C của Không quân Mỹ và F-15K của Không quân Hàn Quốc.
Với anten mảng pha quét điện tử cưỡng bức và hệ thống máy tính điều khiển hoả lực tiên tiến, radar này có khả năng cùng lúc bám sát 14 mục tiêu bay và chiếu xạ điều khiển các đạn tên lửa đối không diệt 6 mục tiêu bay trong số chúng.
Tương thích với radar điều khiển hoả lực AN/APG-63(V)1 là các đạn tên lửa AIM-9X, AIM-7P và AIM-120C7 AMRAAM.
Đạn tên lửa đối không tầm gần AIM-9X là phiên bản tiên tiến nhất trong họ tên lửa tầm nhiệt “Rắn đuôi kêu” nổi tiếng của Mỹ. Loại đạn này có thể bắt bám mục tiêu từ mọi hướng với cự ly tối đa tới 35 km và không bị các loại đạn mồi bẫy hồng ngoại đánh lừa.
Sử dụng công nghệ đầu tự dẫn ảnh nhiệt hồng ngoại mảng hội tụ phẳng FPA, đạn tên lửa AIM-9X có thể bắt bám mục tiêu trực tiếp hoặc theo chỉ thị của ra đa AN/APG-63(V)1 ở góc 90 độ so với trục dọc thân đạn.
Đạn tên lửa đối không tầm trung AIM-7P là phiên bản cuối cùng của loại AIM-7 còn trong trang bị của Không quân Mỹ.
Đây là loại đạn tên lửa được dẫn radar bán chủ động (radar AN/APG-63V1 chiếu xạ mục tiêu để dẫn đạn) có hiệu chỉnh vô tuyến giữa pha, cho phép máy bay tiêm kích F-15C bắn hạ các mục tiêu bay hướng vào ở độ cao thấp từ cự ly 50 km.
Đạn tên lửa đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C7 AMRAAM có tầm bắn tối đa 120 km. Đây là loại đạn đối không cải tiến được đưa vào trang bị cho Không quân Mỹ từ năm 2005.
Đạn tên lửa đối không AIM-120C7 AMRAAM có đầu tự dẫn radar chủ động (đạn tự tìm mục tiêu bằng ra đa của mình) giúp đạn tấn công mục tiêu theo tiêu chí phóng – quên.
Điều này cho phép máy bay tiêm kích F-15C sau khi sử dụng radar AN/APG-63(V)1 trinh sát phát hiện mục tiêu sẽ phân công từng đạn cho từng mục tiêu, phóng nhiều đạn vào nhiều mục tiêu rồi nhanh chóng thoát ly.
Sau khi triển khai tại căn cứ không quân Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ), phi đoàn máy bay tiêm kích viễn chinh F-15C của Không quân Mỹ chủ yếu dùng để lập vùng cấm bay răn đe các máy bay cường kích của KQ Nga và KQ Syria trên khu vực đệm do Mỹ kiểm soát ở bắc Syria.
F-15 thả mỗi bẫy khi bị tên lửa đối phương ngắm bắn.
Và tấm thuẫn trước ngực người Nga
Đáp lại động thái triển khai phi đoàn F-15C của Không quân Mỹ, Quân chủng Không quân – Vũ trụ Nga sẽ tăng cường số lượng máy bay tiêm kích Su-30SM ở căn cứ không quân Hmeymim (Latakia) lên cấp phi đội đủ (12 tới 14 chiếc).
Đồng thời triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-300PM cấp tiểu đoàn cơ động ở miền Bắc và miền Trung Syria.
Hệ thống tên lửa phòng không đa kênh cơ động S-300PM, còn gọi là Hệ thống Volkhov M-6M, là bản nội địa của lực lượng phòng không Nga tương ứng với phiên bản xuất khẩu S-300PMU1 hiện có của Việt Nam.
Về tính năng kỹ chiến thuật, Hệ thống S-300PM có khả năng cùng lúc điều khiển 12 đạn tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu bay từ cự ly 150 km hoặc mục tiêu tên lửa đạn đạo chiến thuật-chiến dịch từ cự ly 40 km.
Chúng có thể tiêu diệt các loại tên lửa hành trình bay thấp dưới 100 m từ cự ly 35 km. Hệ thống có thời gian triển khai hoặc thu hồi dưới 5 phút.
Mỗi hệ thống S-300PM bao gồm 01 tổ hợp tên lửa phòng không 90Zh6, đạn tên lửa phòng không 48N6, ra đa bắt thấp 76N6, tổ hợp xe chỉ huy 83M6.
Tổ hợp tên lửa phòng không 90Zh6 gồm 1 đài radar điều khiển tên lửa và chiếu xạ mục tiêu 30N6, 12 xe mang phóng tự hành 5P85SM với 4 thùng đạn tên lửa mỗi xe, 1 xe trắc đạc trận địa 1T12M2, 1 xe cẩu 22T6 và các xe chở thùng đạn 5T58.
Đài radar điều khiển tên lửa và chiếu xạ mục tiêu đa chức năng 30N6 là trung tâm của tổ hợp TLPK 90Zh6 trong Hệ thống S-300PM.
Đài này có nhiệm vụ điều khiển đạn tên lửa trong pha đầu và chiếu xạ mục tiêu để đạn tên lửa tự dẫn radar bán chủ động tiêu diệt mục tiêu ở pha cuối.
Đài radar 30N6 sử dụng công nghệ an ten mảng pha quét điện tử cưỡng bức, có khả năng phát hiện, bám sát cùng lúc 12 mục tiêu các loại, qua đó điều khiển đồng thời tới 12 đạn tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu.
Xe mang phóng tự hành 5P85SM được thiết kế trên khung xe việt dã bánh lốp MAZ-543M, với các cơ cấu mang và bệ nâng 4 ống phóng đạn tên lửa trong quá trình hành quân, triển khai và thu hồi tổ hợp.
Xe được kết nối với xe chỉ huy và đài ra đa điều khiển thông qua kênh cáp hữu tuyến hoặc an ten vô tuyến.
Đạn tên lửa phòng không tầm trung 48N6 được thiết kế để tiêu diệt các loại mục tiêu bay từ chiến lược tới chiến thuật, từ hàng không tới đạn đạo trong vùng diệt mục tiêu của hệ thống S-300PM.
Đạn 48N6 có khối lượng 1.800 kg, đầu đạn nặng 145 kg, chiều dài 7,5 m, đường kính thân đạn 0,519 m, sải cánh 1,134 m. Đạn được chứa trong ống phóng kiêm bảo quản, kèm theo cơ cấu phóng nguội và hệ thống mạch chấp hành.
Tổ hợp chỉ huy tự động hoá 83M6 gồm xe chỉ huy 54K6 và đài radar trinh sát 64N6.
Xe chỉ huy tự động hoá 54K6 được thiết kế trên khung thân xe việt dã bánh lốp và thực hiện chức năng phục vụ chỉ huy chiến đấu cho hệ thống S-300PM.
Liệu F-15 Mỹ có dám thách thức S-300 của Nga?
Xe này kiểm soát vận hành radar 64N6, hiển thị và quản lý tới 100 tình báo mục tiêu, tự động phân loại và đánh giá mức độ nguy hiểm của mục tiêu để phân công xạ kích, duy trì kênh thông tin chỉ huy tự động giữa các xe trong hệ thống và với hệ thống chỉ huy cấp trên.
Radar trinh sát 64N6 được sử dụng để phát hiện, nhận dạng, quản lý và chỉ thị mục tiêu cho xe chỉ huy và xe đài điều khiển tên lửa kiêm chiếu xạ mục tiêu 30N6.
Với khả năng phát hiện mục tiêu từ cự ly 300 km, nó có thể quản lý bám sát mục tiêu đạn đạo có tốc độ bay 10.000 km/giờ.
Radar được gắn trên khung xe việt dã bánh lốp, gồm hệ thống anten 2 bề mặt quét điện tử cưỡng bức và anten máy hỏi nhận dạng địch ta. Thời gian triển khai hoặc thu hồi xe đài radar 64N6 dưới 5 phút.
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố triển khai máy bay F-15C ở Thổ Nhĩ Kỳ, phía Nga đã cho triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PM ở Syria để đáp trả.
Khác với các tổ hợp Pantsir-S1 làm nhiệm vụ phòng không bảo vệ căn cứ không quân, các tổ hợp TLPK S-300PM được triển khai để răn đe và bắn hạ máy bay tiêm kích F-15C nếu Mỹ “cả gan” thiết lập vùng cấm bay đối với máy bay Nga ở miền Bắc Syria.