Chiêu bài “vũ khí bí mật” của Nga ở Syria
Sau hơn 5 tháng tiến hành chiến dịch không kích tại Syria, đến ngày 15/3/2016 quân đội Nga bắt đầu rút bớt lực lượng khỏi Syria.
rước khi rút quân Nga đã kịp thời chuyển đến Syria một số trang thiết bị “bí mật”. Hành động này khiến thế giới không khỏi tò mò và suy đoán thực sự đây là vũ khí nào.
Việc tăng giảm quân số thường đi kèm với những biến động nhất định về vũ khí phương tiện. Đối với việc rút quân của Nga ở Syria cũng hoàn toàn tương tự.
Theo trang mạng Military-Informant, đêm 14/3, hai máy bay vận tải quân sự mang theo các thiết bị quân sự bí mật đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Hmeymim, tỉnh Latakia.
Nếu hành động này diễn ra một cách hoàn toàn bí mật, không có bất kỳ thông tin nào lộ ra thì chắc hẳn không có gì phải bàn cãi.
Nhưng việc hé lộ một ít thông tin này được đánh giá là từ chủ ý của Nga. Và đây cũng không phải là lần đầu Nga sử dụng chiêu “vũ khí bí mật” ở Syria.
Còn nhớ năm 2013, Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công vào Syria để lật đổ chính quyền Assad. Thượng viện Mỹ đã quyết định cho phép Tổng thống Barack Obama tiến hành tấn công Syria. Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội dự kiến diễn ra ngày 9/9/2013.
Để chuẩn bị cho cuộc tấn công này, Mỹ đã điều đến Địa Trung Hải 5 khu trục hạm mang tên lửa hành trình Tomahawk, 1 tàu đổ bộ tấn công, 1 tàu ngầm hạt nhân, 2 biên đội tàu sân bay ở Hồng Hải.
Các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot đã được đặt tại Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Các máy bay do thám đã thu thập thông tin các mục tiêu. Máy bay ném bom, tiêm kích đã được huy động đến các căn cứ gần Syria sẵn sàng cho một cuộc tấn công.
Trả lời Mỹ, Nga huy động một số lượng lớn các tàu chiến hiện đại nhất đến Địa Trung Hải làm đối trọng. Bên cạnh đó là động thái có chủ đích chuyển giao các vũ khí bí mật của Nga cho Syria. Các chuyến tàu chở “hàng đặc biệt” cũng được Nga hé lộ.
Động thái này của Nga đã khiển Mỹ phải hoãn cuộc bỏ phiếu và sau đó chấp nhận giải pháp hòa bình do Nga đề xuất.
Vì sao nước cờ “vũ khí bí mật” khiến Mỹ lo sợ?
Liệu việc bị lộ thông tin về “vũ khí bí mật” được chuyển đến Syria có nằm ngoài dự tính của Nga? Câu trả lời thuyết phục nhất có lẽ là "không".
Bởi dường như các thông tin được hé mở ở mức độ vừa đủ. Các thông tin chỉ đủ phán đoán mà không thể khẳng định được chính xác “vũ khí bí mật” là loại nào.
Đi kèm với đó là các phát biểu “nửa vời” của các quan chức Nga và Syria khi họ cũng chỉ cho biết đó là vũ khí “quan trọng”, “đặc biệt”, “bí mật” mà không hề tiết lộ chính xác đó là vũ khí gì.
Hệ quả là Mỹ và đồng minh cũng như các thế lực đối lập với chính quyền Assad phải lo sợ trước chiêu bài “vũ khí bí mật này” bởi lý do sau:
Trong kho vũ khí của Nga có rất nhiều loại vũ khí mang tính răn đe có uy lực cực lớn mà Mỹ và đồng minh cùng các thế lực đối lập với chính quyền Assad có lẽ không bao giờ dám đối chọi.
Nếu dựa trên các thông tin được “hé mở” và phát biểu phụ họa thì kết quả vũ khí bí mật đều là những vũ khí loại này.
Ví dụ như các chuyến tàu chở “hàng đặc biệt” được Nga hé lộ đã đến Syria hồi năm 2013. Theo tuyên bố của Syria, Nga kịp chuyển cho Syria hầu như toàn bộ các thiết bị đã ký kết trước khi tình hình gia tăng căng thẳng.
Hãng tin Interfax của Nga cho biết, Syria có thể đã nhận các hệ thống phòng không thế hệ mới Buk-M2E, Pantsir-S1 và tổ hợp tên lửa bờ biển Bastion.
Tiếp đó ngày 4/9/2013, Tổng thống Putin cũng xác nhận thông tin Nga sẽ tiếp tục hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu vũ khí đã ký kết với chính phủ Syria trước đó.
Các thông tin đều tập trung sự chú ý vào tổ hợp Bastion. Nước Mỹ đang bị chia rẽ vì việc có nên tấn công Syria hay không và khi thêm hiệu ứng “Bastion” thì họ quyết định là tạm dừng và để ngỏ.
Kế hoạch bỏ phiếu cho phép tấn công Syria đã tạm hoãn và giải pháp Syria bàn giao toàn bộ vũ khí hóa học cho Liên hợp quốc do Nga đề xuất nhanh chóng được Mỹ đồng ý.
"Vũ khí bí mật" hồi năm 2013 mà Nga chuyển cho Syria được phán đoán là tên lửa chống hạm Bastion
"Vũ khí bí mật” được chuyển hôm 14/3/2016 được hé lộ trên Military Informant như sau: Một số thiết bị quân sự nhanh chóng được đưa xuống khỏi máy bay ngay trong đêm. Trong các thiết bị này là sự xuất hiện của xe tải chuyên dụng MZKT.
Một số nhân chứng tại sân bay cho biết, 2 xe tải MZKT 6x6 bánh và 3 xe tải chuyên dụng khác được phủ bạt kín mít nhanh chóng rời khỏi sân bay. Đoàn xe được hộ tống bởi các xe bọc thép di chuyển theo hướng chưa xác định được.
Cùng với đó là tuyên bố từ phía Nga vẫn duy trì hoạt động tại hai căn cứ ở Syria, gồm căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân ở Hmeymim. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng chúng "cần được bảo vệ trên không, trên đất liền và trên biển".
Từ những thông tin được hé lộ, Military Informant nhận định, loại vũ khí bí mật này có thể là tên lửa đạn đạo Iskander vì hệ thống này được lắp trên khung gầm xe tải chuyên dụng MZKT-7930 6x6 bánh.
Tuy nhiên, tờ tin tức này cũng cho rằng, những thiết bị có thể là một phần của hệ thống phòng không S-400 và Pantsir-S1 mà Nga đang triển khai tại Syria.
Nghe có vẻ rất có lý khi Nga triển khai Iskander đến Syria. Khi lực lượng và các hoạt động quân sự giảm xuống mà Nga vẫn muốn duy trì vị thế của mình thì việc sử dụng các lá bài chiến lược như tên lửa Iskander tỏ ra là hiệu quả nhất.
Sức mạnh của Iskander khiến Mỹ và đồng minh cũng như các thế lực đối lập với Nga phải lo sợ nếu như được triển khai ở Syria
Đã hai lần “vũ khí bí mật” được Nga chuyển đến Syria, lần thứ nhất kết quả suy đoán dẫn đến tên lửa Bastion còn lần thứ hai là Iskander.
Cả hai đều được đánh giá là siêu vũ khí, đóng vai trò lá bài chiến lược mang tính răn đe của Nga. Một khi Nga đã dùng đến nó thì “ắt hẳn” thì Mỹ và đồng minh và các thế lực đối lập với Nga phải lo sợ là điều đương nhiên.
Còn thực hư việc Nga đã chuyển Bastion hay Iskander đến Syria hay chưa có lẽ cần thêm nhiều thời gian nữa mới kiểm chứng được.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
K-300P Bastion-P là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động được đánh giá uy lực nhất hiện nay.
Một hệ thống bao gồm 4 xe phóng K-340P (mỗi xe mang 2 ống phóng chứa đạn tên lửa), 1 đến 2 xe điều khiển K380P MBU, 4 xe chở đạn K-342P TZM. Thời gian chuẩn bị chiến đấu 3 đến 4 phút.
K-300P Bastion-P được trang bị tên lửa siêu thanh chống hạm P-800 Oniks tầm bắn 300 km, có đầu nổ 200 kg có thể tiêu diệt được tàu có lượng choán nước 10.000 tấn.
Tốc độ tên lửa ở tầm cao là 780 m/s còn ở tầm thấp là 680 m/s với công nghệ tàng hình và chiến thuật bầy sói, Yakhont được đánh giá có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tên lửa đạn đạo cấp chiến dịch - chiến thuật Iskander-M có thể mang được cả đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn thông thường, bay ở tốc độ siêu âm 2,100–2,600 m/s (Mach 6 - 7) ở độ cao 50 km.
Iskander-M nặng 4,615 kg mang theo một đầu đạn 710 – 800 kg, với tầm hoạt động 480 km và sai lệch mục tiêu dưới 7 mét.
Iskander được chế tạo trên cơ sở công nghệ tàng hình plasma và có hệ thống điều khiển đặc biệt, quỹ đạo rất linh hoạt và cơ động.
Vì vậy được đánh giá có thể chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa. Iskander được coi là loại vũ khí quan trọng nhất để Nga có thể mặc cả với Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu.