Điểm mặt vũ khí Hải quân Việt Nam mua của Nga

Báo Nga nhận xét trong khuôn khổ hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng hải quân, Việt Nam đã trở thành một trong những khách hàng mua vũ khí trang bị hải quân lớn nhất của Nga.

Truyền thông Nga cho biết ngày 24/9, tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsky đã diễn ra lễ khởi công đóng mới 2 khinh hạm Gepard 3.9 cho Việt Nam. Tham dự buổi lễ theo kế hoạch có đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ Công Thương Nga, tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, các bộ ngành của cộng hòa Tatastan thuộc Nga cùng nhiều đại diện khác.

Theo báo chí Nga, khối lượng đặt hàng trang bị vũ khí hải quân của Việt Nam tương đương với các hợp đồng hiện nay của Ấn Độ. Cũng nhân dịp này, báo Nga đã điểm lại một số loại vũ khí trang bị hải quân nổi bật mà Việt Nam đặt mua của Nga.

Tàu ngầm

Theo đó, chương trình lớn nhất về vũ khí trang bị hải quân mà Việt Nam đặt mua là 6 chiếc tàu ngầm điện-diesel thuộc Dự án 636 Kilo.

Nga và Việt Nam đã ký kết hợp đồng về cung cấp 6 tàu ngầm này với tổng trị giá gần 2 tỷ USD vào cuối năm 2009. Loại tàu ngầm bán cho Việt Nam sẽ được trang bị tên lửa Club-S.

Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm Kilo
Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm Kilo

Ba tháng sau khi ký hợp đồng này, hai bên cũng đã tiến hành thảo luận về việc xây căn cứ cho tàu ngầm và hạ tầng đi cùng. Các chuyên gia nhận định giá trị của hợp đồng xây căn cứ và hạ tầng thậm chí còn cao hơn cả giá trị hợp đồng mua 6 chiếc tàu ngầm.

Theo báo Nga, Việt Nam mong muốn nhận được từ Nga khoản tín dụng để xây dựng căn cứ tàu ngầm cũng như để mua tàu hải quân các loại (trong đó có tàu cứu hộ, tàu hậu cần) và máy bay hải quân. Trong đó, tàu ngầm và không quân hải quân là cơ cấu mới của quân đội Việt Nam.

Ngoài việc xây dựng hạm đội tàu ngầm, Việt Nam cũng tiến hành hiện đại hóa các tàu chiến mặt nước chủ lực, kể cả các tàu tuần tra (pháo hạm) các loại khác nhau.

Pháo hạm (tàu pháo-tàu tên lửa)

Nga bắt đầu thực hiện chương trình cung cấp pháo hạm thuộc Dự án Svetlyak cho Việt Nam từ năm 2001.

Mùa Hè năm 2002, hãng đóng tàu Almaz (St. Peterburg) đã hạ thủy 2 chiếc tàu tuần tra Dự án 10412 (phiên bản xuất khẩu của Dự án 10410 Svetlyak) đầu tiên cho Việt Nam. Cả hai tàu này đã được chuyển giao cho Việt Nam vào tháng 1/2003.

Khi đó, phía Việt Nam đã bày tỏ ý định tiếp tục chương trình đặt mua các pháo hạm Svetlyak (loạt 10-12 chiếc). Một phần của chương trình này đã được tiếp tục vào năm 2009.

Vào mùa Hè năm 2009, tại 2 nhà máy đóng tàu Almaz và Phương Đông đã khởi công đóng tổng số 4 chiếc thuộc Dự án 10412 cho Việt Nam (mỗi nhà máy 2 chiếc).

Một chiếc
Pháo hạm Svetlyak mang số hiệu HQ 261 của Việt Nam

Năm 2011, Almaz đã chuyển giao cho Việt Nam 2 chiếc theo đơn đặt hàng. Đến năm 2012, nhà máy Phương Đông tiếp tục bàn giao 2 chiếc còn lại cho phía Việt Nam.

Pháo hạm 10412 chế tạo cho Việt Nam có khả năng đi biển tốt, tốc độ đạt gần 30 hải lý/giờ và có thủy thủ đoàn 28 người. Tàu có chức năng bảo vệ biên giới trên biển, các công trình ven bờ và chống nạn đánh bắt hải sản trái phép.

Chương trình hợp tác lớn thứ hai giữa hai nước về tàu tuần tra là việc Nga bán giấy phép sản xuất loại tàu tên lửa Molniya cho Việt Nam.

Trong những năm 1990, Việt Nam đã mua 4 chiếc tàu thuộc Dự án 1241RE Molniya được trang bị tên lửa Termit. Năm 1993, Việt Nam đã mua giấy phép sản xuất tàu tên lửa Dự án 1241.8 Molniya với tên lửa Uran.

Tàu hộ tống tên lửa tốc độ cao Project 1241.8 Molniya HQ-375 trong biên chế Hải quân Việt Nam

Tàu tên lửa Molniya HQ-375 trong biên chế Hải quân Việt Nam

Tuy nhiên, phải tới năm 2005, việc chuyển giao công nghệ mới bắt đầu được thực hiện và từ năm 2006 chuẩn bị bắt tay vào sản xuất. Theo hợp đồng được ký năm 2003, 2 chiếc thuộc Dự án 1241.8 Molniya trang bị tên lửa Uran được đóng tại Nga và 10 chiếc khác được đóng tại Việt Nam. Chiếc đầu tiên được trang bị tên lửa Uran-E đã được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2007, chiếc thứ hai vào năm 2008.

Năm 2010, tại một nhà máy đóng tàu tại Hồ Chí Minh Việt Nam khởi công đóng chiếc tiếp theo theo giấy phép của Nga. Dự kiến, việc đóng từ 6-10 chiếc ở Việt Nam sẽ kéo dài tới năm 2016.

Thiết bị huấn luyện

Tháng 1/2002, hãng Kronshtadt của Nga đã cung cấp cho Hải quân Việt Nam hệ thống huấn luyện quy mô đầu tiên mang tên Laguna-1241RE. Hệ thống này được xây dựng với công nghệ tin học hóa của công ty Tranzas.

Với hệ thống này, thủy thủ Việt Nam đã được huấn luyện điều khiển các tàu tên lửa 2141RE với tên lửa Termit mua trong những năm 1990.

Bên trong một phòng của hệ thống huấn luyện Laguna-1241RE
Bên trong một phòng của hệ thống huấn luyện Laguna-1241RE

Tiếp sau sự hợp tác này, Việt Nam đã đặt mua thêm các hệ thống huấn luyện khác cho 3 loại tàu là 1241RE, 1241.8 và Gepard.

Vào tháng 9/2006, Rosoboronexport đã ký với phía Việt Nam hợp đồng hiện đại hóa hệ thống huấn luyện Laguna-1241RE và cung cấp các hệ thống huấn luyện mới cho các loại tàu 1241RE và 1241.8 Molniya. Việc chuyển giao đã được thực hiện vào tháng 12/2007.

Khinh hạm

Một trong những loại vũ khí hải quân đáng chú ý mà Việt Nam mua của Nga là khinh hạm Gepard-3.9. Đây là loại tàu chiến đa nhiệm, có khả năng phòng không, săn ngầm và diệt hạm.

Tàu cũng có thể gây nhiễu chủ động và thụ động, rải thủy lôi, hộ vệ, tuần tra, chống cướp biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.

Năm 2005, Việt Nam ký hợp đồng mua 2 chiếc Gepard-3.9 thuộc Dự án 11661 đầu tiên của Nga. Đến ngày 5/3/2011, quốc kỳ của Việt Nam đã được kéo lên trên chiếc Gepard-3.9 đầu tiên mang tên Đinh Tiên Hoàng ở căn cứ Cam Ranh.

Lễ bàn giao chiếc thứ hai mang tên Lý Thái Tổ diễn ra ngày 22/8 cùng năm. Tuy nhiên, phải tới tháng 11/2012, phía Nga mới hoàn tất chuyển giao 2 tàu này cho Việt Nam vì trước đó còn công tác huấn luyện, củng cố khả năng tác chiến và xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình vận hành.

Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng số hiệu HQ 011 của Việt Nam
Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng số hiệu HQ 011 của Việt Nam

Đến ngày 17/10/2012, hai bên đã ký hợp đồng thứ hai về việc Nga đóng tiếp cho Việt Nam 2 chiếc Gepard 3.9 tiếp theo. Điểm khác biệt của “cặp” Gepard mới này là được trang bị vũ khí săn ngầm và sử dụng nhiều thiết bị điện tử hiện đại hơn.

Gepard 3.9 có các chỉ số cơ bản: lượng choán nước gần 2.200 tấn, dài 102,4m, rộng 14,4m và cao 7,25m. Tốc độ tối đa của tàu đạt gần 29 hải lý/giờ với tầm hoạt động gần 4.000 hải lý và khả năng hoạt động độc lập 20 ngày đêm. Thủy thủ đoàn có 84 người.

Các chương trình khác

Hiện Nga và Việt Nam đang tiếp tục thương thảo về hợp đồng cung cấp bổ sung các tổ hợp phòng thủ ven bờ Bastion trong khuôn khổ chương trình tín dụng quốc gia dành cho Việt Nam mua một số loại vũ khí.

Theo hợp đồng đầu tiên ký năm 2006, lần lượt trong các năm 2010 và 2011, Việt Nam đã tiếp nhận 2 tổ hợp Bastion-P K300P. Việt Nam chính là khách hàng đầu tiên của loại vũ khí này. Báo Nga nhận xét đây là một trong những loại vũ khí phòng thủ ven bở hiện đại nhất với tên lửa siêu thanh K-310 Yakhont có tầm bắn 300 km.

Tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion
Tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion

Hiện tại, các chuyên gia Nga cũng đang hỗ trợ Hải quân Việt Nam tự đóng 2 loại tàu, một loại tàu tuần tra dài 54 m và một loại tàu đổ bộ dài 71 m.

Chiếc tàu đầu tiên mang số hiệu HQ-272 đã được Hải quân Việt Nam đưa vào biên chế từ tháng 1/2012. Vũ khí và phần lớn trang bị của tàu đều do Nga sản xuất. Tàu được trang bị pháo hạm AK-176 76 mm, pháo AK-630 30 mm và nhiều vũ khí khác.

Chiếc thứ hai đã được bàn giao và Việt Nam đang chuẩn bị đóng chiếc thứ ba với những thay đổi về thiết kế.

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga, Việt Nam cũng đã tự đóng chiếc tàu đổ bộ đầu tiên. Tàu đổ bộ HQ-571 Trường Sa đã được hạ thủy ở một nhà máy đóng tàu tại Hải Phòng vào tháng 10/2011 và được đưa vào biên chế Hải quân Việt Nam vào tháng 3/2012.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại