Đặt tăng Arjun MkII Ấn Độ và Type 99 Trung Quốc lên bàn cân

Việt Đức |

(Soha.vn) - Trong khi Arjun được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại của Israel thì Type 99 lại có pháo tăng mạnh mẽ của Nga.

Ấn Độ và Trung Quốc đang tích cực đưa vào trang bị nhiều loại vũ khí nội địa mới, trong đó đáng chú ý là xe tăng chiến đấu chủ lực. Nếu Trung Quốc "vỗ ngực" vì có tăng Type 99 thì Ấn Độ cũng không chịu kém cạnh với xe tăng Arjun. Tuy nhiên, đứng trước một đối thủ được mệnh danh là "chuyên gia sao chép", liệu sản phẩm đầu tay của nền công nghiệp xe tăng Ấn Độ có chiếm ưu thế?

Thiết kế

Type 99 được phát triển dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực Type 98 (phát triển dựa theo xe tăng T-72 của Nga).

Theo trang mạng Army technology, Type 99 có thiết kế tháp pháo kiểu phương Tây, phía trước được bổ sung thêm giáp hộp hai bên tháp pháo.

Nhìn chung, Type 99 là một thiết kế “lẩu thập cẩm” pha trộn giữa thiết kế của xe tăng M1A1 của Mỹ, Leopard 2 của Đức, Merkava của Israel và T-72 của Nga.

Trong khi đó, Arjun là xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên được phát triển hoàn toàn tại Ấn Độ. Về mặt thiết kế, không khó để nhận ra rằng Arjun có nhiều điểm giống với xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A5 của Đức.

Hệ thống bảo vệ

Army Technology cho biết Type 99 được trang bị giáp hỗn hợp (không được tiết lộ), phía trước tháp pháo trang bị thêm lớp giáp composite kiểu module, thiết kế này cho phép thay thế các tấm giáp bị hư hỏng trong quá trình chiến đấu. Độ dày giáp bảo vệ phía trước xe khoảng 1.000-1.200mm.

Truyền thông Trung Quốc từng tung hô áo giáp trên xe tăng Type 99 có thể chịu được đạn 125mm trên xe tăng T-72 bắn vào đến 7 lần ở khoảng cách 1.800m. Tuy nhiên, tuyên bố này chưa bao giờ được kiểm chứng.

Theo một số nguồn tin xe tăng Type 99 còn được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động APS bằng tia laser, hệ thống được biết đến với tên gọi JD-3 hoặc ZM87, có khả năng phát ra các chùm tia laser năng lượng cao làm phá hủy hệ thống điện tử và gây mù cho người sử dụng hệ thống quang điện của đối phương. Chùm laser năng lượng cao này có thể gây mù tạm thời cho con người ở cự ly tới 10km.

Bộ binh đi kèm với xe tăng Type 99 được khuyến cáo là không nhìn vào xe tăng khi kích hoạt JD-3 vì có thể gây mù nếu bị tia laser quét qua. Tuy nhiên, việc phát triển và trang bị hệ thống này đang vướng phải lệnh cấm của Liên Hợp Quốc trong việc phát triển các loại tia laser gây lóa mắt.

Arjun(ở trên) và Type-99(ở dưới) đều là những thiết kế sao chép lại từ các mẫu xe tăng của nước ngoài.

Arjun (ở trên) và Type 99 (ở dưới) đều là những thiết kế sao chép lại từ các mẫu xe tăng của nước ngoài.

Arjun trang bị giáp module tổng hợp Kanchan, được đánh giá “kiệt tác” của công nghệ luyện kim Ấn Độ. Áo giáp này gồm có các lớp giáp composite xen lẫn giữa các lớp giáp cán đồng nhất, giúp chống chịu tốt hơn với các loại đạn xuyên giáp.

Biến thể nâng cấp Arjun MkII được bổ sung thêm giáp cảm ứng nổ ERA tương tự loại Kontakt-5 của Nga hai bên tháp pháo, giúp bảo vệ xe tốt hơn trước vũ khí chống tăng. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang xúc tiến chương trình phát triển hệ thống phòng vệ chủ động Aids cho xe tăng Arjun.

Hệ thống điện tử

Arjun được trang bị 8 kính tiềm vọng cung cấp khả năng quan sát 360 độ. Trưởng xe được trang bị 1 hệ thống quan sát ảnh nhiệt độc lập, trong khi pháo thủ được trang bị hệ thống quan sát mục tiêu ảnh nhiệt hỗ trợ bởi hệ thống độc lập của chỉ huy.

Type-99(ở trên) có lợi thế hơn Arjun(ở dưới) về hệ thống hỏa lực.

Về hệ thống điện tử Arjun có lợi thế hơn Type 99 nhờ nhận được sự trợ giúp công nghệ từ Israel.

Biến thể nâng cấp Arjun MkII được trang bị hệ thống quan sát ảnh nhiệt tiên tiến. Với hệ thống mới này, Arjun MkII sẽ có khả năng “truy lùng-tiêu diệt” mục tiêu. Máy tính đường đạn kỹ thuật số cung cấp khả năng bắn chính xác đến 90% khi xe đang di chuyển. Hệ thống điều khiển hỏa lực trên Arjun MkII được phát triển với sự trợ giúp của hãng Elbit Systems (Israel).

Hệ thống điện tử của xe tăng Type 99 dựa trên 2 hệ thống quang truyền hình và hồng ngoại, chỉ huy xe tăng được trang bị hệ thống quan sát toàn cảnh với 6 kính tiềm vọng. Một điều khá đặc biệt của Type 99 là chỉ huy và pháo thủ đều có thể nhìn thấy mục tiêu trên 2 màn hình hiển thị phía trước mặt.

Hệ thống ảnh nhiệt của Type 99 có khả năng phóng đại 11,4 lần khi quan sát phạm vi hẹp, 5 lần khi quan sát phạm vi rộng. Type 99 được trang bị máy tính đường đạn ổn định 2 trục có khả năng bắn trong khi xe đang di chuyển ở tốc độ thấp. Về hệ thống điện tử Arjun có lợi thế hơn nhờ nhận được sự trợ giúp công nghệ từ Israel.

Hệ thống vũ khí

Type 99 được trang bị pháo chính nòng trơn sao chép từ pháo 2A46 125mm giống như trên xe tăng T-72 của Nga. Trung Quốc từng tuyên bố rằng pháo 2A46 sau khi qua “bàn tay” cải tiến của họ cho sức mạnh vượt trội đến 45% so với nguyên bản của Nga.

Pháo chính còn có khả năng phóng tên lửa chống tăng AT-11 của Nga qua nòng pháo. Tuy nhiên, tính năng này chỉ sử dụng được khi xe đang đứng yên. Type 99 dùng hệ thống nạp đạn tự động với 22 đạn pháo rổ quay, số còn lại khoảng 20 viên được lưu trữ trong khoang tháp pháo và phải nạp bằng tay. Về mặt lý thuyết, hệ thống nạp đạn tự động có khả năng bắn 7-8 viên/phút nhưng thực tế ít hơn nhiều.

Biến thể nâng cấp Arjun MkII(ở trên) và biến thể Type-99 A2(ở dưới)

Biến thể nâng cấp Arjun MkII (ở trên) và biến thể Type 99 A2 (ở dưới)

Trong khi đó Arjun, được trang bị pháo chính nòng xoắn 120mm nạp đạn bằng tay tương tự như pháo chính trên xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 của Anh. Pháo nòng xoắn được đánh giá là có độ chính xác cao hơn ở tầm xa so với pháo nòng trơn nhưng khả năng xuyên giáp yếu hơn. Ngoài ra, Arjun còn được trang bị tên lửa chống tăng Lahat do Israel sản xuất.

Cả 2 xe tăng đều được trang bị thêm súng máy đồng trục 7,62mm, đại liên phòng không 12,7mm.

Khả năng cơ động

Arjun được trang bị động cơ diesel MTU MB 838 Ka-501 của Đức, công suất 1.400 mã lực, tốc độ di chuyển tối đa khoảng 60km/h.

Type 99 trang bị động cơ diesel MTU MB871 Ka-501 công suất 1.500 mã lực. Do khối lượng chiến đấu của Type 99 khoảng 54 tấn so với 60 tấn của Arjun MkII nên tốc độ tối đa của Type 99 đạt khoảng 80km/h.

Nhìn chung, do là những quốc gia đi sau trong phát triển vũ khí nói chung và xe tăng nói riêng nên cả Ấn Độ và Trung Quốc đều phải dựa vào những mẫu thiết kế xe tăng của nước ngoài làm cơ sở phát triển xe tăng của họ. Trong khi Arjun được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại của Israel thì Type 99 lại có pháo tăng mạnh của Nga. Cho tới thời điểm hiện tại, thực lực chiến đấu của 2 loại xe tăng này đều chưa được kiểm chứng thực tế. Trong đó, sức mạnh thực sự của xe tăng Type 99 vẫn là một dấu hỏi lớn đối với các chuyên gia bởi Trung Quốc luôn huênh hoang gọi xe tăng Type 99 của họ là “Ông vua châu Á”.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại