Chảo lửa Trung Đông đang trở nên vô cùng nóng với những động thái lăm le sử dụng vũ lực chống lại chính quyền Damascus từ phương Tây, sau cáo buộc họ sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Syria đang đứng trước nguy cơ phải hứng chịu một trận đánh “hội đồng” từ phía NATO như những nạn nhân trước đây là Iraq và Libya.
Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria là một vấn đề có ý nghĩa địa chính trị vô cùng quan trọng đối với lợi ích của Nga tại Trung Đông. Sự can thiệp quân sự của phương Tây nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Assad sẽ mở đường cho một cuộc can thiệp khác vào Iran và cuối cùng là đe dọa lợi ích của Nga.
Hệ thống phòng không Syria đã được nâng cấp đáng kể
Học thuyết quân sự của Syria dựa trên nguyên tắc “vừa đủ để bảo vệ” để đối phó với các mối đe dọa trực tiếp trong khu vực từ Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và không loại trừ cả Iraq.
Mạng lưới phòng không Syria có tới 900 hệ thống tên lửa và 4.000 khẩu pháo phòng không các loại, trong đó mạnh nhất là S-200 với 48 hệ thống, hiện đại nhất là Buk-M2E với 48 hệ thống và Pantsir-S1 với 50 hệ thống. Những hệ thống khác cũ hơn bao gồm: 320 hệ thống S-75, 148 hệ thống S-125, 200 hệ thống SA-6, 60 hệ thống SA-8, 20 hệ thống SA-9 và 35 hệ thống SA-13.
Tên lửa phòng không vác vai của Syria có khoảng 4.000 quả các loại như Strela-2/2M, 2000 khẩu pháo phòng không tự hành ZSU-23-2 và ZSU-23-4, khoảng gần 2.000 khẩu pháo phòng không 37, 57mm.
Có đến 80% các hệ thống phòng không của Syria đã cũ, tuy nhiên, một số lượng đáng kể các hệ thống này đã được nâng cấp lên các tiêu chuẩn mới hiện đại hơn như S-75M Volga hay S-125 Pechora 2M. Trong đó S-125 Pechora 2M được đánh giá khá cao bởi nó được trang bị hệ thống điều khiển kỹ thuật số trong bám bắt và xử lý mục tiêu.
Tuy nhiên, vũ khí nào cũng có những điểm yếu nhất định. Cần xem xét kỹ hơn về thực trạng của hệ thống phòng không Syria và khả năng chiến đấu trong trường hợp chạm trán với phương Tây.
“Tử huyệt” của hệ thống phòng không Syria
Hệ thống radar trinh sát của Syria dựa trên các hệ thống radar như: P-12, P-14, P-15, P-30, P-35, P-80, radar đo độ cao PRV-13, PRV-16. Những hệ thống radar này đều được phát triển theo những công nghệ của nửa thế kỷ trước. Những hệ thống radar và tên lửa này đã tham gia vào cuộc chiến tranh giữa Israel và khối Arab 40 năm trước với tỷ lệ thắng thua chia đều cho mỗi bên.
Những hệ thống radar cũ này vẫn có thể đánh bại các kẻ thù hiện tại bằng cách thay đổi hệ thống tần số hoạt động. Trong bối cảnh hiện tại, khả năng cảnh báo sớm đường không trên mặt đất được xem là chìa khóa đối với sự thành bại của hệ thống phòng không Syria.
Các hệ thống radar cảnh giới của Syria có khả năng phát hiện mục tiêu trong phạm vi từ 150-400km, tầm cao từ 11-65km. Đây đều là những hệ thống radar 2 D tức là nó chỉ cung cấp được 2 tham số về mục tiêu là cự ly và góc phương vị, tham số thứ 3 về mục tiêu phải phụ thuộc vào hệ thống radar đo độ cao.
Đối với các hệ thống radar cảnh báo sớm hiện đại đều được thiết kế để cung cấp đủ 3 tham số về mục tiêu, một khi mục tiêu bị phát hiện, các hệ thống phòng không sẽ có đủ 3 tham số về mục tiêu để khai hỏa, trong khi đó, với hệ thống cảnh báo sớm hiện nay của Syria có một sự ngắt quãng nhất định trước khi hệ thống phòng không có đủ 3 tham số về mục tiêu để khai hỏa.
Hệ thống cảnh báo sớm của Syria không có một loại radar nào có khả năng cung cấp đủ 3 tham số về mục tiêu để hệ thống phòng không có thể lập tức khai hỏa khi mục tiêu bị phát hiện. Nếu một trong các hệ thống radar gặp trục trặc thì các hệ thống tên lửa phòng không của Syria sẽ gặp khó khăn trong việc khai hỏa.
Những hệ thống tối tân như Pantsir-S1 sẽ trở nên vô dụng nếu hệ thống cảnh báo sớm không hoạt động.
Đối với tác chiến phòng không hiện đại, điều quan trọng không phải là tên lửa có tầm bắn xa bao nhiêu mà quan trọng là radar có phát hiện và dẫn đường cho tên lửa tấn công mục tiêu được hay không. S-300, Buk-M2E, Pantsir S1 sẽ chẳng là gì nếu hệ thống cảnh báo sớm không hoạt động.
Lịch sử chiến trường Libya năm 2011 đã cho thấy một thực tế rằng, hệ thống phòng không được đánh giá khá mạnh của Libya đã hoàn toàn “tịt ngòi” bởi hệ thống cảnh báo sớm của họ đã hoàn toàn bị tê liệt. Khả năng cảnh báo sớm chính là một “tử huyệt” của hệ thống phòng không Syria mà NATO sẽ khoét sâu vào điểm yếu này bởi đây chính là thế mạnh tuyệt đối của họ.
Ngoài vấn đề hệ thống cảnh báo sớm, phòng không Syria còn một số điểm yếu chết người khác sẽ được đề cập trong kỳ 2. Kính mời độc giả đón đọc!
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!