Đi qua Trung Quốc, tên lửa SAM-3 Việt Nam lỡ cơ hội đánh B-52!

Đại tá Trần Danh Bảng |

Đã gần 45 năm kể từ ngày nhận khí tài tên lửa SAM-3 (S-125) đầu tiên từ biên giới Việt - Trung về triển khai tại Chợ Yên (xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội) cuối tháng Chạp 1972.

Kíp chiến đấu SAM-3 về đến VN ngay đêm đầu B-52 đánh Hà Nội

Ngày ấy cầu, ngầm, đường xá vẫn là mục tiêu của máy bay không quân Mỹ. Vượt hàng trăm ki-lô-mét, kéo khí tài về trận địa an toàn thực sự là chiến công đầu tiên của Trung đoàn 276, từng mệnh danh là “Trung đoàn tên lửa sinh viên”.

“Chân ướt, chân ráo” xuống tàu vội vã lúc nửa đêm ở ga Kép, Bắc Giang đêm 18 tháng 12 năm 1972, kíp chiến đấu gọn của 6 tiểu đoàn hỏa lực, thuộc Trung đoàn 276 được lệnh tản ra các thôn xóm hai bên đường.

 
Đại tá Trần Danh Bảng
Nguyên chiến sĩ radar thuộc Trung đoàn 276 tham gia tiếp nhận khí tài tên lửa SAM-3 năm 1972.

Trước đó một giờ, khi vừa qua biên giới Việt - Trung, bộ đội được thông báo, Không quân Mỹ đã đánh lên tận cầu Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Sân bay Kép buổi tối bị ném bom khống chế đường băng. Còn Hà Nội đang “căng”, đánh trả B-52 liên tục bay vào nhiều tốp, nhưng chưa có tin thiệt hại.

Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 164 do Đại úy Đỗ Cao Việt chỉ huy “lánh” vào khu đồi thuộc huyện Lạng Giang, phía bắc ga Kép chừng 1km. Trên người lính tên lửa khi đó còn vận bộ xi-vin, giày mô-ka được phát từ khi sang Liên Xô chuyển loại tên lửa.

Đa số còn khoác bộ áo dạ dài dến chân, (lính Nga gọi là “xi-nhen”) để chống rét. Chẳng có cách nào khác, đêm miền Bắc rét khoảng 10 độ, mà áo ấm quân đội chưa kịp chở từ hậu cứ dưới xuôi lên.

Ngày đầu tiên về nước đã “đụng đầu” vào không khí chiến tranh. Ai cũng cũng mong sớm nhận khí tài để nghênh chiến cùng đồng đội tên lửa SAM-2 (S-75).

Lại nói về các bộ khí tài tên lửa SAM-3 (S-125 Pechora) của Trung đoàn 276, từ tháng 11 năm1972, 6 tiểu đoàn trưởng hỏa lực đã nhận nó từ bãi bắn Ashuluk, thuộc vùng hoang mạc tỉnh Astrakhan (Liên Xô).

Nói như vậy là vì, những ngày ở bãi bắn nổi tiếng này, các “trưởng xe” thuộc hệ điều khiển, tính toán, thu phát, bệ phóng và radar P-12 đã lên “nhận máy”, thực hành điều chỉnh tham số để bắn đạn thật.

Tham gia điều chỉnh tham số chiến đấu, có các kỹ sư của nhà máy, các sĩ quan thuộc Trung tâm huấn luyện Sít-ten-trai (Ba-ku), nơi “lính sinh viên” hai trung đoàn (E 276 và E 277) từng bên nhau học lý thuyết và thực hành thao tác.

Đợt bắn máy bay không người lái bằng đạn S-125 thật năm ấy, cả 6 tiểu đoàn khi khai hỏa đều đã diệt 6 mục tiêu bay lắt léo ở độ cao rất thấp.

Đại úy Tiểu đoàn trưởng 164 Đỗ Cao Việt, và Trung tá, trung đoàn trưởng Phạm Sơn (E 276), nhiều lần kể với các đồng đội rằng, sau đợt bắn, từng tiểu đoàn phải ghi rõ số xe từng khí tài, để về nước sẽ nhận đúng bộ khí tài mình đã bắn ở Ashuluk.

“Nhất cử lưỡng tiện”, Nhà máy (của Liên Xô) cũng bàn giao luôn từng bộ, ký kết bắn nghiệm thu, trước sự chứng kiến của cả bên viện trợ, bên nhận.

Điều mà bây giờ nhiều người mới biết, chính các tiểu đoàn trưởng của Việt Nam được kẹp chì, ký xác nhận niêm phong các bộ khí tài từ Ashuluk, chứ không phải về đến Việt Nam mới nhận.


Các kíp chiến đấu tên lửa SAM-3 ngày ấy luyện tập báo động chuyển cấp chiến đấu.

Các kíp chiến đấu tên lửa SAM-3 ngày ấy luyện tập báo động chuyển cấp chiến đấu.

Trung đoàn 276 nhận tên lửa SAM-3 ở biên giới như thế nào?

Vào những ngày gần cuối tháng 12 năm 1972, cả nước đang căng thẳng chống trả các đợt tiến công đường không của không quân chiến lược Mỹ bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, sĩ quan, kỹ thuật viên, chiến sĩ Tiểu đoàn 164 lại ngược lên biên giới nhận khí tài về.

Tiểu đoàn trưởng 164 đưa anh em về trú quân tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, ven lộ 4, cách Đồng Đăng khoảng 25km.

Đó là những ngày rét nhất trong năm, trâu bò ở Tú Đoạn bị chết rét nhiều, mấy xe bánh lốp bị rệ xuống ven lạch, phải nhờ bà con người Nùng mang trâu ra kéo hỗ trợ.

Con nào, con nấy phải khoác áo rơm trên lưng mới trụ nổi rét biên cương. Còn anh em lính tên lửa co ro trong áo bông trần, thở ra hơi nước rõ từng nhịp.

Lúc này, Trung đoàn 276 đặt “bản doanh” tại mấy nhà dân gần ngầm Khánh Khê, huyện Văn Lãng, cách ga biên giới Đồng Đăng khoảng 20km.

Chỉ huy nhận khí tài từ các toa tàu của Trung Quốc quá cảnh sang Việt Nam, là Thiếu tá Quách Hải Lượng và Tthiếu tá Nguyễn Đình Ái (đều là trung đoàn phó 276).

Ga Đồng Đăng, Lạng Sơn ngày ấy, chưa bao giờ ngành quân lực, ngành kỹ thuật lại có nhiều cán bộ lên đông như thế.

Cao nhất là đại diện Bộ Tổng Tham mưu, Cục Trang bị - vũ khí thuộc cục Quân lực và Tổng cục kỹ thuật. Cán bộ của Quân chủng Phòng không - Không quân chủ yếu là người của Cục kỹ thuật lên chứng kiến ghi chép.

Đại diện đoàn cố vấn Liên Xô khi đó nắm rất chắc từng bộ khí tài, giao cho đúng đơn vị sở hữu.

Để làm quen với quá trình giao nhận, Trung đoàn 276 yêu cầu mỗi tiểu đoàn hỏa lực phải có mặt 2 chỉ huy ở ga Đồng Đăng vào đêm Tiểu đoàn 164 nhận khí tài, để quan sát, rút kinh nghiệm cho tiểu đoàn mình.

Bởi mỗi xe chiến đấu dài, ngắn khác nhau, tải trọng khác nhau, phải bố trí sao cho xe xích ATS, xe bánh hơi đại xa Kraz vào móc kéo xe khí tài nhịp nhàng, cuốn chiếu, thoát ly nhanh khỏi ga thời chiến.

Ngày ấy ga Đồng Đăng liên tục suốt nhiều đêm, đón các đoàn tàu chở khí tài, đạn dược, hàng quân sự từ Nga sang. Ga đông kín người và xe của các đơn vị lên nhận vũ khí.

Tiểu đoàn 164, khi nhận đủ số lượng máy, đã căn cứ vào tải trọng, chiều dài, rồi căn cứ vào “toa võng”, toa kín, đưa khí tài S-125 xuống sân ga rất khoa học, an toàn.

Những bệ phóng nặng vài chục tấn, xe điều khiển dài chục mét, còn thơm mùi sơn, mùi vải bạt lần lượt hành quân về nằm phân tán trên quốc lộ, núp dưới gốc hồi, kéo dài cả chục cây số thuộc huyện Lộc Bình.

Ấy thế mà lái xe của tiểu đoàn, không hiểu nhận bàn giao thế nào, lại đưa nhầm 1 xe thông tin đối không, (của không quân) có cột an ten lồng vào nhau, trên có chấn tử như cái nơm cá lộn ngược phóng về bản Tú Đoạn.

Đó là 1 xe trung xa Zil-131 mới coóng. Ngay sáng hôm đó, lái xe phải đưa trả lại Đồng Đăng theo yêu cầu của cục kỹ thuật, nhận về chiếc xe thông tin tiếp sức P-405 nhỏ hơn đặt trên xe Gaz-66.

Chờ cho đến đêm hôm sau, bộ khí tài mười mấy xe nặng nề của tiểu đoàn 164 mới rời các tán lá của rừng hồi, rừng trúc, trở lại đường 1B, qua Văn Quan, Tu - Đồn, vượt đèo Bắc Sơn, nghỉ lại một tối.

Hôm sau, mờ sáng về cầu Gia Bảy, xuôi Quốc lộ 3 về Phủ Lỗ, rẽ hướng Thanh Tước, Phúc Yên tới trận địa Nam Hồng.

Lý do không đi đường 1A (gần hơn) vì cầu Đáp Cầu, cầu Đuống là trọng điểm giao thông, tuyến đường 1 Bắc dễ bị oanh kích.

Tiếp đến, Tiểu đoàn 167 nhận khí tài ở ga “Bãi Đá”, tên riêng của ga quân sự thuộc làng Nội Phật, thuộc huyện Kim Anh - Vĩnh Phúc, đưa về một trận địa thuộc Đông Anh, cách ga này trên 10km.

Tuyến hướng của tàu hỏa từ Đồng Đăng, chở khí tài tên lửa theo đường sắt, chuyển về ga Kép, rẽ sang ga Lưu Xá, về qua ga Đa Phúc 1km, rẽ vào nhánh ga quân sự “Bãi Đá”.


Radar cảnh giới tầm xa P-14.

Radar cảnh giới tầm xa P-14.

Cùng ngày này đài radar cảnh giới tầm xa, đồ sộ P-14 đầu tiên của Liên Xô viện trợ cho Việt Nam (ký hiệu loạt đầu có tên 1RL113 "Lena" - Tall King A), cũng được đưa về đây.

Người ta chở nó về trận địa nương chè Đan Tảo, Đa Phúc, cách ga “Bãi Đá” chỉ 6km để triển khai. Nó thuộc quyền của Trung đoàn radar 293 ( đoàn radar Phù Đổng).

P-14 có cự ly phát hiện xa 600 km, tốc độ quét 2-6 vòng/phút, độ cao tìm kiếm cực đại tới 46 km.

Rồi 4 tiểu đoàn còn lại của trung đoàn 276 cũng lần lượt nhận được khí tài của mình ngay những ngày cuối tháng 12 năm 1972.

Thật đáng tiếc, SAM-3 không kịp phóng đạn để cho B-52 no đòn

Tiểu đoàn 169, do tiểu đoàn trưởng, Đại úy Nguyễn Văn Cần chỉ huy, đưa khí tài về trận địa ven sông Cà Lồ, thuộc xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh. Đơn vị đã “phá niêm”, điều chỉnh tham số rất nhanh, mọi chỉ số đều cho phép chiến đấu ngay.

Nhưng dù 169 nhận được đạn sớm nhất, đầu tháng 1 năm 1973, họ cũng như 6 tiểu đoàn của trung đoàn 276 đều không còn cơ hội phóng đạn S-125 đánh B-52.

Đợt tiến công đường không tháng Chạp năm 1972 của không quân Mỹ đã thất bại. Đồng đội của họ ở các tiểu đoàn tên lửa SAM-2 đã lập công lớn, bắn rơi trên 30 máy bay B-52. Thật tiếc cho Trung đoàn 276.

Sau này, Đại tá Phạm Sơn, nguyên Trưởng phòng tác chiến Quân chủng Phòng Không nói đại ý:

"Lúc đó chỉ huy trung đoàn chúng tôi rất sốt ruột, mau chóng tổ chức các trận địa. Mừng nhất là nhận khí tài gấp, không chồng chéo, hành quân nặng, đường xa, về các vị trí an toàn.

Chúng tôi báo cáo trực tiếp đồng chí Phùng Thế Tài, Nguyên tư lệnh quân chủng PK-KQ, bấy giờ là Tổng Tham mưu phó rằng, xin phép mở niêm kẹp chì để chuẩn bị chiến đấu. Đồng chí bảo đại ý Chuyên gia đã sang đâu mà các anh mở.

Phạm Sơn mạnh dạn báo cáo, chúng tôi ký nhận từng bộ từ Ashuluk bên Liên Xô rồi ạ!".

Đồng chí Tổng Tham mưu phó bảo, các cậu chịu trách nhiệm đấy!


Tiếc là SAM-3 chưa kịp phóng đạn đánh B-52. Ảnh: Bình Nguyên.

Tiếc là SAM-3 chưa kịp phóng đạn đánh B-52. Ảnh: Bình Nguyên.

Đại tá Phạm Sơn kể, nghe vậy, cũng lo lắm, nhưng thật ra có tiểu đoàn đã phá niêm ngay, như Tiểu đoàn 167, đã cho radar P-12 mới về bắt mục tiêu B-52, thấy nhiễu trắng lốp!

Khi các chuyên gia Liên Xô sang bàn giao kỹ thuật khí tài tên lửa SAM-3 đều khen bộ đội Việt Nam “sáng tạo”. Cũng có thể chiến thắng B-52 mới vừa xong, chiến công của tên lửa Liên Xô quá chói sáng.

Thời cơ chiến đấu mới là ưu tiên cao nhất, nên các chuyên gia đã không trách cứ gì!

Những người ở Trung đoàn 276 sau này cho rằng, các bộ khí tài S-125 của Liên Xô viện trợ cho Việt Nam ngày ấy khá tốt, bằng chứng là các tiểu đoàn đều điều chỉnh được sai số chiến đấu thấp nhất, như lý thuyết.

Còn thực hành thì radar bắt được mục tiêu ở cự ly xa nhất, như tính năng cho phép. Đài chỉ huy bắn, phóng đạn trên bài tập giả định đều trúng đích cao, trong vùng sát thương hiệu quả.

Nguyên Trung đoàn trưởng Phạm Sơn, nguyên Chính ủy Nguyễn Khắc Chuẩn Trung đoàn 276, cho đến bây giờ vẫn khẳng định rằng:

"Với khí tài tốt như thế, tính năng cao, lại trong tay các kỹ thuật viên, trắc thủ đều là các sinh viên đại học thông minh, nhiệt tình, nếu ngày ấy, không quân Mỹ còn rắp tâm kéo dài đợt tập kích, nhất định dòng tên lửa S-125 của Việt Nam sẽ cùng lập công lớn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại