Những năm 1980, Việt Nam được nước bạn Liên Xô viện trợ thêm nhiều tàu mới, hiện đại hơn so với thế hệ tàu trong kháng chiến chống Mỹ. Những chiếc tàu này đã góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo đất nước, nhất là quần đảo Trường Sa.Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), giai đoạn 1979-1981, Việt Nam đã nhận được từ Liên Xô 8 tàu cao tốc tên lửa lớp Osa II Project 205U.
Tàu cao tốc tên lửa lớp Osa II có lượng giãn nước toàn tải 230 tấn, dài 38,6m. Tuy nhỏ, nhưng tàu có sức tấn công mạnh mẽ với 4 tên lửa hành trình chống tàu P-15U Termit. Xét trên lý thuyết, Osa có khả năng đánh chìm tàu chiến có lượng giãn nước tới hàng nghìn tấn ở tầm bắn 80km. Ảnh minh họa
Giai đoạn 1980-1983, Việt Nam đã nhận từ Liên Xô 14 tàu phóng lôi cao tốc lớp Shershen Project 206. Ảnh minh họa
Tàu phóng lôi Shershen Project 206 có lượng giãn nước 172 tấn, dài 34,08m. Tàu trang bị 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, 2 tháp pháo Ak-230 và tên lửa đối không tầm thấp. Loại tàu này chủ yếu làm nhiệm vụ gần bờ, hộ tống tàu. Trong ảnh là đội hình tàu Shershen tại Lữ đoàn 171, Vùng 1 Hải quân ngày nay. Nguồn: báo QĐND
Giai đoạn 1980-1983, Việt Nam nhận viện trợ từ Liên Xô 8 tàu săn ngầm cỡ nhỏ SO-1 Project 201M. Loại tàu này được trang bị giàn phóng rocket săn ngầm RBU-1000 và pháo 25mm. Ảnh minh họa
Giai đoạn 1984-1985, Việt Nam tiếp tục nhận thêm 5 tàu phóng lôi cao tốc lớp Turya Project 206M. Tương tự tàu Shershen, Turya chủ yếu làm nhiệm vụ gần bờ, hộ tống tàu. Trong ảnh là một chiếc Turya hoạt động trong hải quân ta ngày nay. Nguồn: Vnexpress
Tàu phóng lôi Turya trang bị 4 ống phóng ngư lôi chống tàu mặt nước/tàu ngầm cỡ 533mm, tháp pháo 25mm trước đài điều khiển và một tháp pháo 2 nòng 57mm AK-257 ở đuôi (trong ảnh). Nguồn: báo QĐND
Tháng 12/1978, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 2 tàu hộ vệ săn ngầm HQ-09 và HQ-11 thuộc lớp Petya III Project 159AE. Sang giai đoạn 1983-1984, ta nhận thêm 3 chiếc HQ-13/15/17 thuộc lớp Petya II Project 159A. Đây là một trong những tàu chiến lớn nhất của Hải quân Việt Nam thời điểm những năm 1980, với lượng giãn nước hơn 1.000 tấn, dài 81,8m. Nguồn: báo QĐND
Tàu săn ngầm Petya II/III được trang bị hệ thống vũ khí tương tự nhau gồm: 2 hệ thống pháo phòng không Ak-726, 2 hệ thống rocket săn ngầm phóng loạt RBU-6000 và 2 hệ thống ngư lôi chống ngầm cỡ 400mm.
Tàu săn ngầm Petya II/III của Hải quân Nhân dân Việt Nam từng tham gia nhiều chuyến tuần tra bảo vệ Trường Sa những năm 1980. Trong ảnh là tàu Petya của hải quân ta đậu gần một đảo chìm thuộc Trường Sa (nhà báo Nguyễn Viết Thái chụp).
Nhà báo Nguyễn Viết Thái cùng đoàn công tác hải quân ra thăm Trường Sa ít ngày sau khi xảy ra sự kiện 14/3/1988. Trong ảnh là đuôi một chiếc tàu Petya với giàn ống phóng ngư lôi 400mm và pháo hạm AK-726 (nhà báo Nguyễn Viết Thái chụp).
Tàu săn ngầm Petya II/III là một trong những tàu chiến chủ lực của hải quân ta thời đó có nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa trước mọi thế lực thù địch (nhà báo Nguyễn Viết Thái chụp).
Ngoài những tàu chiến do Liên Xô sản xuất, những năm 1980 hải quân ta vẫn duy trì một số tàu cỡ lớn thu được sau năm 1975. Trong ảnh là khinh hạm HQ-01 (tên cũ của quân đội Sài Gòn là HQ-15) cạnh nhà giàn DK. Tàu có lượng giãn nước toàn tải 2.800 tấn, dài 94,69m, trang bị pháo 20mm, 37mm và tên lửa chống tàu.
Bên cạnh lực lượng tàu chiến, thời đó không quân ta cũng tổ chức lực lượng bay tuần tra bảo vệ biển, đảo, quần đảo Trường Sa. Giai đoạn 1979-1984, Việt Nam được Liên Xô viện trợ 17 chiếc trực thăng săn ngầm Ka-25 (trong ảnh). Những chiếc trực thăng này đã tham gia nhiều nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: Hoàng Lê
Giai đoạn 1982-1983, Việt Nam nhận 4 chiếc thủy phi cơ săn ngầm Be-12. Đây là loại máy bay có tầm hoạt động xa, tải trọng vũ khí lớn (3.000-4.000kg). Trong ảnh là tổ bay chiếc Be-12 của Không quân Nhân dân Việt Nam sau chuyến bay tuần tiễu Trường Sa. Nguồn: sách Lịch sử Không quân