Những ngày gần đây, căng thẳng giữa hai quốc gia Trung Đông hùng mạnh là Iran và Saudi Arabia đang không ngừng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành một cuộc xung đột quân sự.
Quân đội Saudi Arabia và Iran đều có những mặt mạnh và yếu riêng nên rất khó đưa ra nhận định bên nào chiếm ưu thế nhiều hơn.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn sẽ gây chú ý cho giới quân sự, đó là rất có thể lần đầu tiên trong lịch sử, hai loại tiêm kích hàng đầu do Mỹ sản xuất là F-14A Tomcat và F-15SA Eagle sẽ phải đối đầu với nhau vì đang nằm hai bên chiến tuyến.
Vậy nếu kịch bản trên xảy ra, loại chiến đấu cơ nào sẽ giành chiến thắng?
Tiêm kích F-15SA của Không quân Saudi Arabia
Chủ lực của Không quân Hoàng gia Saudi Arabia hiện nay là 150 chiếc tiêm kích đa năng F-15SA, đây chính là biến thể xuất khẩu dựa trên F-15E Strike Eagle với việc bổ sung khả năng tấn công mặt đất, trong khi sức mạnh không chiến cũng gia tăng đáng kể.
F-15SA được lắp đặt những thiết bị điện tử hàng không rất hiện đại, trong đó đáng kể nhất là radar quét mảng pha điện tử thụ động AN/APG-70.
Loại radar này phát hiện được máy bay ném bom cỡ lớn từ cự ly 300 km hoặc 195 km với tiêm kích có diện tích phản xạ radar nhỏ, theo dõi được 14 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu cùng lúc.
Ngoài ra, F-15SA còn được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử chiến thuật TEWS (Tactical Electronic Warfare System) tiên tiến, cung cấp sự bảo vệ toàn diện cho máy bay trước các mối nguy cơ.
Tiêm kích F-14A Tomcat của Không quân Iran
Nếu so sánh với F-15SA hiện đại thì 44 chiếc tiêm kích đánh chặn F-14A Tomcat của Không quân Iran rõ ràng là yếu thế hơn trong không chiến tầm xa.
Cụ thể, F-14A của Iran vẫn chỉ được trang bị radar AN/AWG-9 thế hệ cũ sử dụng công nghệ analog đã lạc hậu chứ không phải AN/APG-71 như F-14D của Hải quân Mỹ, tầm phát hiện mục tiêu kích cỡ máy bay ném bom của AN/AWG-9 chỉ là 160 km.
Mặc dù có thông tin cho biết những chiếc F-14A trên đã được Trung Quốc hỗ trợ trong quá trình hiện đại hóa, nhưng nhiều khả năng đó chỉ là gói chuyển đổi về phần mềm và một số thiết bị điện tử để tương thích với vũ khí do Nga và Trung Quốc sản xuất mà thôi.
F-14A của Iran sau nâng cấp đã mang được tên lửa không đối không R-27 do Nga chế tạo
Tiếp theo khi xét về không chiến quần vòng cự ly ngắn, ưu thế lại càng nghiêng hẳn về phía F-15SA do dòng tiêm kích Eagle vốn nổi tiếng là có độ linh hoạt cao, khả năng chuyển hướng đột ngột khi đang bay ở tốc độ lớn của F-15 được cho là vô cùng tuyệt vời.
Trong khi đó, do chú trọng vào năng lực không chiến tầm xa nhằm đánh chặn máy bay ném bom chiến lược của Liên Xô, cộng với kết cấu cánh cụp cánh xòe đã khiến F-14 gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện các động tác nhào lộn phức tạp.
Không phải ngẫu nhiên mà ngoài tên gọi chính thức Tomcat, F-14 còn bị các phi công Hải quân Mỹ đặt cho biệt danh "Turkey - Gà tây" nhằm miêu tả sự nặng nề, kém linh hoạt của nó.
Liệu F-14 Tomcat và F-15 Eagle sẽ có một "Cuộc đối đầu lịch sử"?
Nếu chỉ so sánh đơn thuần về tính năng thì F-14A của Iran gần như không có cơ hội chiến thắng trước F-15SA của Saudi Arabia, nhưng cần nhắc lại là ngoài yếu tố kỹ thuật thì chiến thuật cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, thậm chí quyết định thành bại.
Diễn biến tình hình khu vực Trung Đông trong những ngày tới vẫn rất phức tạp, chắc chắn cả hai bên sẽ tìm cách để tránh xung đột quân sự. Hy vọng rằng quốc tế sẽ không phải chứng kiến một "Cuộc đối đầu lịch sử" giữa hai loại tiêm kích F-14 và F-15.