Ngày 31 tháng Bảy 1980,Trái đất đón chào hai nhà du hành vũ trụ Victor Gorbatko và Phạm Tuân. Trong cuộc đàm đạo với phóng viên Đài Tiếng nói nước Nga, phi hành gia Việt Nam đầu tiên đã kể về khoảnh khắc không thể nào quên này trong cuộc đời ông.
Ông Phạm Tuân nhớ lại: “Cánh cửa mở ra và tôi nhìn thấy những gương mặt hạnh phúc của các nhân viên nhóm tìm kiếm và những người dân địa phương đang tươi cười. Bầu không khí thân thương của Trái đất ngay lập tức mang đến cho chúng tôi niềm sảng khoái, tháo bỏ mọi mệt mỏi. Chúng tôi được đón chào như những người thân thuộc nhất – cảnh tượng ấy nhớ mãi suốt đời”.
Các phi hành gia trở về Trái đất sau chuyến bay 7 ngày xung quanh hành tinh. Ngày đầu tiên sau khi xuất phát con tàu của họ bay lên tầng cao không gian bao la có Trạm Vũ trụ của Liên Xô, nơi các phi hành gia Leonid Popov và Valery Ryumin đã hoàn thành chuyến bay dài ngày.
Họ là người quen của Phạm Tuân, từng gặp gỡ thường xuyên trong những kỳ học và tập luyện tại Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ ở ngoại ô Matxcơva. Nhưng khi đó là trên Trái đất, còn ở đây là cuộc hội ngộ trong không gian! Các cư dân của Trạm đón mừng Phạm Tuân và Gorbatko theo đúng phong tục Nga hiếu khách – bằng bánh mì và muối.
Bắt đầu chuyến bay chung. Khi Trạm bay ngang qua bầu trời Việt Nam, mỗi lúc có thời gian rảnh Phạm Tuân đều đến bên cửa sổ. Bởi trước đây ông chỉ nhìn thấy từng khoảng nhỏ khung cảnh quê hương thân yêu qua ô cửa buồng lái chiếc máy bay chiến đấu do Liên Xô chế tạo, khi Phạm Tuân là phi công tham gia bảo vệ đất nước chống kẻ thù xâm lược.
Ông Phạm Tuân kể: “Qua cửa Trạm tôi được chiêm ngưỡng bức tranh đất nước tôi: những rặng núi, sông ngòi, đường bờ biển ... Tôi đã được thấy toàn bộ Việt Nam và càng yêu quê hương mình sâu đậm hơn!”.
Thực ra khoảng thời gian rảnh rỗi không nhiều. Bởi chuyến bay vào không gian chẳng phải là cuộc dạo chơi vô mục đích. Các phi hành gia cần tiến hành công trình nghiên cứu khoa học qui mô. Trong đó có cả những chương trình theo đề tài do các nhà khoa học Việt Nam chuẩn bị về sinh học và vật liệu học. Quan tâm đặc biệt được dành cho việc chụp ảnh lãnh thổ và sông ngòi, vùng biển của Việt Nam.
Sau này những tấm ảnh chụp từ vũ trụ đã giúp ích nhiều cho các cán bộ lâm nghiệp của đất nước khi tìm hiểu quá trình hồi sinh những cánh rừng bị hủy diệt trong chiến tranh, và giúp ngư dân xác định những khu vực đánh bắt hải sản nhiều tiềm năng triển vọng. Những dữ liệu ảnh vũ trụ cũng đã được sử dụng trong công trình xây dựng các nhà máy thủy điện Hòa Bình và Trị An, trong đề án chung của công ty liên doanh "Vietsovpetro".
Cho đến nay những dữ liệu này vẫn không mất tính thời sự, mà được sử dụng phục vụ khâu thiết kế chuẩn bị kiến thiết nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, xây dựng những con đường và cầu cống mới cùng như giúp các chuyên gia địa chất khi tiến hành khảo sát thăm dò tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam.
Hoàn thành công tác làm giàu có phong phú thêm cho khoa học bằng những tư liệu mới và quí giá, những người anh em vũ trụ - Victor Gorbatko và Phạm Tuân - quay trở về Trái đất. Xin nhắc rằng ngày con tàu vũ trụ của họ xuất phát cũng trùng với mốc kỷ niệm thành lập lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam với sự giúp đỡ của Liên Xô.
Còn ngày đón chào các phi hành gia trở lại hành tinh xanh của chúng ta cũng có sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị! Chính vào ngày 31 tháng Bảy của 22 năm trước đó, đã thành lập Hội Hữu nghị Xô-Việt, hiện nay là Hội Hữu nghị Nga-Việt. Trong số những người đã gặp Victor Gorbatko và Phạm Tuân trên Trái đất, có vị Chủ tịch Hội – ông German Titov – nhà du hành vũ trụ số 2 của Liên Xô và danh tính đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh đặt tên cho một hòn đảo ở Vịnh Hạ Long.
Vào năm 1962, khi nhà lãnh đạo Việt Nam và vị khách Xô Viết đi thuyền ngang qua hòn đảo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng Người mơ ước về một ngày trong tương lai có công dân Việt Nam được bay lên không gian. Và thế là ước mơ lãng mạn hào sảng ấy đã trở thành hiện thực.