Để có thể răn đe lực lượng trên không của Mỹ và đồng minh tại chuỗi đảo thứ nhất, từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, Trung Quốc rất coi trọng xây dựng Quân đoàn pháo binh số 2, trang bị lượng lớn tên lửa đạn đạo Đông Phong.
Dòng tên lửa này được truyền thông và giới chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá rất cao. Tuy nhiên, nó có thực sự đáng sợ tới mức có thể xóa sổ toàn bộ căn cứ của quân đội Mỹ ở chuỗi đảo thứ nhất?
Bài viết trên trang mạng tiếng Trung toutiao.com đã phân tích khả năng này, dựa trên tư liệu về việc quân đội Mỹ khắc phục thiệt hại trong chiến tranh và một số tài liệu công khai khác.
Khả năng sửa chữa sân bay của Mỹ khi bị tấn công
Đầu tiên, theo bài viết, cần biết rằng công tác khắc phục thiệt hại sân bay bao gồm các phương diện như:
Đánh giá thiệt hại, thiết lập tiêu chuẩn sửa chữa đường băng; nhận biết và loại bỏ chất nổ chưa nổ; sửa chữa mặt đường băng; lắp đặt thiết bị cất hạ cánh và một số hệ thống cần thiết khác trên đường băng…
Tại các cường quốc không quân thế giới hiện nay, khắc phục thiệt hại sân bay là một trong những nhiệm vụ bắt buộc.
Mặt khác, các cường quốc không quân thường không thể để xuất hiện tình trạng trên sân bay có các hố bom, vì vậy biện pháp tốt nhất để bảo vệ sân bay của mình là phải chiếm được quyền chủ động trước khi tên lửa và máy bay của đối phương triển khai tấn công.
Giả sử thủ đoạn tấn công của đối phương là tấn công nhóm, thì máy bay chiến đấu cần phải sớm cất cánh để tiến hành đánh chặn, nhằm giảm thiểu mức độ phá hủy từ cuộc tấn công của đối phương.
Mỹ có khả năng khắc phục nhanh chóng thiệt hại sân bay trong trường hợp bị tấn công (Ảnh minh họa)
Sau khi sân bay bị tấn công, nếu vẫn có khả năng cất hạ cánh, máy bay tác chiến cần phải nhanh chóng cất cánh để tác chiến hoặc di chuyển, công tác đánh giá thiệt hại cũng cần được triển khai đồng thời.
Giả sử sân bay đã không còn khả năng để máy bay cất hạ cánh được nữa thì trong quá trình đánh giá thiệt hại phải thiết lập tiêu chuẩn chất lượng của việc sửa chữa đường băng, dải hoạt động tối thiểu, nhận biết chất nổ chưa nổ.
Sau khi hoàn thành đánh giá, ngay lập tức huy động mọi nguồn lực có thể để tiến hành sửa chữa sân bay.
Vì vậy, sân bay tiền tuyến của quân đội Mỹ ở chuỗi đảo thứ nhất thường bố trí nhiều bộ phận như đánh giá thiệt hại, sửa chữa đường băng, rà phá bom mìn, xử lý bom mìn chưa nổ… để nhanh chóng khắc phục thiệt hại, đảm bảo các máy bay có thể tác chiến.
Căn cứ vào sự khác nhau của các loại máy bay, yêu cầu sửa chữa thiệt hại sân bay cùng khác nhau.
Theo yêu cầu của quân đội Mỹ, khả năng sửa chữa sân bay ở chuỗi đảo thứ nhất cần phải nhanh chóng bảo đảm điều kiện hoạt động cho các máy bay F-22, F-35, F-15A/B, F-15 C/D, F-15E, F-16A/B, C-5B, C-130E/H, C-141A, C-17…
Cũng theo bài viết này, quân đội Mỹ còn có khả năng sửa chữa đường băng cho máy bay ném bom B-52, B-2 và B-1B tại chuối đảo thứ nhất. Điều này sẽ cho phép quân đội Mỹ có khả năng đột kích trên không mạnh.
Tên lửa Trung Quốc có thể làm tê liệt sân bay Mỹ?
Có quan điểm cho rằng, tên lửa Đông Phong của Trung Quốc có thể mang bom, tạo ra khó khăn lớn cho quân đội Mỹ.
Song trên thực tế, hơn 10 năm trở lại đây, quân đội Mỹ có cuộc chiến lâu dài với các phần tử cực đoan, khả năng rà phá bom mìn đều được trải nghiệm thực chiến.
Nhìn chung, quân đội Mỹ chỉ cần 2 giờ để hoàn thành việc khắc phục thiệt hại sân bay, cho phép máy bay có khả năng triển khai ngay.
Nếu cuộc tấn công gây ra mức độ thiệt hại không lớn, thời gian sửa chữa sẽ ít hơn.
Vì vậy, nếu chỉ dựa vào kho tên lửa đạn đạo có hạn hiện nay để tấn công đối sân bay của Mỹ tại chuỗi đảo thứ nhất, Trung Quốc không thể làm tê liệt toàn bộ khả năng vận hành của sân bay Mỹ tại đây.
Kho tên lửa đạn đạo của Trung Quốc không thể làm tê liệt toàn bộ khả năng vận hành của sân bay Mỹ ở chuỗi đảo thứ nhất.
Ở một mức độ khác, tên lửa đạo đạo chỉ là vũ khí tấn công tiên phong để máy bay của quân đội Mỹ không thể cất cánh được, sau đó máy bay chiến đấu của không quân đối phương thực hiện tấn công lần 2.
Nếu cần thiết, lực lượng lính dù của đối phương còn phải đánh chiếm các sân bay trên chuỗi đảo thứ nhất để sử dụng, như vậy mới có thể đảm bảo vững chắc ưu thế kiểm soát trên không ở chuỗi đảo thứ nhất.
Bài viết cho rằng, chỉ đơn thuần sử dụng tên lửa đạn đạo để tấn công sân bay của quân đội Mỹ ở chuỗi đảo thứ nhất không những mang lại hiệu quả thấp mà còn lãng phí nguồn tên lửa đạn đạo quý giá của Trung Quốc.
Có một cách khác là triển khai tấn công hạt nhân đối với sân bay trên chuỗi đảo thứ nhất, như vậy quân đội Mỹ sẽ hoàn toàn mất khả năng sử dụng các sân bay.
Tuy nhiên, theo bài viết, cách làm này quá rủi ro và có nguy cơ gây ra chiến tranh hạt nhân.