Theo đó, hồi cuối tháng 5/2013, Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản đã tiếp nhận 2 chiếc đầu tiên trong phi đội máy bay tuần tra chống tàu ngầm thế hệ mới P-1, việc tiếp nhận này diễn ra giữa lúc căng thẳng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đang tăng cao.
Báo chí Nhật cho hay, 2 máy bay P-1 sẽ được triển khai tại căn cứ không quân Atsugi ở tỉnh Kanagawa. Theo nguồn tin trên, buổi lễ báo hiệu sự mở đầu cho các kế hoạch của Lực lượng phòng vệ trên biển nhằm triển khai 7 chiếc máy bay công nghệ cao vào tháng 3/2014 và tổng cộng 70 chiếc P-1 trong dài hạn, các quan chức Nhật Bản cho biết.
Phi đội P-1 sẽ thay thế hơn máy bay P-3 Orion nhiều tuổi mà Lực lượng phòng vệ trên biển hiện đang sử dụng. Đánh giá về sức mạnh của P-1, tờ nguyệt san “Nghiên cứu quân sự“ Nhật Bản cho biết, máy bay chống ngầm P-1 được coi kẻ thù số 1 của tàu ngầm Trung Quốc. Theo đó, P-1 được trang bị radar tìm kiếm HPS-106, áp dụng công nghệ mảng pha điện tử chủ động. HPS-106 có thể phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm ngay cả khi bay ở độ cao lớn.
Về sonar, P-1 có thể mang theo 100 chiếc phao sonar gồm cả phao chủ động lẫn phao bị động, 30 chiếc lắp sẵn và 70 chiếc triển khai trong khoang. Việc đưa vào sử dụng hệ thống sonar và thiết bị xử lý âm thanh hiện đại giúp cho P-1 có khả năng trinh sát phát hiện những tàu ngầm chạy êm nhất, lặn sâu hàng trăm mét. Không những thế, nó còn có thể phán đoán được hình dạng và tính năng sơ bộ của tàu ngầm rồi lặng lẽ theo dõi.
Về vũ khí, P-1 có thể mang trọng lượng tối đa gồm 9 tấn vũ khí các loại. Với khả năng hiện có, rõ ràng P-1 sẽ là khắc tinh của bất cứ tàu ngầm nước ngoài nào muốn xâm nhập vào vùng biển Nhật Bản.
Không chỉ tăng cường cho lực lượng trên không, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản còn tăng cường sức mạnh cho lực lượng tàu ngầm. Theo đó, cũng trong tháng 3/2013, Nhật bàn giao tàu ngầm AIP thứ 5.
Thông tin trên được Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, theo đó, Lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản đã tiếp nhận tàu ngầm mang số hiệu 505 lớp “Soryu” từ nhà máy đóng tàu Kobe, trực thuộc công ty công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries). Trong buổi lễ, đã tiến hành lễ trao quân kỳ cho chiếc tàu ngầm thứ 5 lớp “Soryu” này, nó cũng là chiếc tàu ngầm kiểu AIP thứ 5 mà Nhật Bản tự đóng (mang số hiệu từ 501 - 505).
Chiếc tàu ngầm tấn công lớp Soryu đầu tiên được Nhật Bản hoàn thành năm 2009 và được đặt theo tên của chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Đế chế Nhật - Soryu. Tàu ngầm lớp Soryu chạy năng lượng Diesel và được trang bị 4 động cơ Stirling 4V-275R Mk-III hoạt động không cần không khí do Kawasaki Heavy Industries nghiên cứu chế tạo.
Tàu có thể chạy với tốc độ 24 km/h khi nổi và 37 km/h khi lặn. Tàu ngầm tấn công lớp Soryu có lượng giãn nước 2,900 tấn, chiều dài 84m, cao 9,1m. Tàu ngầm lớp Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi chống hạm cỡ 533-mm, loại đạn phổ biến có thể dùng là Type 89. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Soryu còn được trang bị tên lửa tấn công UGM-84 Harpoon.
Tiếp tục kế hoạch tăng cường sức mạnh cho Lực lượng bảo vệ trên biển, cuối tháng 11/2013 vừa qua, Nhật Bản đã tổ chức lễ tiếp nhận tàu tuần tra Akitsushima có lượng giãn nước tới 6.500 tấn. Phát biểu tại buổi lễ, Sĩ quan chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) Yuji Sato bày tỏ hy vọng tàu Akitsushima sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tuần tra các khu vực lãnh hải quanh Nhật Bản, trong đó có các khu vực đang tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Tàu tuần tra Akitsushima mang số hiệu PLH-32 là chiếc tàu thứ 2 thuộc lớp Shikishima. Đây là một trong những chiếc tàu tuần tra lớn nhất thế giới với chiều dài 150m, rộng 17m, lượng giãn nước lên đến 6.500 tấn. Tàu có dự trữ hành trình rất lớn, có khả năng di chuyển một mạch từ Nhật Bản đến châu Âu mà không cần tiếp thêm nhiên liệu.
Tàu được trang bị 2 pháo 40mm và 2 pháo 20mm, ngoài ra tàu còn được trang bị vòi rồng điều khiển tự động, sân đỗ và nhà chứa cho 2 trực thăng tuần tra, cứu hộ. Dự kiến tàu sẽ đóng tại cảng của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ở Yokohama.
Ngoài việc tăng cường máy bay, tàu chiến, trong năm 2013 đã đánh dấu sự kiện được coi lá mốc son với Lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản khi nước này tiến hành hạ thủy thành công chiếc tàu sân bay trực thăng hạng nặng JDS Izumo.
Con tàu có lượng giãn nước lên đến 27.000 tấn, dài 248m, rộng 38m, mớn nước 7,5m, con tàu này không chỉ là tàu chiến lớn nhất Nhật Bản mà còn là sát thủ săn ngầm lớn nhất thế giới. Với kích cỡ này, tuy chỉ được coi là khu trục chở trực thăng nhưng con tàu thậm chí lớn hơn cả tàu sân bay hạng nhẹ Cavour của Italy (dài 244m). Theo kế hoạch, con tàu sẽ chính thức bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vào tháng 3/2015.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt, việc Nhật Bản hạ thủy tàu Izumo sẽ nâng cao khả năng điều vận binh lính và năng lực tác chiến đổ bộ của Hải quân Nhật Bản. Điều này nhất định sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tác chiến của Hải quân Trung Quốc.
Lo lắng của chuyên gia Lý Kiệt cũng là mối lo lắng lớn nhất với Trung Quốc và ngay lập tức nước này lên tiếng chỉ trích: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại về việc Nhật Bản không ngừng tăng cường trang thiết bị quân sự. Xu hướng này khiến các nước láng giềng châu Á của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế phải cảnh giác cao“- Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh: “Nhật Bản nên học hỏi từ lịch sử, tuân thủ chính sách tự vệ và tôn trọng lời hứa đi theo con đường phát triển hòa bình“.