Điểm yếu lớn của khu trục hạm hiện đại nhất Ấn Độ

Nhật Huy |

(Soha.vn)-Tàu khu trục lớp Kolkata là sự kết hợp những công nghệ hiện đại nhất mà Ấn Độ có thể mua được. Tuy nhiên, điều này lại khiến nó dễ gặp rắc rối lớn nếu xảy ra vấn đề.

Trong cuộc chạy đua phát triển năng lực quốc phòng, Ấn Độ có một lợi thế rất quan trọng so với Trung Quốc, đó là nước này không chịu sự cấm vận vũ khí từ các nước phương Tây. Trong quá khứ, Ấn Độ chủ yếu mua vũ khí từ Liên Xô hay Nga, nhưng hiện nay đang đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung. Do đó, khi nước này phát triển những vũ khí của riêng mình, họ có thể chọn lựa và kết hợp những công nghệ hiện đại từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên cách tiếp cận theo kiểu "toàn cầu hóa" này cũng không phải là không có điểm yếu. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là chương trình khu trục hạm lớp Kolkata, chiến hạm hiện đại nhất của Ấn Độ hiện nay.

INS Kolkata, chiếc thứ nhất trong lớp Kolkata

Kolkata là lớp khu trục hạm đa nhiệm với lượng giãn nước gần 7.000 tấn và được xem là bước đệm trước khi Ấn Độ tiến đến làm chủ công nghệ chiến hạm viễn dương cỡ lớn, trên dưới 10.000 tấn, tương đương với những chiến hạm hàng đầu hiện nay như Arleigh Burke của Mỹ hay Sejong Đại đế của Hàn Quốc. Có thể nói Kolkata là sự kết hợp của những công nghệ hiện đại nhất mà Ấn Độ có thể mua được.

Tàu INS Kolkata trong quá trình chạy thử

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Hỏa lực hạm đối hạm rất đáng gờm với 16 ống phóng thẳng đứng cho tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos, tốc độ tối đa Mach 3 và tầm bắn 300km, đặt trong các khoang phóng tên lửa thẳng đứng. Ngoài ra còn có 1 pháo 76mm của Oto Melara (Italia).

Tên lửa hành trình diệt hạm BrahMos

Hỏa lực phòng không của nó cũng không hề kém cạnh. Lớp phòng vệ ngoài cùng là tên lửa Barak-8 của Israel, với tầm bắn 70km. Vai trò phòng không tầm gần do 16 tên lửa Barak-1 với tầm bắn tối đa 12km và 4 pháo AK-630 của Nga đảm trách.

Tên lửa Barak-8

Tên lửa Barak-8

Tên lửa Barak-1

Tên lửa Barak-1

Có thể thấy rõ thiết kế hình dáng bên ngoài của con tàu chịu ảnh hưởng lớn từ các thiết kế khu trục hạm của Châu Âu, như lớp F124 của Đức hay De Zeven Provincien của Hà Lan, đặc biệt là phần tháp radar. Hệ thống radar của Kolkata cũng là sự kết hợp của những tên tuổi sừng sỏ như radar quét điện tử chủ động AESA của IAI (Israel), radar cảnh báo tầm xa của Thales Group (Pháp). Hệ thống quản lý tích hợp các thiết bị trên tàu do hãng L-3 (Canada) cung cấp. Hệ thống điều khiển thông tin, tác chiến do Ấn Độ tự phát triển.

Khu trục hạm F124
Khu trục hạm De Zeven Provincien

Hệ thống động lực của Kolkata cũng là một sự kết hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Sức đẩy chính đến từ 4 động cơ turbin khí của hãng Zorya (Ukraine) với tổng công suất 64.000 mã lực. Trong thời Liên Xô, Ukraine là trung tâm sản xuất các loại động cơ turbin cho quân đội nước này. Sức đẩy phụ là 2 động cơ diesel của hãng Bergen (Na Uy) với tổng công suất 20.000 mã lực. Chân vịt và trục chân vịt lại là sản phẩm của Baltisky Zavod Shipyard (Nga).

Tuy nhiên, kết hợp nhiều công nghệ từ các nguồn khác nhau dẫn đến nguy cơ nếu một nhà cung cấp gặp vấn đề, cả dự án có thể bị ảnh hưởng. Và trên thực tế thì chương trình Kolkata đã gặp rất nhiều trở ngại. Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ đóng 3 chiếc thuộc lớp này, là INS Kolkata, INS Kochi, và INS Chennai. Chiếc đầu tiên bắt đầu được đóng vào năm 2003 và dự kiến đưa vào biên chế năm 2010. Nhưng trên thực tế phải đến năm 2013, chiếc INS Kolkata mới bắt đầu chạy thử. Và đến tháng 7 năm nay, nó mới chính thức được bàn giao cho hải quân Ấn Độ.

Cả 3 chiếc Kolkata đều gặp chậm trễ so với kế hoạch

INS Kolkata trong buổi lễ hạ thủy năm 2006

Sự chậm trễ này đến từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau, như thép tiêu chuẩn quân sự từ Ấn Độ, động cơ từ Ukraine, hay hệ thống tên lửa Barak từ Israel…Thậm chí theo dự kiến có thể phải đến đầu năm sau thì chiếc INS Kolkata mới được trang bị đủ cơ số 64 tên lửa Barak. Ngoài ra sự thay đổi thường xuyên trong thiết kế và yêu cầu kỹ thuật cũng góp phần vào sự chậm trễ này. Ví dụ như theo kế hoạch ban đầu, tàu sẽ được trang bị pháo 100mm của Nga, sau đó chuyển thành pháo 130mm, nhưng cuối cùng pháo 76mm của Italia được chọn.

Nếu Ấn Độ muốn tận dụng được lợi thế không bị cấm vận vũ khí, họ cần phải nâng cao năng lực quản lý những dự án lớn, phức tạp như Kolkata và tránh lặp lại những sai lầm tương tự. Khi đó, những vũ khí nội địa do chính nước này phát triển có thể vượt trội so với những đối thủ như Pakistan hay Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại