Điều chưa biết về tên lửa không đối không tốt nhất thế giới

Thụy Điển không phải là một “đại gia” trong việc triển khai sức mạnh toàn cầu, tuy nhiên họ lại đang sở hữu loại tên lửa không đối không có uy lực nhất thế giới.

Khi những máy bay chiến đấu của Thụy Điển hoạt động tại Libya năm 2011 trong chiến dịch “Người bảo vệ thống nhất”, chính phủ nước này chỉ cho phép chúng thực hiện nhiệm vụ do thám. Một thực tế đáng lưu ý là các máy bay chiến đấu của Thụy Điển được triển khai trong chiến đấu cách đây gần 50 năm trước, trong cuộc khủng hoảng Congo.

Tên lửa Meteor đặt cạnh F-35B của Anh.

Tuy nhiên, Thụy Điển luôn chú ý phát triển hệ thống phòng không của mình một cách rất nghiêm túc và sáng tạo, và thường có các giải pháp “bản địa hóa” để đáp ứng nhu cầu về sức mạnh trên không. Hiện nay, lực lượng Không quân Thụy Điển được cho là đang sở hữu tên lửa không đối không có khả năng nhất trên thế giới.

Tên lửa này gọi là Meteor - một loại tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (BVRAAM - beyond visual range air-to-air missile) - thực chất đây không phải là một sản phẩm của Thụy Điển, nhưng nó lần đầu tiên được trang bị trên các máy bay chiến đấu JAS-39C/D Gripen của lực lượng không quân nước này. Thụy Điển chỉ là một trong số các quốc gia châu Âu phát triển tên lửa không đối không tầm xa Meteor. Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh cũng tham gia vào dự án này với một nhóm các công ty quốc phòng trong đó MBDA, một công ty chế tạo vũ khí có trụ sở tại Anh là nhà thầu chính.

Tháng 9/2010, Thụy Điển bắt đầu tích hợp các tên lửa Meteor với máy bay chiến đấu Gripen. Việc trở thành quốc gia đầu tiên đưa Meteor vào hoạt động đã tạo thuận lợi cho Thụy Điển xuất khẩu chiến đấu cơ Gripen của mình. Các quốc gia khác hiện nay đã ký hợp đồng với Thụy Điển mua loại chiến đấu cơ này bao gồm Brazil, Cộng hòa Séc, Hungary, Nam Phi và Thái Lan.

Thụy Điển và công ty chế tạo máy bay chiến đấu Saab của nước này đã đảm bảo rằng họ đóng một vai trò trung tâm đối với tương lai của Meteor. Do đó, họ đã thiết lập được vị trí tiên phong trong cuộc đua giành sự thống trị trên không. Trong khi cả Nga và Trung Quốc cũng đang thực hiện việc tích hợp những tên lửa định hướng radar chủ động và động cơ phản lực, Meteor có vẻ như đang chiếm ưu thế so với tất cả các đối thủ hiện đang hoạt động khác trên thế giới.

Máy bay Rafale của không quân Pháp phóng tên lửa Meteor.

Meteor là loại tên lửa động cơ phản lực tĩnh siêu âm - động cơ tiêu thụ ít nhiên liệu đẩy hơn nhờ khả năng hoạt động linh hoạt, vừa là động cơ phản lực trong môi trường khí quyển, vừa là tên lửa đẩy trong môi trường không gian, vì vậy động cơ không cần mang theo nhiều oxy để đốt cháy nhiên liệu hydro lỏng - đầu tiên được đưa vào hoạt động.

Meteor dùng để tiêu diệt các loại mục tiêu bay bên ngoài tầm nhìn, bất kể ngày đêm. Tên lửa này có khả năng bảo đảm tốc độ cao trên toàn quỹ đạo bay và phòng chống cao trước tác động của các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương. Nhờ đó, Meteor là một tên lửa tầm xa thực sự, điều mà quân đội Mỹ hoàn toàn thiếu kể từ khi tên lửa không đối không tầm xa có radar dẫn đường AIM-54 Phoenix tích hợp trên máy bay F-14 “nghỉ hưu”.

Trong cuộc cạnh tranh tên lửa không đối không, điều quan trọng là Meteor không chỉ đạt được sự tuyệt đối về tầm mà còn có thể kết thúc được “cuộc chơi”- khả năng tập trung đủ năng lượng vào giai đoạn cuối của đường bay để tấn công một mục tiêu cơ động mà nó đã thực hiện tất cả các biện pháp để thoát khỏi tên lửa bám đuổi.

"Không có khu vực thoát" là một thuật ngữ để chỉ các khu vực mà trong đó một máy bay địch sẽ không thể sử dụng sự nhanh nhẹn thuần túy để tránh tên lửa. Theo nhà sản xuất, Meteor tạo ra một “khu vực không có lối thoát” lớn hơn gấp 3 lần so với một tên lửa thông thường. Với khả năng bám đuổi mục tiêu, Meteor có khả năng sát thương gấp 5 lần so với các tên lửa thông thường như tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) của Mỹ.

Không giống như một động cơ tên lửa bình thường, động cơ phản lực tĩnh siêu âm có thể điều tiết năng lượng nhiều hơn hoặc ít hơn. Do đó, Meteor có thể bảo tồn năng lượng của mình cho đến thời điểm cuối cùng, thay vì tiêu tốn nhiều năng lượng trong quá trình phóng hoặc giai đoạn hành trình. Thực vậy, khi tiếp cận gần mục tiêu, BVRAAM chỉ cần duy trì tốc độ nhanh hơn, các máy bay mục tiêu không có cơ hội sống sót.

Trong khi động cơ phản lực tĩnh siêu âm đảm bảo cải thiện tốc độ tiếp cận, tầm bắn và sự nhanh nhẹn, đặc biệt là trong giai đoạn cuối cùng quan trọng nhất là tấn công mục tiêu, một hệ thống liên kết dữ liệu trên máy bay sẽ cho phép Meteor cập nhật thông tin khi tiếp cận mục tiêu của mình.

Tên lửa Meteor tích hợp thử nghiệm trên máy bay Typhoon của Anh.

Các nhà sản xuất tên lửa có tiếng là rụt rè khi nói chi tiết về hiệu suất sản phẩm của họ. Nhưng những gì mà MBDA đã tiết lộ rất ít, đó là Meteor có tầm bắn hơn 100 km và duy trì tốc độ ít nhất là Mach 4 (gấp 4 lần tốc độ âm thanh).

Thụy Điển chịu trách nhiệm về một loạt các thử nghiệm cuối cùng để chuẩn bị cho Meteor đi vào hoạt động. Tại một cuộc thử nghiệm ở Vidsel, Bắc cực, cách Stockholm khoảng 900km về phía bắc, Saab và FMV - Cục trang bị Quốc phòng Thụy Điển đã tích hợp thành công BVRAAM với máy bay chiến đấu Gripen trong một cuộc thử nghiệm vào cuối tháng 3 vừa qua. Đặc biệt, chương trình thử nghiệm mới nhất này đã chứng minh khả năng tìm kiếm mục tiêu và tầm của Meteor.

Thụy Điển đã ký một hợp đồng với các nhà thầu quốc phòng của Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh để sản xuất Meteor xuất khẩu. MBDA cũng đã nhận được đơn đặt hàng cho hơn 1.000 tên lửa Meteor.

Về chí phí, số liệu được công bố hiện nay là rất hạn chế. Năm 2013, Đức cho biết không quân nước này sẽ nhận được 150 tên lửa Meteor với chi phí khoảng 323 triệu USD cộng thêm 175 triệu USD để tích hợp với máy bay chiến đấu (trong khi đó, Lầu Năm Góc phải chi 423 triệu USD cho 180 quả tên lửa AIM-120D trong năm 2012).

Hiện nay, AMRAAM đang lão hóa vẫn là những tên lửa không đối không tầm trung hàng đầu đối với hầu hết các lực lượng không quân của phương Tây, nhưng ngay cả những phiên bản mới nhất như tên lửa AIM-120D cũng bị hạn chế về tầm và năng lượng. Do vậy, trong tương lai, máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất cũng có thể được tích hợp Meteor nhằm tăng cường đáng kể năng lực không đối không của nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại