Với sự phát triển ngày một hiện đại của công nghệ quốc phòng và với tính phức tạp của diễn biến chính trị trên thế giới, các cường quốc quân sự hàng đầu trên thế giới đang dốc mọi nỗ lực phát triển các loại vũ khí hiện đại nhất, một phần để chứng minh vị thế quân sự của mình trên trường quốc tế, một phần để bảo vệ lãnh thổ và cũng là để "hốt" những hợp đồng vũ khí kếch xù từ các quốc gia chưa có khả năng tự phát triển các loại vũ khí quốc phòng tối tân.
Sau đây hãy cùng điểm danh một vài loại tên lửa được coi là mạnh nhất thế giới.
SS-18 Satan – Tên lửa hủy diệt kinh hoàng nhất thế giới
SS-18 Satan là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất thế giới có diện tích sát thương rộng, độ chính xác cao và có thể đánh trúng nhiều mục tiêu cùng một lúc.
SS-18 được trang bị cho lực lượng quân đội của Liên Xô từ năm 1979. SS-18 được trang bị 10 đầu đạn hạt nhân và tầm bắn lên tới gần 1.000-16000 km. Tên lửa này có chiều dài khoảng 11 m, nặng 35,5 tấn và chạy bằng nhiên liệu lỏng.
Các chuyên gia cho rằng đây là loại tên lửa đạn đạo có sức công phá lớn nhất trên thế giới. Được biết, sức mạnh hủy diệt của riêng một quả tên lửa SS-18 Satan đã lớn gấp 500 lần so với một quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945.
Theo ước tính, Nga có khoảng từ 59 đến 88 bệ phóng tên lửa SS-18 trên toàn lãnh thổ. Chúng có khả năng chịu đựng bất kỳ cuộc tấn công nào, trừ tấn công trực tiếp bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, hầu hết loại tên lửa này đã quá già cỗi, gần hết tuổi thọ sử dụng.
S-400 Triumph – Tên lửa chiến thuật hiện đại nhất thế giới
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn.
S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, Nga khẳng định, nước này không có kế hoạch xuất khẩu S-400. Tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại này chỉ được sản xuất để phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Nga.
Tên lửa siêu thanh nhanh nhất thế giới – Brahmos
BrahMos là sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa Cục thiết kế tên lửa NPO Mashinostroeyenia của Nga và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRPO) bên phía Ấn Độ.
BrahMos là từ viết tắt của hai con sông Brahmaputra của Ấn Độ và Moskva của Nga.
BrahMos là tên lửa hai tầng. Một tầng sử dụng nhiên liệu rắn sẽ giúp tên lửa tăng tốc ban đầu và tầng còn lại dùng động cơ phản lực ramjet chạy nhiên liệu lỏng, có trách nhiệm duy trì tốc độ siêu âm của tên lửa. Việc dùng động cơ ramjet và nhiên liệu lỏng khiến BrahMos có tầm bắn lớn hơn nhiều so với tên lửa chỉ dùng nhiên liệu rắn thông thường.
Tên lửa siêu âm Brahmos thế hệ đầu tiên dài 9m, đường kính 70cm, xạ trình 300 km, trọng lượng 3 tấn, có thể bay ở độ cao 10-14 nghìn mét, thiết bị chiến đấu có trọng lượng là 300 kg.
Loại tên lửa này được thiết kế để đạt vận tốc nhanh hơn 2,5 đến 2,8 lần âm thanh. Nó nhanh hơn 3,5 lần so với tên lửa đa năng Harpoon của Mỹ. Tốc độ cao của BrahMos khiến nó có các đặc điểm thâm nhập mục tiêu tốt hơn nhiều so với các tên lửa hoạt động dưới tốc độ âm thanh như Tomahawk, loại tên lửa đã “quần nát” bầu trời Libya.
Loại tên lửa này có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, có thể phóng trên các tàu trên mặt nước, tàu ngầm, máy bay và các bệ phóng di động đặt trên các xe tải gầm thấp.
Chuyến bay thử đầu tiên của BrahMos đã được tiến hành vào ngày 12/6/2001 ở Orissa. Từ năm 2004 loại tên lửa này đã qua rất nhiều cuộc thử nghiệm trong rất nhiều điều kiện khác nhau kể cả việc phóng thử trong sa mạc Pokhran. Với khả năng bay hình chữ "S" ở vận tốc nhanh gấp 2,8 lần âm thanh và nhiều tính năng khác, nó đã tự chứng tỏ được sự ưu việt.
Gần đây nhất, ngày 30/3 vừa qua, Ấn Độ cũng đã tiến hành phóng thử thành công phiên bản cải tiến mới của loại tên lửa này.
Tên lửa hành trình không đối đất tối tân - JASSM
Tên lửa hành trình không-đối-đất JASSM do công ty Lockheed Martin phát triển, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 1.000 km. Tên lửa được trang bị các hệ dẫn tối tân nhất: hệ dẫn quán tính tự động hóa, máy thu GPS và đầu tự dẫn hồng ngoại có khả năng nhận dạng mục tiêu.
Sensor hồng ngoại thụ động cử JASSM được bật lên trước khi tiêu diệt mục tiêu 8 giây và tiến hành chụp ảnh, chẳng hạn một điểm nhất định của tòa nhà để dẫn chính xác hơn với độ chính xác đến 3 m..
Tên lửa này có phần chiến đấu nặng 453 kg, chứa 100 kg chất nổ cực mạnh AFX-757 do các chuyên gia Không quân Mỹ phát triển. Phần chiến đấu là loại vạn năng, có thể tiêu diệt các loại mục tiêu khác nhau: các nhà chứa máy bay, các sở chỉ huy ngầm, cũng như các mục tiêu dễ bị diệt như các tuyến đường sắt.
Đồng thời, người ta cũng đặc biệt chú trọng khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu kiên cố. Phần chiến đấu có lớp vỏ bằng kim loại nặng và ngòi nổ đặc biệt có lắp gia tốc kế để xác định mức độ xuyên qua các công trình bê tông và thời điểm kích nổ phần chiến đấu. Ngòi nổ có thể phân biệt đất, bê tông, đá và không khí.
JASSM là một trong những loại vũ khí ưu tiên và hiện đại nhất của Mỹ.