Mối đe dọa của những cơn lốc xe tăng thường trực
Đầu những năm 1980, máy bay chiến đấu Sukhoi Su-25 (NATO định danh là “Frogfoot”) đã bắt đầu đảm nhiệm vai trò cường kích yểm trợ hỏa lực mặt đất trong không quân Liên Xô. Về chức năng, Su-25 tương tự với loại máy bay cường kích A-10 Warthog nổi tiếng của không quân Mỹ. Mặc dù đã ra mắt khá lâu nhưng cho đến nay Su-25 vẫn được nâng cấp để tác chiến trên chiến trường hiện đại và hoạt động trong biên chế của không quân 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga, Ukraine hay Triều Tiên.
Su-25 thực sự là kho vũ khí hủy diệt di động trên bầu trời
Cục diện Châu Âu đã được thay đổi sau Chiến tranh thế giới thứ 2 khi diễn ra sự đối đầu giữa hai khối quân sự khổng lồ Đông - Tây, tiềm ẩn khả năng sẽ lại xảy ra một cuộc chiến quy mô lớn với sự tham chiến của hàng nghìn xe tăng hiện đại, pháo binh và máy bay yểm trợ. Thêm vào đó, vũ khí hạt nhân cả chiến lược lẫn chiến thuật cũng nhăm nhe được mang ra sử dụng.
Khi đó, cả hai bên chiến tuyến đều chú trọng phát triển các loại vũ khí chuyên dùng để tiêu diệt “nắm đấm thép” của đối phương như xe tăng, pháo-tên lửa chống tăng và máy bay. Người Mỹ đã cho ra đời cường kích A-10 Thunderbolt II, một loại máy bay phản lực hai động cơ trang bị pháo Gatling “hàng khủng” cỡ 30mm ở mũi, được thiết kế để tiêu diệt xe tăng Liên Xô từ trên cao. Ngoài ra, A-10 cũng mang theo các loại tên lửa đối đất, rocket hay bom.
Đối thủ của Su-25 là máy bay cường kích nổi tiếng A-10 của Mỹ
A-10 là một loại máy bay cường kích có hỏa lực rất mạnh và vỏ giáp có sức chịu đựng tốt để đáp ứng cho nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực ở độ cao thấp với 2 động cơ được đặt tách biệt để nâng cao khả năng sống sót. A-10 được không quân Mỹ chính thức cho ra mắt vào năm 1977.
Câu trả lời của Liên Xô đã sẵn sàng
Câu trả lời của Liên Xô cũng là một loại máy bay với các chức năng tương tự, công việc thiết kế loại máy bay cường kích mới được giao cho Sukhoi - nhà thiết kế nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này với các sản phẩm như Su-22, Su-24 sau khi họ giành chiến thắng trong cuộc thi trước các cục thiết kế khác như Mikoyan-Gurevich hay Yakovlev.
Bên dưới đôi cánh của Su-25 là 10 mấu cứng gắn vũ khí, thiết bị
Sukhoi đã bắt đầu phát triển Su-25 từ năm 1968 với mẫu thiết kế T-8-0, sau đó lần lượt là các mẫu phát triển T-8-1, T-8-2, T-8-2D và T-8-3. Cho đến năm 1981 thì Su-25 chính thức được đưa vào biên chế. Khối NATO khi phát hiện ra loại máy bay này đã đặt tên cho nó là “Frogfoot”. Việc sản xuất Su-25 lúc đầu được thực hiện tại Xí nghiệp 31 đặt tại nước cộng hòa Gruzia, Liên Xô.
Su-25 thực sự là một kho vũ khí di động trên bầu trời khi được trang bị 1 khẩu pháo 30mm nòng kép AO-17A với 250 viên đạn. Dưới hai cánh và thân chính là 10 mấu cứng gắn vũ khí, thiết bị với tổng khối lượng 4,4 tấn. Chủng loại bom đạn mà Su-25 sử dụng rất phong phú, từ tên lửa đối không R-60, R-27R, R-77, R-73, bom thông minh cỡ 670 kg, rocket cỡ từ 57mm S-5, 80mm S-8, đến loại rocket “thông minh” S-24 240mm và S-25 330mm, pháo hàng không, bom chùm cỡ 500 kg, bom thông thường, tên lửa đối đất như Kh-23 (AS-7 Kerry), Kh-25 (AS-10 Karen) và Kh-29 (AS-14 Kedge), tên lửa chống tăng Vikhr-M, tên lửa đối hạm Kh-35, tên lửa diệt rađa Kh-58U và Kh-31P.
Su-25TM với tên lửa đối không R-77 và tên lửa đối đất Kh-31
Thiết bị Klyon-PS đo xa và chỉ định mục tiêu bằng laser ở mũi máy bay giúp dẫn đường cho tên lửa không đối đất, bom thông minh và các loại vũ khí dẫn đường bằng laser. Khi cần dẫn đường từ cự ly xa hơn, Su-25 sẽ mang theo thiết bị chỉ thị mục tiêu bằng laser gắn dưới cánh.
Để đáp ứng khả năng cơ động trên chiến trường, Su-25 sử dụng hai động cơ Soyuz/Tumansky R-195 sức đẩy 4.300 kg giúp máy bay có thể đạt vận tốc tối đa 950 km/h, tầm hoạt động 2.500 km, trần bay 7.000m.
Pháo 30mm nòng kép và thiết bị chỉ thị laser ở mũi máy bay
Tung cánh trong nhiều cuộc chiến
Su-25 đã được sử dụng trong nhiều cuộc chiến. Lần tham chiến đầu tiên của Su-25 là khi quân đội Liên Xô sử dụng chúng ở Afghanistan, có khoảng 50 chiếc Su-25 đã chiến đấu ở đây. Những kinh nghiệm ở Afghanistan khi đối đầu với tên lửa vác vai Stinger lợi hại của phiến quân đã giúp Su-25 có thêm các thiết bị mới như hệ thống giảm bức xạ nhiệt của ống xả, mồi nhiễu để đánh lừa các loại tên lửa tầm nhiệt và radar mặt đất bám theo. Trong suốt thời kỳ tham chiến ở Afghanistan, không quân Liên Xô ghi nhận không có chiếc Su-25 nào bị bắn hạ.
Su-25 của Nga bị tên lửa Gruzia bắn nát 1 động cơ nhưng vẫn bay về an toàn
Su-25 cũng được không quân Iraq sử dụng để tấn công Iran trong cuộc chiến tranh 1980-1988 với hàng trăm phi vụ xuất kích đánh phá mà chỉ có 1 chiếc Su-25 bị phòng không Iran bắn hạ. Vào năm 1991, ít nhất 7 chiếc Su-25 của Iraq đã thoát khỏi đòn không kích của Mỹ và chạy sang Iran.
Sau này, Su-25 được quân Nga sử dụng trong 2 cuộc chiến tại Tresnia cũng như cuộc xung đột với Gruzia năm 2008. Máy bay Su-25 Nga đã thực hiện các nhiệm vụ không kích mặt đất nhưng cũng chịu thiệt hại 4 chiếc do hỏa lực tên lửa phòng không Gruzia.
Phiên bản hiện đại nhất của Su-25 hiện nay là Su-25SM đang được sử dụng trong không quân Nga với nhiều sự khác biệt như có khả năng tác chiến cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết, máy bay có thêm radar Kopyo ở mũi hỗ trợ bắn các loại tên lửa thế hệ mới, hệ thống điện tử hiện đại. Tính đến thời điểm này đã có tổng cộng có hơn 1.000 chiếc Su-25 đã được sản xuất.
Su-39 (Su-25TM) với tên lửa đối hạm Uran dưới cánh
Sức mạnh máy bay cường kích Su-25
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA