Đầu tiên là xe thiết giáp chở quân CM-32. Việc sản xuất xe bọc thép này được coi là tiến bộ vượt bậc của nền công nghiệp quốc phòng Đài Loan.
Xe bọc thép CM-32 là sản phẩm của công ty công nghệ Timoney. Dòng xe này được bắt đầu phát triển từ năm 2002, sản xuất ban đầu với số lượng nhỏ bắt đầu từ năm 2007.
Theo công bố từ nhà sản xuất, CM-32 có thể chịu được đạn xuyên giáp cỡ nòng 7,62 mm trên toàn bộ thân xe, phần vòng cung phía trước chịu được đạn 12,7 mm. Cấu hình vũ khí của CM-32 có thể tùy chọn pháo 20mm, súng phóng lựu 40 mm, pháo 105 mm hoặc cối 120 mm.
Phần đáy xe được thiết kế hình chữ V có khả năng chống chịu vụ nổ mìn tương đương 12 kg TNT. CM-32 có ê kíp vận hành 2 người, nó có thể chở theo 8 binh lính với đầy đủ trang bị.
Theo một số nguồn tin, dự kiến Đài Loan sẽ sản xuất khoảng 1.400 chiếc CM-32 nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang của hòn đảo này.
Đáng lưu ý, cuộc tập trận có sự tham gia của các pháo tự hành diệt tăng thiết kế trên khung gầm CM-32 lắp pháo 105mm.
Ngoài xe thiết giáp CM-32, cuối năm 2014 vừa qua, Đài Loan cũng chính thức ra mắt chiếc tàu tên lửa cao tốc Tou River đầu tiên do hòn đảo này tự nghiên cứu và chế tạo. Đây là chiếc đầu tiên trong dự án chế tạo 12 tàu tên lửa cao tốc loại 500 tấn mới Catamaran do Đài Loan tự phát triển.
Tàu được thiết kế với cấu trúc 2 thân, tạo ra khả năng xuyên sóng cao, kết hợp với hệ thống động cơ mạnh, có thể di chuyển đến tốc độ tới 38 hải lý/h. Mặc dù có lượng giãn nước khá nhỏ, nhưng Tuo River lại được Đài Loan trang bị cho nó hệ thống vũ khí tấn công cực mạnh, bao gồm 16 ống phóng tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong 3.
Tên lửa chống hạm Hùng Phong 3 mà chiến hạm Tuo River được trang bị đạt tầm bắn xa 130km, tốc độ bay Mach 2. Sự kết hợp giữa số lượng tên lửa, tốc độ và tính năng tàng hình của con tàu giúp cho nó được giới quân sự Đài Loan đánh giá rất cao.
Với khả năng đánh chìm tàu sân bay, tên lửa Hùng Phong 3 trên tàu tên lửa Tuo River sẽ giúp Đài Loan có thêm một loại vũ khí lợi hại, tạo lợi thế nếu phải đối đầu với Hải quân Trung Quốc. Tuo River được hạ thủy hồi tháng 3/2014 và dự kiến sau khi hoàn thành thử nghiệm, nó sẽ được Đài Loan biên chế vào đầu năm 2015.
Ngoài những loại vũ khí kể trên, Đài Loan đã phát triển thành công tên lửa Hùng Phong 2E. Tên lửa Hùng Phong-2E có chiều dài 6,25 m, đường kính 0,50 m, trọng lượng khoảng 1.600 kg, và mang đầu đạn 200 kg (có nguồn nói 400-450 kg).
Tên lửa có tầm bắn trên 600km đã được triển khai khu vực phía Bắc đảo Đài Loan, hiện hòn đảo này đã hoàn tất việc triển khai các hệ thống chỉ huy, điều khiển, kiểm soát và điều phối mục tiêu cho 3 trung đội được trang bị Hùng Phong – 2E.
Ngoài ra, Đài Loan còn phát triển thành công tên lửa Ray Ting 2000. Đây là sản phẩm của các nhà khoa học quân sự thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Chung-shan. Nó có thể khởi động 40 tên lửa trong vòng 1 phút ở phạm vi 45 km.
Ray Ting 2000 có thể gắn trên xe tải và chỉ mất 8 phút để triển khai hoạt động. Hiện Đài Loan có kế hoạch sản xuất 50 hệ thống tên lửa loại này với chi phí 14,5 tỷ Đài tệ (483 triệu USD).
Các tên lửa mới có khả năng vô hiệu hóa quân đổ bộ của đối phương từ trước khi tiến được đến bờ. Tên lửa được gắn trên xe tải nhằm tăng tính cơ động. "Sau khi được trang bị các vũ khí mới, khả năng chống lại quân đổ bộ của quân đội Đài Loan sẽ tăng lên nhiều lần", tờ Liberty Times dẫn lời một quan chức quân sự Đài Loan nói.