Điều gì khiến Australia không ngại vung tiền mua tàu ngầm Nhật?

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Soryu là lớp tàu ngầm tấn công điện-diesel được trang bị hệ thống động lực AIP, biến nó thành sát thủ vô hình dưới mặt nước.

Tờ News.com.au (Australia) đưa tin, Hải quân Australia có khả năng sẽ mua tàu ngầm phi hạt nhân của Nhật Bản theo khuôn khổ chương trình đổi mới tàu ngầm trị giá 30 tỷ USD của hải quân Australia.

Việc tiếp cận với công nghệ Nhật Bản và thậm chí mua loại tàu ngầm này đã được đưa vào chương trình nghị sự trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Australia Tony Abbott và các quan chức Nhật Bản ở Tokyo.

Trước cuộc gặp của Thủ tướng Abbott, tháng 2/2014, người đứng đầu Cục trang bị quốc phòng Australia (DMO) Warren King đã bí mật tới Nhật Bản để đàm phán với Bộ Quốc phòng nước này về khả năng tiếp cận tàu ngầm lớp Soryu.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston cũng đã gặp gỡ các quan chức cấp cao Nhật Bản để thảo luận vấn đề tàu ngầm. Các quan chức cấp cao Hải quân Australia đã tham quan tàu ngầm Nhật Bản để tìm hiểu một số công nghệ liên quan như Hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) do Thụy Điển thiết kế.

Khi được hỏi rằng những công nghệ nào trên tàu ngầm Nhật Bản sẽ được đưa vào thiết kế tàu ngầm dành cho Australia, một quan chức cấp cao Australia trả lời: "Mọi thứ!". Và khi được hỏi liệu kế hoạch này có bao gồm việc mua nguyên chiếc tàu ngầm đã được chế tạo từ Nhật Bản hay không, vị quan chức này cũng trả lời rõ ràng rằng "Có!".

Vậy Soryu là loại tàu ngầm như thế nào mà lại hấp dẫn Australia đến vậy?

Soryu là lớp tàu ngầm tấn công điện-diesel mới nhất của Nhật Bản được sản xuất bởi Kawasaki Heavy Industries một trong những tập đoàn chế tạo vũ khí hàng đầu của xứ sở mặt trời mọc. Soryu là một biến thể cải tiến từ tàu ngầm lớp Oyashio.

Chiếc đầu tiên mang tên Soryu (SS-501) được đặt ky vào tháng 03/2005, đưa vào hoạt động từ tháng 03/2009, chiếc thứ 2 mang tên Unryu (SS-502) được đặt ky vào năm 2006, đưa vào hoạt động từ tháng 03/2010. Chiếc thứ Hakuryu(SS-503) được đưa vào hoạt động từ năm 2013.

Soryu là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân chạy êm nhất thế giới hiện nay, một sát thủ mà nhiều quốc gia mơ ước không chỉ riêng Australia.
Soryu là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân chạy êm nhất thế giới hiện nay, một sát thủ mà nhiều quốc gia mơ ước không chỉ riêng Australia.

Tàu ngầm lớp Soryu có thiết kế thủy động lực học tương tự như tàu ngầm lớp Oyashio, chỉ khác ở phần bố trí bánh lái ở đuôi. Soryu có bánh lái và hệ thống ổn định ở đuôi hình chữ X giúp kiểm soát quá trình hoạt động của tàu ngầm tốt hơn.

Theo trang News.com.au, tàu ngầm lớp Soryu có đơn giá khoảng 600 triệu USD/chiếc, một số nguồn nói từ 650-700 triệu USD. Mức giá này so với một số loại tàu ngầm khác khá cao, tuy nhiên, theo news.com.au, so sánh cho thấy, giá của tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản không bằng một nửa giá tàu ngầm tương tự do Australia chế tạo.

Sự hấp dẫn từ công nghệ hàng đầu thế giới

Tàu ngầm lớp Soryu có vỏ tàu được làm bằng thép cường độ cao, bên ngoài được bọc một lớp gạch cao su chống âm, giúp giảm khả năng bị phát hiện với các loại sonar âm thanh thụ động và chủ động. Nội thất bên trong tàu được thiết kế với khả năng cô lập gần như hoàn toàn âm thanh phát ra từ bên trong giúp lẩn tránh các loại sonar thủy âm thụ động.

Các hệ thống điện tử trên tàu được lập trình trên nền tảng tự động hóa cao, trái tim của tàu ngầm lớp Soryu là hệ thống động lực không khí độc lập AIP (tức là hệ thống động cơ có thể hoạt động mà không phụ thuộc vào không khí bên ngoài).

Hệ thống AIP trang bị trên Soryu là một biến thể sản xuất theo giấy phép tại Nhật Bản của loại động cơ AIP chu trình đóng Stirling 4V-275R MkIII của Thụy Điển. Hệ thống động lực AIP giúp tàu ngầm lớp Soryu hoạt động êm hơn, lâu hơn dưới nước do ít phải nổi lên mặt nước để xạc điện cho hệ thống ắc quy. Hỗ trợ cho hệ thống AIP là 2 động cơ diesel Kawasaki 12V 25/25 SB.

Sự hấp dẫn về công nghệ và tính năng tác chiến ưu việt là lý do mà Australia quan tâm đến loại tàu ngầm phi hạt nhân Soryu của Nhật Bản.
Sự hấp dẫn về công nghệ và tính năng tác chiến ưu việt là lý do mà Australia quan tâm đến loại tàu ngầm phi hạt nhân Soryu của Nhật Bản.

Cảm biến chính của tàu ngầm là hệ thống định vị thủy âm đa năng Hughes/Oki ZQQ-7, hệ thống này có thể hoạt động ở cả 2 chế độ chủ động và thụ động với 4 mảng an-ten được bố trí ở phía trước mũi, 2 bên thân tàu cùng một mảng kéo theo. ZQQ-7 có phạm vi hoạt động đến từ 16,2-126km tùy tần số mục tiêu.

Ngoài ra, tàu ngầm lớp Soryu còn được trang bị 1 radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước ZPS-6F, hệ thống chiến tranh điện tử ZLR-3-6, hệ thống kiểm soát thông tin tình báo chiến thuật chiến trường ZYQ-31.

Tàu ngầm lớp Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi HU-606 533mm, ống phóng này được sử dụng để phóng ngư lôi Type-89 và tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon. Type-89 là một ngư lôi dẫn hướng âm thanh kép ở cả chế độ chủ động-thụ động. Nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu trong phạm vi đến 50km. Tên lửa chống hạm UGM-84 có tầm bắn 124km nó có thể chống hạm và tấn công các mục tiêu ven biển.

Soryu có chiều dài 84 mét, đường kính 10,1 mét, mớn nước 8,5 mét, lượng giãn nước khi nổi 2.950 tấn, khi lặn 4.200 tấn, tốc độ khi nổi 13 hải lý/h, khi lắn 20 hải lý/h, tầm hoạt động 6.100 hải lý, thủy thủ đoàn 65 người. Tàu ngầm lớp Soryu có thể lặn sâu tối đa tới 500 mét.

Sự kết hợp giữa hệ thống điện tử hiện đại, hệ thống động lực tối tân biến Soryu trở thành một trong những tàu ngầm phi hạt nhân chạy êm nhất thế giới hiện nay, một sát thủ đáng sợ dưới mặt nước mà bất kỳ tàu chiến nào cũng phải e ngại. Đó chính là lý do mà Australia muốn sở hữu loại tàu ngầm này trong biên chế của hải quân nước này.

Tiềm năng xuất khẩu to lớn

Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia có ngành công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới nhất là công nghệ điện tử. Những sản phẩm vũ khí do Nhật Bản chế tạo luôn là những đỉnh cao của công nghệ quốc phòng thế giới.

Thủy phi cơ lưỡng dụng US-1 của Nhật Bản đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các khách hàng nước ngoài trong đó Ấn Độ có thể là khách hàng đầu tiên.
Thủy phi cơ lưỡng dụng US-1 của Nhật Bản đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các khách hàng nước ngoài trong đó Ấn Độ có thể là khách hàng đầu tiên.

Tuy nhiên, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài. Điều đó khiến công nghiệp quốc phòng xứ sở mặt trời mọc bị bó hẹp ở quy mô trong nước. Lệnh cấm này được ví như một gọng kìm kìm hãm sự phát triển của công nghiệp quốc phòng Nhật Bản cũng như khiến họ đánh mất cơ hội tham gia vào thị phần khổng lồ của thị trường vũ khí thế giới.

Ngoài vấn đề kinh tế, một số nhà phân tích cho rằng, việc cấm xuất khẩu vũ khí làm hạ thấp khả năng của Tokyo trong việc tác động đến tình hình thế giới. Có thể thấy rằng việc cấm xuất khẩu vũ khí khiến Tokyo mất đi lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị.

Ngày 01/04/2014 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã thông qua các nguyên tắc mới về xuất khẩu vũ khí. Ông Valery Kistanov Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) cho rằng: “Quyết định này xuất phát từ cả 2 yếu tố chính trị và kinh tế, trong đó lợi ích kinh tế chiếm phần lớn hơn và Nhật Bản bây giờ có thể phải hy sinh hình ảnh yêu chuộng hòa bình của đất nước”

Từ lâu, vũ khí Nhật Bản đã nhận được sự quan tâm của các nước trên thế giới nhưng họ chưa có điều kiện để tiếp cận nó. Việc Tokyo nới lỏng nguyên tắc xuất khẩu vũ khí sẽ là cơ hội lớn cho các nước trước đây sở hữu vũ khí của Nhật Bản.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã tiến hành khảo sát các khách hàng tiềm năng của mình. Ở thời điểm hiện tại, các loại vũ khí như thủy phi cơ lưỡng dụng, tàu tuần tra, các phương tiện trinh sát, thiết bị rà phá bom mìn và một số công nghệ quân sự khác nhận được sự quan tâm đặc biệt của Australia, Indonesia, Philippines và một số nước khác ở Đông Nam Á.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại