Dự án tiêm kích thế hệ 5 FGFA: Ấn Độ bị Nga chơi một vố đau?

Thiên Minh |

Ấn Độ cho biết nước này đã nhiều lần đặt vấn đề về chi phí sản xuất và yêu cầu chia sẻ công nghệ chương trình tiêm kích thế hệ năm (FGFA) nhưng Nga luôn phớt lờ.

Tờ The Tribune (Ấn Độ) đưa tin, New Delhi mới đây đã chuyển lời tới Moscow rằng nước này không thể tiếp tục chương trình hợp tác phát triển và sản xuất các tiêm kích thế hệ năm (FGFA) cho tới khi Nga đề cập tới vấn đề chi phí và chia sẻ công nghệ. Động thái này có thể được xem là dấu hiệu của sự mệt mỏi trong mối quan hệ hợp tác quân sự lâu dài giữa 2 nước Nga-Ấn.

Theo kế hoạch ban đầu, Ấn Độ và Nga sắp tới sẽ ký kết một trong những thỏa thuận sản xuất quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay để phát triển và sản xuất tiêm kích thế hệ năm. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cho chương trình sẽ tốn khoảng 11 triệu USD và Ấn Độ sẽ chi trả một nửa số tiền này. Tiếp đó, Không quân Ấn Độ sẽ đặt mua 200 máy bay FGFA, với tổng giá trị hợp đồng ước tính lên tới 30 triệu USD.

Mô hình tiêm kích FGFA được trưng bày tại triển lãm hàng không Ấn Độ 2013

Mô hình tiêm kích FGFA được trưng bày tại triển lãm hàng không Ấn Độ 2013. Ảnh: Bharat Military

Các cuộc đàm phán giữa 2 bên đã diễn ra trong nhiều năm kể từ khi chương trình FGFA lần đầu tiên được công bố. New Delhi đã nhiều lần đặt vấn đề về việc chia sẻ công nghệ, vai trò của Ấn Độ trong quá trình phát triển máy bay và chi phí thực sự của mỗi đơn vị máy bay.

Các nguồn tin cấp cao cho biết Ấn Độ không nhận được từ các đại biểu Nga bất cứ câu trả lời nào liên quan tới các vấn đề trên trong những cuộc đàm phán thường lệ. Cuộc trao đổi mới đây nhất diễn ra vài tuần trước và có vẻ như phải cần tới một sự can thiệp về chính trị mới có thể dàn xếp ổn thỏa vấn đề. Các khúc mắc sẽ được đưa ra để thảo luận khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tới New Delhi vào tháng 12 tới để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh thường niên.

Theo các điều khoản hiện tại, không có khả năng hợp đồng R&D được ký kết. Theo các nguồn tin cấp cao, có một số vướng mắc lớn khiến Không quân Ấn Độ lưỡng lự.

New Delhi cho rằng nếu nước này đã chịu 50% chi phí nghiên cứu và phát triển thì họ nên được đảm nhiệm một nửa công việc trong chương trình FGFA. Hiện tại, công ty quốc doanh Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ mới chỉ được giao đảm trách 13% công việc.

Ấn Độ cũng đã yêu cầu Nga chuyển thông tin về mức chi phí ước tính trên mỗi đơn vị máy bay. Hiện tại, đã có 6 nguyên mẫu đã hoàn thiện nên yêu cầu này không có gì khó thực hiện. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Ấn Độ cho biết đến nay, Nga vẫn không đưa ra câu trả lời nào. Các quyền sở hữu trí tuệ của loại máy bay này do Nga nắm giữ và đến nay, Moscow không cho phép lắp ráp các thiết bị do HAL cung cấp mà không có chứng nhận, điều này đồng nghĩa với việc nếu muốn tái lặp đặt các thiết bị nội địa, Ấn Độ phải có được sự đồng ý từ Nga.

FGFA được phát triển trên cơ sở tiêm kích thế hệ năm PAK FA

FGFA được phát triển trên cơ sở tiêm kích thế hệ năm PAK FA. Ảnh: India & Russia Today

Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, tạp chí quân sự Nga dẫn một nguồn tin từ Không quân Ấn Độ cho biết kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 FGFA trên cơ sở máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 T-50 (PAK FA) với Nga đã bị trì hoãn. Nguyên nhân chủ yếu là do Nga từ chối cung cấp tài liệu kỹ thuật liên quan đến máy bay chiến đấu thế hệ mới, đồng thời hai bên còn tồn tại mâu thuẫn trong phân công cụ thể việc thực hiện chương trình.

Vụ cháy xảy ra với nguyên mẫu T-50, số hiệu 055 của Nga hôm 10/6 khi đang hạ cánh khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu T-50 có tốt như Nga quảng cáo?

Vụ cháy xảy ra với nguyên mẫu T-50, số hiệu 055 của Nga hôm 10/6 khi đang hạ cánh khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu T-50 có tốt như Nga quảng cáo? Ảnh: Jane's Defence Weekly

Nguồn tin này cho biết Không quân Ấn Độ đã nhiều lần yêu cầu phía Nga cung cấp tài liệu chi tiết về kỹ thuật của máy bay chiến đấu thế hệ 5 và dữ liệu bay thử nghiệm, nhưng phía Nga luôn phớt lờ điều này. Nga nhiều lần tuyên bố rằng tính năng của T-50 vượt trội hơn F-22 của Mỹ, nhưng lại không thể chứng minh điều này được với Ấn Độ. Các quan chức Không quân Ấn Độ cho rằng T-50 thậm chí không thể vượt mặt máy bay F-35.

Cũng theo nguồn tin này, hệ thống động lực học, thiết bị điện tử hàng không và các loại vũ khí có thể mang của máy bay T-50 không thể để lại ấn tượng sâu sắc cho phía Ấn Độ. Không quân Ấn Độ cho biết thêm rằng các hệ thống phụ của máy bay chiến đấu thế hệ mới vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, việc kiểm tra và hoàn thiện cũng mất tới 10 năm.

Một quan chức cấp cao của Không quân Ấn Độ cho rằng, để tiết kiệm tiền, phía Ấn Độ có thể huỷ bộ việc thiết lập doanh nghiệp liên doanh sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 5 với Nga, thay vào đó là trực tiếp mua máy bay T-50 và tự điều chỉnh một phần tại Ấn Độ .

Chuyên gia quốc phòng phương Tây Mark Allen cho rằng thực tế, Nga mời Ấn Độ hợp tác phát triển tiêm kích FGFA là để lấy nguồn ngân sách cần thiết để phát triển động cơ thế hệ mới và radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) cho tiêm kích thế hệ năm. Nếu Ấn Độ rút khỏi dự án, chương trình này sẽ đi vào sản xuất mà không có những công nghệ thế hệ mới quan trọng, từ đó ảnh hưởng tới tiềm năng xuất khẩu của máy bay.

Allen cho rằng chương trình tiêm kích thế hệ năm của Nga nếu không có sự đầu tư của Ấn Độ sẽ không hơn gì những tiêm kích tàng hình "made in China" mà Trung Quốc đang phát triển, đồng thời sẽ khó có thể trở thành mối đe dọa đối với các máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ và châu Âu. Nga cũng có thể sẽ vuột mất những đơn hàng béo bở vào tay Mỹ và Trung Quốc. Chính vì vậy, Nga đã lặng lẽ đề nghị Brazil tham gia hợp tác trong chương trình tiêm kích thế hệ năm để đề phòng trường hợp Ấn Độ rút lui. Tuy nhiên, không thấy có thông tin về việc Brazil chấp thuận đề nghị này của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại