Thổ Nhĩ Kỳ bị tố "chơi xấu" trong vụ bắn rơi trực thăng Syria

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Không ai biết chắc chắn liệu Mi-17 có đúng là đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ do nhầm lẫn, hay đây lại là một hành động để Syria ‘thử’ hệ thống phòng không của NATO.

Chiều ngày 16/09 vừa qua, một trực thăng vận tải quân sự Mi-17 của Syria bị chiến đấu cơ F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trên vùng trời biên giới hai nước.

Xác chiếc trực thăng Mi-17 của Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 16/9
Xác chiếc trực thăng Mi-17 của Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 16/9

Chiếc Mi-17 bị Trung tâm điều hành bay Diyarbakir phát hiện và theo dõi lúc 13h41 (giờ địa phương), khi nó đang trong không phận Syria và cách biên giới 2 nước khoảng 50km. Diyarbakir liên tục phát nhiều tín hiệu cảnh báo cho Mi-17 cho đến khi nó còn cách biên giới 9km.

Trực thăng Syria bay vượt biên giới vào lúc 14h25 tại tỉnh Hatay, ở độ cao 4.300m và đi sâu vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ 2km. Hai chiến đấu cơ F-16, khi đó đang bay tuần tra gần đó, được lệnh chuyển hướng và chặn chiếc Mi-17. Trực thăng của Syria trúng tên lửa từ F-16 vào lúc 14h27 và rơi trong lãnh thổ Syria, cách đường biên giới 1km.

Dữ liệu từ radar của phía Thổ Nhĩ Kỳ
Dữ liệu từ radar của phía Thổ Nhĩ Kỳ

Bên trên là những thông tin chi tiết do phía Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Theo lời phía Thổ Nhĩ Kỳ, trực thăng Syria đã xâm phạm không phận của nước này và phớt lờ các lời cảnh báo.

Còn theo phía Syria, chiếc Mi-17 đang thực hiện một phi vụ trinh sát, theo dõi các phần tử phiến loạn vượt biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria, thì vô tình bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, nó được đài chỉ huy mặt đất thông báo và hướng dẫn quay lại. Tuy nhiên khi đang trên đường rời khỏi không phận Thổ Nhĩ Kỳ, nó đã bị bắn hạ. Phía Syria theo đó đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cố tình leo thang căng thẳng.

Clip quay lại cảnh Mi-17 đang rơi

Xác chiếc Mi-17 trên mặt đất

Phép thử của Syria hay Thổ Nhĩ Kỳ trả đũa?

Không ai biết chắc chắn liệu Mi-17 có đúng là đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ do nhầm lẫn, hay đây lại là một hành động để ‘thử’ hệ thống phòng không của NATO tương tự như khi 2 chiếc Su-24 xuất kích hướng đến đảo Síp.

Nhưng dù nguyên nhân thật sự là như thế nào thì nhiều người vẫn quan ngại về cách hành xử của phía Thổ Nhĩ Kỳ trong sự việc này. Theo như thông tin của cả 2 phía cung cấp, chiếc Mi-17 chỉ mới vừa đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và bị bắn hạ khi đang quay về Syria.

Một chiếc F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ
Một chiếc F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoài ra, F-16 khai hoả ngay lập tức mà không hề có cảnh báo gì. Theo thông lệ quốc tế, khi một máy bay lạ xâm nhập không phận một nước, nó thường được cảnh báo nhiều lần qua radio. Và các chiến đấu cơ khi lên đến gần máy bay lạ cũng sẽ tiếp tục báo hiệu lại lần nữa. Khi máy bay lạ đã chuyển hướng bay ra, chiến đấu cơ chỉ bay kèm cho đến khi nó rời khỏi không phận. Lệnh khai hoả chỉ được đưa ra nếu như máy bay lạ có dấu hiệu thù địch rõ ràng, và quá trình này thường kéo dài chứ không chỉ 2 phút như trong trường hợp này.

Có khả năng rằng hành động ‘hấp tấp’ này là để trả đũa vụ Syria bắn rơi một máy bay trinh sát của Thổ Nhĩ Kỳ mình vào ngày 22/06/2012. Khi đó, một chiếc RF-4, phiên bản trinh sát điện tử của chiến đấu cơ F-4 Phantom, của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi bên trên Địa Trung Hải. Theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, khi đó chiếc RF-4 đang bay trong không phận quốc tế. Tuy nhiên, theo Syria, nó đã bên trong không phận Syria và đang do thám một vị trí phòng không của nước này.

Một chiếc F- 4 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ
Một chiếc F- 4 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ

Nhưng cũng có thể đây chỉ là một sự việc tiêu biểu cho mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng. Trong quá khứ, những vụ việc tương tự không phải là hiếm, chỉ khác là Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đóng vai kẻ xâm nhập. Ngày 14/09/1983, 2 chiến đấu cơ F-100F của Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận Iraq. Một trong hai chiếc bị trúng tên lửa từ máy bay Mirage F-1EQ của Iraq và rơi gần biên giới, phi công may mắn sống sót và có thể trở về nước.

22/07/1974, 2 chiếc F-102 của Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập không phận Hy Lạp, 2 chiếc F-5A xuất kích và giao chiến với đối phương. Một chiếc F-102 bị bắn hạ, chiếc còn lại rơi khi đang cố gắng hạ cánh khẩn cấp. Ngày 08/10/1996, một chiếc F-16D của Thổ Nhĩ Kỳ bị Mirage-2000 của Hy Lạp bắn rơi khi đang trong không phận Hy Lạp.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại