Trang mạng Topwar (Nga) đăng bài viết nhận định tàu sân bay được coi là một vũ khí tấn công có uy lực cho phép di chuyển sức mạnh quân sự của một quốc gia qua các vùng đại dương. Nhu cầu trang bị tàu sân bay với hải quân Nga xuất hiện khi cân nhắc đến khả năng Nga mở cuộc tấn công chống lại Mỹ.
Dưới đây là nội dung bài viết của Topwar:
Hiện tại, trong biên chế Hải quân Mỹ có từ 10-11 tàu sân bay hạng nặng cùng 8 tàu sân bay đã nghỉ hưu (bao gồm 1 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và 7 tàu chạy bằng năng lượng thông thường). Không quân Mỹ hiện nay có 2.157 máy bay, trong đó có hơn 1.000 chiếc trong lực lượng Không quân vệ binh quốc gia và 1.486 chiếc đang được lưu giữ dài hạn, chưa kể đến số máy bay thuộc bộ tư lệnh lính thủy đánh bộ Mỹ. Mặc dù số lượng máy bay của Mỹ giới hạn trong con số 2.157 nhưng số lượng thực tế sẽ lớn hơn.
Vậy không quân Nga có đủ lực lượng để chống lại số lượng máy bay này của Mỹ hay không? Trước tiên cần nhận thấy rằng Nga không có bất kỳ căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần nào ở khu vực Bắc Mỹ. Nhưng với Mỹ thì ngược lại, trong các chiến dịch không kích chống lại Iraq, Afghanistan, Nam Tư, quân đội Mỹ có một số lượng rất lớn các căn cứ quân sự ở các quốc gia đồng minh với hơn 1 triệu binh lính Mỹ đóng quân. Đây là một lợi thế rất lớn mà cho dù đến thập kỷ sau, Nga cũng không thể tạo được các căn cứ quân sự tại khu vực Bắc Mỹ để làm đối trọng. Như vậy, nếu muốn thực hiện một cuộc không kích vào lãnh thổ Mỹ, Nga có thể sử dụng 2 phương án là dùng các máy bay ném bom chiến lược hoặc các máy bay cất cánh từ tàu sân bay.
Tuy nhiên, hiện tại số lượng các máy bay của không quân Nga có khả năng tấn công các mục tiêu trong nội địa Mỹ (không kể Alaska) là 16 máy bay Tu-160, 32 máy bay Tu-95MS (thêm 60 chiếc đang được lưu trữ), 18 máy bay Su-33 hoặc 24 MiG-29K/KUB (trong tương lai) trang bị trên tàu sân bay Admiral Kuznetsov, tổng cộng là từ 126-132 máy bay.
Để cân bằng về lực lượng (xét về số lượng chưa nói đến chất lượng), quân đội Nga cần từ 18-19 tàu sân bay và 2.157 máy bay. Như vậy, quân đội Nga còn thiếu đến 18 tàu sân bay và 2.025 máy bay chiến đấu để cân bằng với quân đội Mỹ. Nếu tính trung bình 1 tàu sân bay có thể mang theo khoảng 80 máy bay các loại, trừ đi khoảng 10 máy bay trực thăng thì còn khoảng 70 máy bay chiến đấu. Với tổng nhu cầu khoảng 2.025 máy bay, con số này khi chia cho 70 thì sẽ cần khoảng 29 tàu sân bay.
Để cân bằng về lực lượng (xét về số lượng chưa nói đến chất lượng), quân đội Nga cần từ 18-19 tàu sân bay và 2.157 máy bay.
Nhìn chung, nếu muốn xây dựng một lực lượng máy bay đủ sức tấn công lãnh thổ Mỹ, Nga cần phải có trên 10 tàu sân bay.
Ngoài Mỹ, các quốc gia NATO cũng là một lực lượng đối trọng đáng kể với quân đội Nga. Trong biên chế của khối NATO hiện nay gồm có: Mỹ -2.157 máy bay, các quốc gia NATO khác - 2.265 máy bay, số lượng máy bay trên các tàu sân bay khoảng 770-840 trong khi hiện nay không quân Nga chỉ có 1.301 máy bay (khối NATO gấp 4 lần so với Nga), chưa kể đến lợi thế về số tên lửa hành trình phóng từ trên các tàu chiến và máy bay của Mỹ.
Vậy nước Nga cần làm gì để đối trọng với các mối đe dọa từ đội tàu sân bay hùng hậu của đối phương?
1. Với việc Mỹ và khối NATO có từ 10-11 tàu sân bay (con số này có thể lên đến 20 tàu khi Anh, Pháp hoàn thành các dự án đóng tàu sân bay), khối NATO sẽ có lợi thế áp đảo về số lượng máy bay khi so sánh với quân đội Nga. Với số lượng máy bay áp đảo này thì nếu xảy ra một cuộc xung đột trên biển, đội tàu chiến của hải quân Nga khó lòng chống cự được và buộc lòng các tàu chiến của Nga phải di chuyển hoạt động gần bờ dưới sự trợ giúp từ các máy bay cất cánh từ bờ ra.
2. Một cuộc chiến nếu có nguy cơ xảy ra trên nước Nga có thể diễn ra theo nhiều kịch bản khác nhau. Việc sở hữu một lực lượng hải quân có sức cơ động cao là điều tối quan trọng. Bản thân địa hình tại Nga có nhiều ảnh hưởng đến việc sử dụng hải quân như độ sâu mặt nước, thời gian đóng băng ở tuyến đường biển phương Bắc,... những điều này có thể được sử dụng làm lợi thế đối trọng với các tàu sân bay.
Một yếu tố cần nói đến về tên lửa hành trình, đó là cho dù tên lửa hành trình có tầm bắn xa bao nhiêu thì nó đều bị tác động trước bởi một tên lửa khác phóng đi từ máy bay cất cánh từ tàu sân bay nên việc sử dụng tàu mặt nước để tấn công tàu sân bay là không hiệu quả.
3. Lực lượng không quân tầm xa với nhiều căn cứ ở khu vực phía Đông và phía Tây mang theo tên lửa hành trình chống hạm có khả năng đánh chìm các tàu sân bay và đây sẽ là lực lượng tấn công chính của không quân hải quân Nga. Dự án máy bay ném bom thế hệ mới PAK DA dự kiến được biên chế vào năm 2025 sẽ mang theo loại tên lửa chống hạm với tầm bắn lên đến 1.000km cho phép máy bay tấn công biên đội tàu sân bay của đối phương mà không phải vào khu vực phòng không của đội tàu bảo vệ.
4. Tàu ngầm cũng là một vũ khí tiêu diệt tàu sân bay hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát triển các tàu ngầm nguyên tử là cực kì tốn kém, hải quân Nga cần phát triển thêm các tàu ngầm thông thường trang bị công nghệ AIP cùng tên lửa chống hạm để giảm chi phí.