Trung Quốc không ngừng khoe khoang về những thành công liên tiếp cho kế hoạch trang bị sức mạnh chiến đấu cho tàu sân bay đầu tiên của họ. Trong đó sự kiện tiêm kích J-15 cất và hạ cánh thành công trên boong tàu sân bay Liêu Ninh là một bước "đột phá" nhưng ít ai biết rằng đằng sau nó lại là hàng loạt những sự cố kỹ thuật liên tiếp xảy ra.
Các thử nghiệm tiếp theo của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và các máy bay chiến đấu mà nó được trang bị là một bước tiến lớn trong khả năng tác chiến của Hải quân Trung Quốc (PLAN).
Tuy nhiên, việc quảng cáo thổi phồng xung quanh những chuyến hành trình thử nghiệm của Liêu Ninh trong mùa hè năm ngoái và thử nghiệm cất/hạ cánh thành công máy bay chiến đấu J-15 trên boong tàu sân bay hồi cuối tháng 10/2012 đánh một dấu mốc quan trọng – Trung Quốc chính thức trở thành một trong những cường quốc trên thế giới sở hữu sức mạnh tàu sân bay.
Việc phát triển ra một nền tảng máy bay là rất khó khăn, nó đòi hỏi trong thời gian nhiều năm thử nghiệm, phát hiện lỗi và gặp phải không ít những rủi ro. Trong khi không ai có thể ngăn cản tham vọng trở thành một cường quốc hải quân của Trung Quốc thì những câu chuyện về những phi công lái máy bay chiến đấu trên tàu sân bay đầu tiên của họ lại chứng minh ngược lại. Có rất nhiều thứ, có thể có và sẽ đi sai, sự kết hợp lại tạo ra nhiều nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh sẽ có một tàu sân bay thật sự hữu ích trong thời gian tới.
Theo những thông tin mới được tiết lộ gần đây, đã có ít nhất 3 sự cố lớn liên quan đến lực lượng thử nghiệm các máy bay chiến đấu J-15 kể từ khi Hải quân Trung Quốc thành lập lực lượng tác chiến tàu sân bay hàng không đầu tiên vào hồi cuối năm 2006.
Những vụ tai nạn và gần tai nạn đã được tiết lộ chi tiết trong một câu chuyện đáng chú ý, mới được diễn đàn Sina của Trung Quốc đăng tải trong tuần trước. Một nguồn thông tin cơ sở, có độ chính xác cao bởi Sina chuyên thu thập những thôn tin trực tiếp từ các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc và hiếm khi công bố những tin tức không thật về một phần của Quân đội Trung Quốc hùng mạnh.
Trong sự cố đầu tiên, tất cả diễn ra vào khoảng giữa tháng 6 đến cuối tháng 11/2011: Một phi công giấu tên, được gọi là “phi công thử nghiệm C” đang chuẩn bị hạ cánh từ chiếc J-15 ở trung tâm thử nghiệm bay Xian, thuộc miền Trung Trung Quốc khi một đèn cảnh báo màu đỏ lóe lên, báo hiệu máy bay bị rò rỉ thủy lực.
Tình trạng khẩn cấp mà máy bay J-15 gặp phải này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi J-15 là một bản sao chép “không giấy phép” từ tiêm kích hạm Su-33 (một biến thể Su-27 của Liên Xô). Một bản sao Su-27 khác của Trung Quốc là J-11B cũng gặp phải nhiều rắc rối nghiêm trọng về chất lượng điều khiển.
“Chương trình J-11B đang gặp những vấn đề lớn”, một nguồn tin tình báo Mỹ nói với Defense News. “Trung Quốc đã mất rất nhiều máy bay loại này do gặp tai nạn”. Nguồn tin chế giễu rằng phi công C có thể trở thành một nạn nhân tiếp theo.
Quay trở lại câu chuyện đầu tiên, phi công C vội vã hạ độ cao của máy bay để hạ cánh trước khi hệ thống thủy lực hoàn toàn thất bại. “Phi công C đã cố giữ chắc cần điều khiển và duy trì máy bay được cân bằng”, Sina báo cáo.
Anh ta hạ cánh xuống mặt đất nhưng không có hệ thống thủy lực sẽ không thể phanh được. Phi hành đoàn dưới mặt đất nhận lệnh kích hoạt hệ thống cáp hãm trên đường băng để móc hãm phía đuôi máy bay có thể giúp máy bay từ từ giảm tốc độ và dừng trên đường băng.
Nhưng không lâu sau, một phi công thử nghiệm B đã thực hiện hạ cánh trên tàu sân bay khi tốc độ máy bay J-15 của ông “giảm đột ngột”. Một trong hai động cơ của máy bay đã gặp sự cố bị cháy và có thể bị nổ. Phi công B nhanh chóng tính toán tốc độ, độ cao và khoảng cách của máy bay so với đường băng và quyết định tắt động cơ gặp sự cố.
Các nhân viên điều khiển không lưu lúc đó đã nghĩ rằng tai nạn đang đến gần với phi công B. Nhưng những cố gắng của phi công này đã thành công, máy bay J-15 hạ cánh thành công bằng một động cơ duy nhất.
Tuy nhiên, ở sự cố thứ ba lại ấn tượng hơn nhiều. Phi công thử nghiệm A đang mô phỏng hạ cánh trên sân bay với hệ thống cáp hãm đà, sử dụng móc hãm phía đuôi máy bay J-15 để móc vào những dây cáp tương tự như cấu hình hệ thống cáp hãm đà trên tàu sân bay Liêu Ninh, hệ thống này cho phép máy bay phải dừng lại sau 100 feet (30,5 m). Trong lần thử nghiệm này, máy bay J-15 của phi công đã vọt xuống đường băng ở tốc độ 125 dặm/giờ mà không cất cánh để có thể móc vào được một trong 2 dây cáp ở phía bên kia đường băng.
Chiếc J-15 móc vào dây hãm thứ nhất, nhưng tốc độ hạ cánh lớn kết hợp với chất lượng cáp đã làm cho dây cáp bị đứt đột ngột, hai cánh đuôi máy bay đập vào không khí và phát ra một âm thanh rất lớn.
Các nhân viên chứng kiến cảnh tượng này đều tỏ ra sợ hãi, nhiều người còn toát cả mồ hôi hột. Nhưng may thay sợi cáp thứ hai đã móc được vào đuôi máy bay và giúp chiếc J-15 “lảo đảo” dừng lại mà không bị lao xuống biển.
Ngày 23/11/2012, phi công A đã điều khiển chiếc J-15 của ông và lần đầu tiên hạ cánh thành công trên boong tàu sân bay Liêu Ninh trước niềm vui của các nhân viên và thủy thủ trên tàu. Trung Quốc đã chứng minh được họ có thể sử dụng tàu sân bay ở qui mô hoạt động đầy đủ.
Tuy nhiên, khi thực hiện huấn luyện và tác chiến thường xuyên thì việc J-15 có cất và hạ cánh an toàn trên tàu sân bay Liêu Ninh hay không lại là chuyện khác, bởi những nguy cơ rủi ro trong quá khứ vẫn luôn tiềm ẩn trong “nội tạng” của mỗi chiếc J-15 mà Bắc Kinh luôn hết lời ca ngợi.