Động cơ tàu ngầm Trường Sa đã thử nghiệm hàng chục lần

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết tàu ngầm Trường Sa đang đi vào giai đoạn cuối cùng và chưa thấy % nào cho sự thất bại.

Tôi không bỏ sót thông tin nào về Kilo của Việt Nam

Chiều ngày 8/11/2013, tại Nhà máy của Công ty TNHH Cơ khí Quốc Hòa (Thành phố Thái Bình), ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ doanh nghiệp và cũng là người đang chế tạo chiếc tàu ngầm mini mang tên Trường Sa cho biết: hiện chiếc tàu đã đi vào những giai đoạn cuối cùng, vật tư cuối cùng dùng cho thân tàu cũng vừa về đến cơ sở.

Ông Hòa chia sẻ: “Để có hệ thống không khí tuần hoàn độc lập AIP, bản thân tôi và các cộng sự là những kỹ sư, công nhân ở trong công ty đã phải đọc rất nhiều tài liệu, từ cách làm của Thụy Điển, Nga, Đức cho đến cả cách chế tạo từ thời phát xít.

Biết bản chất của hệ thống này rất dễ cháy nổ, tôi đã phải thực hiện hàng chục cuộc thử nghiệm, cũng không ít lần "bản nháp" phát nổ, nhưng cuối cùng, tôi khẳng định đã sở hữu AIP của người Việt Nam.”

Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành gia cố lại một số bộ phận thân tàu, lắp ráp AIP vào khoang, vật tư cuối cùng là miếng kính áp suất cũng vừa được nhập về chiều nay (chiều 8/11). Tôi sẽ sớm đưa tàu vào bể để thử nghiệm.

Nơi chế tạo tàu ngầm Trường Sa của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa
Nơi chế tạo tàu ngầm Trường Sa của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa

Khi được hỏi về những chiếc tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam do Nga sản xuất. Ông Hòa trở nên rất hồ hởi và khẳng định: “Tôi không hề bỏ lỡ một thông tin nào về Kilo Việt Nam. Việc nước ta sắp đón chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên Hà Nội cũng là một tin rất vui với tôi”.

Bản thân trên bàn tiếp khách của ông Hòa tại công ty cũng có một mô hình tàu ngầm Kilo 636 có gắn quốc kỳ.

Ông Hòa nhận định: “Việc Việt Nam đến thời điểm này mới mua tàu ngầm theo tôi không phải là muộn. Nền kinh tế nước ta còn nghèo, trong khi chi phí cho một chiếc tàu ngầm là quá lớn, chưa kể đến những trang thiết bị, cơ sở hạ tầng đi kèm. Nhưng trước những thách thức và yêu cầu phòng thủ bức thiết, thời điểm này mua sắm tàu ngầm là điều đúng đắn và phù hợp”.

Tuy nhiên, doanh nhân người Thái Bình này cũng chỉ ra rằng, tuy với 6 tàu ngầm Kilo chúng ta sắp sở hữu, sức mạnh của lực lượng ngầm Việt Nam được tăng lên đáng kể, nhưng một vấn đề khác nảy sinh, ngành khoa học về tàu ngầm nói riêng và lĩnh vực công nghệ ngầm của nước ta còn quá yếu kém.

"Việc một doanh nhân như tôi dám nghiên cứu về AIP, tại sao các nhà khoa học lại sợ nó mà không dám nghiên cứu, để rồi kêu lên phức tạp lắm, khó lắm? Nên nhớ, AIP đã có từ 100 năm trước (1910 trong tàu ngầm của quân đội Đức)".

Tôi thiết nghĩ các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam nên có nhiều công trình nghiên cứu hơn nữa. Bởi lẽ, nghiên cứu về tàu ngầm hay công nghệ ngầm không chỉ phục vụ mục đích quân sự, mà nó còn rất cần thiết trong việc thăm dò tài nguyên thềm lục địa, quản lý ngư trường… là những mục đích dân sinh. Cũng từ đó mà ta có thể bảo vệ chủ quyền tốt hơn” – Doanh nhân Quốc Hòa nhận định.

Nếu Trường Sa thành công, hi vọng Việt Nam sẽ có trăm, nghìn Trường Sa

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa chia sẻ, mục đích của ông khi chế tạo chiếc tàu ngầm này cơ bản nhất là do ông là một người ham công nghệ, khoa học.

Ông Hòa cho biết: “Khi biết tin Việt Nam phải mua 6 tàu ngầm Kilo rất tốn kém, tôi mới tò mò nghiên cứu về tàu ngầm, rồi từ đó nảy sinh ra ý định làm thử một cái xem thế nào. Càng làm càng thấy ham. Sau đó, khi dự án của mình ngày càng có xác suất thành công cao, tôi đã thực sự nghĩ đến những ước mơ xa hơn.

Hệ thống không khí độc lập tuần hoàn (AIP) của ông Hòa đang được thử nghiệm. (Ảnh VNE)
Hệ thống không khí độc lập tuần hoàn (AIP) của ông Hòa đang được thử nghiệm.

Nếu Trường Sa của tôi thành công, tôi hi vọng hàng trăm hàng nghìn nhà khoa học, các tổ chức khoa học, quân đội sẽ bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất. Họ có kiến thức hơn tôi, môi trường làm việc hơn tôi, và nguồn vốn cũng hơn tôi. Sẽ có hàng trăm, hàng nghìn chiếc “Trường Sa mới”, to gấp 3, 4 lần tàu của tôi.

Theo tính toán, tàu của tôi chỉ có thể hoạt động ở mức nước nông, cửa biển, nhưng những chiếc tàu kia, biết đâu có thể bơi ra bơi về Trường Sa.”

Ông Hòa cũng nhận định, Việt Nam có lực lượng đặc công nước rất mạnh, biết đâu những chiếc tàu ngầm này sẽ là một phương tiện khiến đặc công Việt Nam trở thành độc nhất vô nhị trên thế giới.

Ngẫm lại, nghệ thuật quân sự của Việt Nam từ trước đến nay, kinh qua bao cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Việt Nam trở thành bậc thầy của chiến tranh du kích, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh.

Những yếu tố bất ngờ trong cách đánh của quân đội Việt Nam luôn làm nên những chiến công vang dội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại