Theo báo Quân đội nhân dân, chiều 8/3, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Cộng hòa Liên bang Đức do tiến sĩ Ralf Brauksiepe - Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức dẫn đầu nhân dịp đoàn tới thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và tiến sĩ Ralf Brauksiepe đã trao đổi các vấn đề liên quan đến tình hình thế giới, khu vực và hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong thời gian qua.
Một chi tiết rất đáng chú ý đó là tiến sĩ Brauksiepe khẳng định phía Đức sẽ làm hết mình để giúp đỡ Việt Nam trong hợp tác giáo dục - đào tạo, công nghiệp quốc phòng...
Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp Quốc vụ khanh Quốc phòng Đức
Đây có thể coi như một tín hiệu đáng mừng, do Đức là một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, vũ khí Đức luôn được đánh giá cao bởi những ưu điểm nổi trội về hiệu năng cũng như độ tin cậy.
Các sản phẩm nổi bật của nền công nghiệp quốc phòng Đức bao gồm tàu ngầm phi hạt nhân Type 209, Type 214, xe tăng Leopard 2 hay pháo tự hành bánh xích PzH 2000... đã được quân đội rất nhiều quốc gia tin dùng.
Không chỉ bán vũ khí trực tiếp, Đức còn xây dựng mô hình hợp tác, chuyển giao công nghệ phục vụ cho việc xuất khẩu sang một nước thứ ba. Tiêu biểu chính là dự án liên kết với Hyundai và Daewoo của Hàn Quốc để đóng tàu ngầm Chang Bogo (Type 209) hay Type 214.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A5 của Quân đội Đức
Tuy nhiên, với tiềm lực cũng như hạ tầng khoa học kỹ thuật hiện nay của Việt Nam, rất khó để hy vọng đối tác sẽ đồng ý chuyển giao những công nghệ lớn như trường hợp của Hàn Quốc, nhất là khi hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang ở mức khiêm tốn.
Nhìn qua danh sách các loại vũ khí xuất khẩu chủ lực của Đức, có thể nhận định rằng nhu cầu của Việt Nam là gần như không có. Vậy chúng ta đang mong chờ gì ở phía bạn, câu trả lời có lẽ chính là động cơ tàu thủy.
Theo báo cáo của SIPRI, hợp đồng quốc phòng duy nhất giữa Việt Nam với Đức tính đến thời điểm hiện tại là thương vụ mua sắm 4 động cơ diesel MTU-8000 để lắp cho tàu tên lửa BPS-500 (đặt hàng 1996, nhận trong giai đoạn 2001 - 2005).
"Nhân duyên" giữa Việt Nam với Đức lẽ ra chỉ đến vậy nếu không có cuộc chính biến tại Ukraine, dẫn đến việc động cơ cung cấp cho cặp tàu tên lửa Gepard 3.9 tiếp theo bị gián đoạn, do Nga chưa thể chế tạo ngay động cơ đủ tin cậy mà Việt Nam đã phải quay sang Đức.
Trong tương lai, khi Việt Nam tiếp tục đóng thêm tàu tên lửa Molniya hay đặt hàng cặp Gepard thứ ba, động cơ Đức vẫn sẽ là ứng viên số 1.
Vì vậy, nhiều khả năng Đức sẽ giúp đỡ Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ để tự bảo trì, bảo dưỡng và đại tu động cơ tàu thủy, hoặc xa hơn nữa sẽ sản xuất các loại động cơ đó ngay trong nước.
Nếu nhận định trên thành hiện thực, đây sẽ là hướng đi rất cần được khuyến khích, do ngoài việc phục vụ quân sự, nó còn thúc đẩy cả ngành đóng tàu thương mại của Việt Nam, thậm chí còn là tiền đề cho những dự án hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước thời gian tới.