'Dấu ấn ngoại' trên máy bay ném bom tàng hình Trung Quốc

Mới đây, tạp chí Foreign Policy đã đăng tải các bức ảnh được cho là chụp một mô hình máy bay ném bom tàng hình mới của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn vào những bức ảnh này có thể thấy rằng, máy bay ném bom tàng hình tương lai của Trung Quốc là sự kết hợp hoàn hảo của máy bay ném bom tàng hình PAK DA của Nga và máy bay chiến đấu tàng hình YF -23 Black Widow của Northrop, Mỹ...

Đỉnh cao trong chiến thuật "học hỏi công nghệ"

Theo phân tích hình ảnh đồ họa và mô hình thiết kế, máy bay ném bom tàng hình tương lai của Trung Quốc có chiều dài khoảng 28m và sải cánh dài khoảng 22m. Kích thước này nhỏ hơn hẳn so với những máy bay ném bom chiến lược như B -1 Lancer hay Tu-22M nhưng vẫn dài hơn một chút so với máy bay tiêm kích ném bom chiến thuật F -15E Strike Eagle của Mỹ.

Một mô hình được cho là máy bay ném bom tàng hình mới của Trung Quốc. Ảnh: people.com.cn

Dù bị cho là sao chép công nghệ của Nga và Mỹ song mô hình máy bay ném bom tàng hình mới của Trung Quốc vẫn có đặc điểm “made in China”. Đó là hệ thống cửa xả động cơ hình vuông, khác với những thiết kế tròn của động cơ phản lực truyền thống. Sự khác biệt này phần nào cho thấy Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công nghệ chế tạo động cơ phản lực.

Tuy nhiên, theo Foreign Policy, việc nghiên cứu phát triển máy bay ném bom tàng hình là không hề đơn giản bởi nó sẽ tốn rất nhiều chi phí và thời gian. Bên cạnh những thông số cơ bản, chưa có bất kể thông tin cụ thể nào khác về loại máy bay này của Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên, máy bay của Trung Quốc “mượn công nghệ” chế tạo của Nga. Năm 2012, Trung Quốc công bố máy bay J -15 của mình. Mạng tin quân sự Strategypage cho biết, J-15 bắt đầu được phát triển vào năm 2005, ngay từ khi hình ảnh đầu tiên của J -15 xuất hiện, các chuyên gia quân sự nhận thấy nó có rất nhiều điểm giống với Su -33, phiên bản máy bay chiến đấu dành cho tàu sân bay trong quân đội Nga.

Trước đó, Trung Quốc bày tỏ muốn mua hai máy bay Su -33 của Nga để “đánh giá” nhưng bị Mát -xcơ-va từ chối. Dù vậy, cuối cùng Trung Quốc vẫn có được một chiếc Su -33 mua lại của U -crai-na, chiếc máy bay được thừa hưởng sau khi Liên Xô giải thể. Các nguyên mẫu đầu tiên của J -15 được xây dựng trong hai năm và có chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2010. Đầu tháng 11-2012, chiếc máy bay J -15 thứ hai của Trung Quốc đã có chuyến bay đầu tiên của mình. Đây là phiên bản hai chỗ ngồi, trong đó phi công phụ đảm nhận nhiệm vụ điều khiển hệ thống vũ khí, nguyên lý hoạt động gần giống F -15E của Không quân Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc đã lên kế hoạch sản xuất J -15 số lượng lớn để sử dụng cho tàu sân bay Liêu Ninh của mình.

Năm 2011, Trung Quốc cũng đã tung ra hình ảnh bay thử của chiếc Chengdu J -20 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô chế tạo. Đây là loại máy bay tiêm kích tàng hình hai động cơ. Giới chức quân đội Trung Quốc kỳ vọng dòng máy bay thế hệ thứ 5 có khả năng qua mặt ra -đa này sẽ được đưa vào phục vụ trong khoảng thời gian 2017-2019.

Sau nhiều lần bay thử, Bắc Kinh vẫn chưa công bố chi tiết kỹ thuật của chiếc J -20, nhưng dựa trên nghiên cứu các bức ảnh, tạp chí Aviation Week đã đưa ra nhận định về các thông số của loại máy bay này. Theo đó, chiếc Chengdu J -20 mà Trung Quốc đang thử nghiệm mô phỏng từ mẫu thiết kế máy bay tàng hình Mikoyan 1.44 (MiG 1.44) của Nga, loại máy bay chưa được sản xuất hàng loạt. Aviation Week cho rằng, có thể Trung Quốc đã được tiếp cận với các tài liệu liên quan đến thiết kế Mikoyan 1.44 nhưng không rõ sự chuyển giao này có qua con đường chính thức hay không. Tuy nhiên, phía Nga đã bác bỏ việc chuyển giao công nghệ này cho Trung Quốc.

Có thể nói, J-20 được coi là đỉnh cao trong chiến thuật "học hỏi công nghệ" từ nước ngoài khi chế tạo máy bay của Trung Quốc. Dù phải mất nhiều năm thử nghiệm nữa, nhưng việc tung ra J -20 vẫn đưa Trung Quốc gia nhập vào câu lạc bộ những quốc gia ít ỏi trên thế giới có máy bay chiến đấu tàng hình. Hiện chỉ có Mỹ đang sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình tương đương thế hệ với Chengdu J -20 là F -22 Raptor. Còn chiếc Sukhoi T -50 của Nga phải mất vài năm nữa mới có thể đưa vào phục vụ cho quân đội.

Đối tác -đối thủ trên thương trường

Việc “học hỏi công nghệ” chế tạo máy bay từ nước ngoài và cải tiến theo nhu cầu của mình đã tạo lợi thế cho Trung Quốc, từ quốc gia nhập khẩu sang xuất khẩu vũ khí. Báo chí Nga cho hay, hiện nay Nga và Trung Quốc đang cạnh tranh trên thị trường vũ khí thế giới. Năm 2009, JF-17 của Trung Quốc và MiG -29 của Nga tranh hợp đồng máy bay chiến đấu của Mi -an-ma, kết quả Nga đã thắng.

Năm 2010, hai nước tiếp tục đối mặt tại thị trường vũ khí Ai Cập. Trong nhiều năm, phía Nga đã cố gắng thuyết phục Ai Cập mua khoảng 40 máy bay MiG -29 nhưng đã không thành công, do Trung Quốc liên kết với Pa -ki-xtan đề nghị giúp Ai Cập lắp ráp sản xuất máy bay chiến đấu JF -17, giá mỗi chiếc chỉ 10 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 35 triệu USD của MiG -29.

Mặc dù vậy, công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu của Nga vẫn có ưu thế vượt trội hơn nhiều so với Trung Quốc. Do đó, bất chấp việc có thể bị “sao chép công nghệ”, Mát-xcơ-va tuyên bố sẽ cung cấp máy bay tiêm kích hiện đại Su -35 cho Bắc Kinh vào cuối năm nay. Theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 6-6 vừa qua, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ quốc gia Nga Rostec Chê -mê-rốp (Chemezov) cho biết, Mát-xcơ-va sẽ kết thúc đàm phán với Trung Quốc về việc cung cấp máy bay tiêm kích Su -35 vào cuối năm nay.

Su-35 là máy bay tiêm kích đa năng, siêu cơ động, thế hệ 4++. Không chỉ là một biến thể hiện đại hóa sâu, Su-35 còn được trang bị những công nghệ tiên tiến được áp dụng cho máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 cho phép nó hoàn toàn vượt trội so với những máy bay tiêm kích cùng thế hệ. Phía Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm tới máy bay tiêm kích hiện đại Su -35 của Nga từ lâu. Phía Nga cũng coi đây là một trong những hợp đồng xuất khẩu tiềm năng đối với ngành công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, do “một số vấn đề kỹ thuật” mà tiến trình đàm phán ký kết hợp đồng này vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Theo giới truyền thông, Nga có lo ngại về việc Trung Quốc sẽ sao chép những công nghệ tiên tiến trên Su -35. Tuy nhiên, Mát-xcơ-va vẫn lạc quan với các thương vụ bán máy bay cho Trung Quốc, bởi lẽ khi Bắc Kinh sở hữu được chiếc máy bay “sao chép” công nghệ của Nga thì xứ sở Bạch Dương đã cho “ra lò” loại máy bay có công nghệ tiên tiến, hiệu quả hơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại