Đường lưỡi bò siết chặt yết hầu biển Đông của tàu ngầm Trung Quốc

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Trong con mắt của Trung Quốc, biển Đông không chỉ dồi dào về nguồn lợi hải sản, năng lượng mà đó còn là con đường duy nhất mà lực lượng tàu ngầm hạt nhân của họ có thể đi ra đại dương một cách an toàn. Điều này có thể lý giải một phần câu hỏi “Vì sao Trung Quốc lại ngang ngược và trắng trợn vẽ ra một đường lưỡi bò bao trọn gần hết biển Đông?”

Trong chiến lược biển xanh của mình, Trung Quốc đặt ra nhiệm vụ cho lực lượng Hải quân của mình như sau: 1) bảo đảm các con đường tiếp cận trên biển tới Đài Loan; 2) tiến hành các chiến dịch ở phía Tây Thái Bình Dương để không cho các lực lượng thù địch tự do hành động; 3) bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của Trung Quốc; 4) chặn các tuyến giao thông đường biển của kẻ thù; 5) duy trì sự hiện diện thể hiện sức mạnh trên toàn thế giới, sẵn sàng tấn công đối phương.

Để thực hiện được nhiệm vụ này Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển lực lượng nòng cốt là các tàu ngầm hạt nhân. Kể từ tháng 8/2012, Bắc Kinh bắt đầu triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) lớp Tấn (còn gọi là lớp 094) đóng vai trò chủ lực. Các chiến hạm lớp Tấn sẽ dần thay thế số tàu ngầm lớp 092. Theo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh dự kiến sở hữu đến 6 chiếc lớp 094 vào năm 2016 và có thể tiếp tục bổ sung sau đó.


	Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn Type 094 của Trung Quốc

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn Type 094 của Trung Quốc

Tàu ngầm lớp Tấn có độ choán nước khoảng 8.000 tấn, dài 133 m, tốc độ đạt 20 hải lý/giờ (39 km/giờ), tầm hoạt động không giới hạn nhờ động cơ sử dụng năng lượng hạt nhân. Ngoài việc trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, loại tàu ngầm này còn mang theo từ 12 - 20 tên lửa đạn đạo Ngưu Lang 2 (JL-2) có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân và tầm bắn lên đến 8.000 km. Vì thế, tàu ngầm lớp Tấn được nhìn nhận như một biểu tượng mang tính răn đe hạt nhân. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang xúc tiến chế tạo tàu ngầm lớp Đường (còn gọi là lớp 096) như một thế hệ kế tiếp của lớp Tấn.

Đã có tàu ngầm nhưng việc đi ra đại dương và thực hiện tham vọng của mình thì phía Trung Quốc chưa thực hiện được. Do đó số tàu ngầm này chỉ loanh quanh gần các căn cứ. Tình trạng này có hai nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất là công nghệ chế tạo tàu ngầm của Trung Quốc quá lạc hậu nên độ ồn khi vận hành của chúng khá lớn. Điều này khiến cho tàu ngầm của Trung Quốc rất dễ bị theo dõi và bị tiêu diệt.

Thứ hai là do đặc điểm của các vùng biển bao quanh Trung Quốc. Biển Hoa Đông là biển nông, độ sâu trung bình chỉ từ 54-108 m. Bên kia bờ biển đối diện với Trung Quốc là những đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trên vùng biển các nước này dày đặc hệ thống phao thủy âm được triển khai để theo dõi tàu ngầm của Trung Quốc. Chưa kể còn hàng trăm máy bay săn ngầm P-3C, P-1 của Nhật và Mỹ ngày đêm giám sát biển Hoa Đông.

Do vậy, nếu chọn đường ra đại dương là biển Hoa Đông thì chẳng khác nào chui đầu vào rọ. Mỹ và  các nước đồng minh có thể theo dõi nhất cử nhất động của tàu ngầm Trung Quốc từ lúc rời căn cứ cho đến lúc quay về và việc tiêu diệt chúng hết sức dễ dàng. Những vụ việc tàu ngầm Trung Quốc liên tục bị phát hiện gần bờ biển Nhật Bản đã chứng minh điều đó.


	Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sở hữu hơn 100 máy bay săn ngầm P-3C

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sở hữu hơn 100 máy bay săn ngầm P-3C

Trái lại với biển Hoa Đông, biển Đông là biển sâu, có nơi tới hàng km, các nước trong khu vực Đông Nam Á đều có năng lực quân sự nói chung và chống ngầm nói riêng yếu hơn. Do vậy biển Đông là con đường an toàn để ra đại dương của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.

Từ nhận thức như vậy nên Trung Quốc đã xây dựng căn cứ hải quân lớn nhất của mình ở Tam Á, đảo Hải Nam. Từ căn cứ này lực lượng tàu ngầm Trung Quốc sẽ đi qua biển Đông tới Thái Bình Dương tiếp cận với Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... hay sang Ấn Độ Dương và tỏa đi khắp thế giới.

Mặc dù biển Đông sâu nhưng vùng biển bao quanh căn cứ Tam Á chỉ sâu khoảng 20 m. Vì thế, tại khu vực trên, tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng bị đối thủ phát hiện và theo dõi khi chưa thể lặn ở độ sâu dưới 200 m. Đặc biệt, các SSBN của Bắc Kinh có độ ồn lớn nên khả năng bị phát hiện càng cao.


	Căn cứ Hải quân lớn nhất của Trung Quốc ở đảo Hải Nam

Căn cứ Hải quân lớn nhất của Trung Quốc ở đảo Hải Nam

Người Mỹ cũng nhận ra điều ấy và đã tăng cường hiện diện trên biển Đông. Họ muốn theo dõi tàu ngầm Trung Quốc khi các tàu này vừa rời căn cứ mà chưa thể lặn tới độ sâu an toàn. Đấy có thể là nguyên nhân mà Trung Quốc chẳng ngại ngần gây ra các vụ va chạm  với máy bay do thám EP-3 vào năm 2001 và với tàu USS Impeccable vào năm 2009 của Mỹ trên biển Đông trên hải phận quốc tế biển Đông.

Trung Quốc cố gắng tìm mọi cách để tàu ngầm của mình thoát khỏi tầm bao phủ của hệ thống vệ tinh và các phương tiện dò tìm mà Washington và đồng minh triển khai. Do đó họ muốn đẩy tất cả các loại phương tiện quân sự của nước khác ra khỏi biển Đông.

Để thực hiện điều này, Trung Quốc ngang ngược vẽ ra một đường lưỡi bò phi pháp bao trọn gần như toàn bộ biển Đông và tuyên bố một cách trắng trợn chủ quyền của họ theo đường lưỡi bò ấy. Tất nhiên không ai chấp nhận điều này, các nước có chủ quyền và lợi ích liên quan đến biển Đông buộc phải tăng cường tiềm lực và sự hiện diện quân sự của mình. Điều này khiến đường lưỡi bò phản tác dụng và trở thành vòng kim cô siết chặt lấy Trung Quốc, chặn ngang yết hầu của lực lượng tàu ngầm ồn ào mà vô dụng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại