Đứng cạnh Mistral, tàu đổ bộ lớn nhất của TQ như “chú vịt xấu xí”

Tuấn Sơn |

Mặc dù giới quân sự Trung Quốc rất tự hào về lớp tàu đổ bộ 071 tự đóng, nhưng nhiều chuyên gia lại nhận xét, đứng cạnh tàu sân bay Mistral của Pháp, nó chỉ như “chú vịt xấu xí”.

Tại sao Trung Quốc phát triển lực lượng tàu đổ bộ cỡ lớn?

Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đang có 3 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 gồm: Côn Luân Sơn (số hiệu 998, biên chế năm 2007), Tỉnh Cương Sơn (số hiệu 999, biên chế năm 2011) và Trường Bạch Sơn (số hiệu 989, biên chế năm 2012).

Đây là các tàu đổ bộ lớn nhất của Trung Quốc tới thời điểm hiện tại, chúng đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn như một thứ "ngáo ộp" trên các vùng biển mà họ đơn phương tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp.

Các tàu này đã thực hiện một số nhiệm vụ trên vùng biển xa, có nơi cách Trung Quốc tới 10.000 km. Cụ thể:

Tháng 8/2012, tàu mẹ Tỉnh Cương Sơn dẫn đầu biên đội tàu Hộ hàng số 15 tới Vịnh Hồng Hải và Vịnh Aden - Somalia thực hiện nhiệm vụ hộ tống, chống cướp biển.

Đầu năm 2013, một cụm tàu gồm 4 chiếc do tàu đổ bộ lớn nhất của Trung Quốc mang tên Tỉnh Cương Sơn (số hiệu 999) dẫn đầu đã được triển khai đến bãi cạn James, cách Malaysia 80 km trong vùng mà họ gọi là "đường lưỡi bò" phi pháp.

Tháng 3/2014, tàu Tỉnh Cương Sơn và Côn Luân Sơn cũng được Trung Quốc điều xuống vùng biển ở vịnh Thái Lan để tìm kiếm máy bay mất tích MH370 của Malaysia.

Tiếp đó, tháng 5/2014, cặp tàu đổ bộ Côn Luân Sơn và Tỉnh Cương Sơn đã tạo thành gọng kìm để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tháng 5/2015, lần đầu tiên Trung Quốc cử tàu Tỉnh Cương Sơn tham gia cuộc diễn tập cứu nạn liên hợp quân - dân quy mô lớn ở nước ngoài được tổ chức tại Malaysia.

Việc triển khai thường xuyên các tàu đổ bộ cỡ lớn này là một thông điệp mạnh mẽ: Chớ coi thường Trung Quốc! Tuy nhiên, chúng có thực sự đáng sợ như báo chí Trung Quốc vẫn rêu rao?

Tàu đổ bộ lớp Type-071 lớn nhất của Trung Quốc triển khai hoạt động trên biển

Tàu đổ bộ lớp Type 071 lớn nhất của Trung Quốc triển khai hoạt động trên biển

"Hàng nhái" không thể bằng "hàng xịn"

Theo phân tích trên trang Globalsecurity.org của một chuyên gia quân sự Mỹ thì các tàu đổ bộ Type 071 lớn nhất của Trung Quốc đích thị là "bản copy" mẫu tàu đổ bộ San Antonio (LPD-17) của Mỹ.

Mặc dù Type 071 được coi là niềm tự hào của giới quân sự Trung Quốc, nhưng không thể so sánh với "hàng xịn", nhiều chuyên gia cho rằng nó còn không đáng "xách dép" cho tàu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo của Hàn Quốc chứ đừng nói đến San Antonio.

Còn đứng cạnh Mistral, Type 071 chỉ như những "chú vịt xấu xí". Chả thế mà gần đây Trung Quốc tìm cách vồ lấy "cơ hội từ trên trời rơi xuống" để mua các tàu sân bay trực thăng Mistral mà Pháp không muốn giao cho Nga.

Nhờ thiết kế tiên tiến, nên dù có cùng choán nước, nhưng tàu đổ bộ trực thăng Mistral (bên trái) có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với tàu đổ bộ Type-071 của Trung Quốc (bên phải)

Nhờ thiết kế tiên tiến, nên dù có cùng choán nước nhưng tàu đổ bộ trực thăng Mistral (bên trái) có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với tàu đổ bộ Type 071 của Trung Quốc (bên phải)

So với Mistral là lớp tàu hiện đại mà đến Nga cũng thèm muốn, thì Type 071 có tính năng chỉ nhỉnh hơn một "chiếc phà" thông thường:

Thứ nhất, Type 071 chỉ như chiếc tàu vận tải đổ bộ sơ cấp, trong khi Mistral là tàu đổ bộ cao cấp với đường băng thẳng, cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau và có thể hoán cải thành tàu sân bay hạng nhẹ nếu được trang bị thêm một cầu trượt dài cỡ 15 - 20 m.

Thứ hai, Type 071 đóng theo kiểu tổng đoạn truyền thống, trong khi Mistral có kết cấu module hiện đại nên tiến độ đóng nhanh hơn nhiều.

Dù lên kế hoạch đóng tới 6 tàu Type 071, với chiếc đầu hạ thủy từ năm 2006 và đến nay, sau ngót 10 năm, Trung Quốc mới chỉ đang hoàn thành đến chiếc thứ tư (hạ thủy ngày 22/01/2015).

Tiến độ hết sức lẹt đẹt, cho thấy do copy mà không hiểu nguyên lý thiết kế, nên khi đóng xong từng chiếc lại phải điều chỉnh thiết kế khiến thời gian đóng tàu bị kéo dài ra, dù Trung Quốc cần nhanh chóng xây dựng lực lượng tàu đổ bộ cỡ lớn.

Chính giới quân sự nước này cũng thấy Type 071 có quá nhiều bất ổn nên chẳng mấy mặn mà đóng nhanh, để cố chờ những thiết kế mới hơn hoặc là "ăn trộm" hoặc mua được ở đâu đó. Rất có thể số tàu được đóng sẽ dừng lại ở số 5 vì chiếc thứ 6 còn chưa được khởi công.

Thứ ba, có cùng lượng choán nước nhưng Mistral vượt trội hơn hẳn về sức chứa cũng như khả năng đảm bảo cho nhiều loại vũ khí, phương tiện hoạt động cùng lúc.

Mistral có sân bay dọc theo thân tàu, cho phép 6 trực thăng cất cánh cùng lúc, trong khi đó Type 071 chỉ đảm bảo được cho 2 chiếc. Mistral mang được 16 trực thăng hạng nặng hoặc 35 trực thăng hạng nhẹ, trong khi với Type 071 chỉ là 4 chiếc.

Mistral mang được tới 40 xe tăng chủ lực (MBT) hoặc 13 MBT cùng 45 thiết giáp hạng nhẹ khác, chưa kể 900 lính thủy đánh bộ kèm theo, trong khi Type 071 chỉ mang được không quá 20 xe thiết giáp hạng nhẹ và khoảng 500 lính thủy đánh bộ.

Thứ tư, khả năng yểm hộ hỏa lực cho nhóm đổ bộ cực kém do Type 071 chỉ có duy nhất 1 khẩu pháo chính cỡ 76 mm, còn lại là vũ khí nhỏ. Số trực thăng mang theo quá ít, không tạo thành "chất" đủ sức đột phá khu vực phòng ngự vững chắc của đối phương.

Dù không có pháo lớn nhưng với lực lượng trực thăng hùng hậu, Mistral không những đảm bảo đổ quân nhanh mà còn chi viện hỏa lực hiệu quả hơn nhiều. Các máy bay trực thăng có thể đột kích sâu vào trung thâm phòng ngự nằm trong đất liền.

Ngoài ra, các máy bay trực thăng trên tàu Mistral còn có thể đảm đương rất nhiều nhiệm vụ khác nhau như chống tàu ngầm, chống hạm, cảnh báo sớm, trong khi Type 071 không thể có khả năng này.

Thứ năm, Type 071 có khả năng chỉ huy liên hợp kém xa Mistral, bởi tàu của Pháp sử dụng hệ thống chỉ huy tương tự với tàu sân bay Charles De Gaulle. Khi tiến hành đổ bộ với lực lượng lớn, Type 071 sẽ gặp rất nhiều hạn chế để phối hợp có hiệu quả các lực lượng.

Cuối cùng, Trung Quốc bỏ ra tới khoảng 400 - 500 triệu USD để nhận được 1 chiếc Type 071, thứ bị đánh giá chỉ nhỉnh hơn chiếc "phà", trong khi đó với mức giá 750 triệu USD/chiếc, tàu Mistral của Pháp tỏ ra "đáng đồng tiền bát gạo" hơn nhiều.

Rõ ràng, đứng cạnh Mistral, Type 071 chỉ như "chú vịt xấu xí", bảo sao Trung Quốc không quyết tâm mua cho bằng được cặp tàu "lỡ duyên" với nước Nga để sao chép, hoàn thiện mẫu tàu tấn công đổ bộ đường băng thẳng Type 081 mà Trung Quốc đang tự phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại