Bài báo này được xuất bản sau khi cựu Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan Michael Tsai tiết lộ trong một cuốn sách rằng từ năm 2008 Đài Loan đã chế tạo thành công một loại tên lửa tầm trung có thể điều khiển và có thể được sử dụng để chống lại “đối thủ” Trung Quốc.
China Times – một tờ báo thuộc chính quyền Đài Loan đã trích dẫn một “nguồn tin bí mật trong giới quân sự” và lời ông Michael Tsai cho biết, loại tên lửa này có tên "Yun Feng" (Vân Phong) được Viện Khoa học và Công nghệ Chung-shan phát triển, có tầm bắn trên 1.000 km (một số nguồn tin khác nói rằng tầm bắn là 1.200km), tốc độ bay đạt Mach 3 (gấp 3 lần tốc độ âm thanh) hoặc cao hơn. Phiên bản kế tiếp đã được nâng cấp còn có thể đạt tầm bắn 2.000 km, nguồn tin từ Bộ quốc phòng cho biết.
Đài Loan dự định, kể từ đầu năm 2014 sẽ triển khai những tổ hợp tên lửa này trên những ngọn núi ở miền Trung và nhắm thẳng tới những mục tiêu quân sự bao gồm cả những sân bay và căn cứ tên lửa của Trung Quốc đang được đặt dọc theo bờ biển phía đông nam của đại lục bao gồm cả những thành phố lớn và quan trọng như Thượng Hải.
Cũng theo nguồn tin mà tờ China Times có được, từ năm 1966 Đài Loan đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển loại tên lửa này để chống lại những mối đe dọa của Trung Quốc, đặc biệt là sau vụ Trung Quốc bắn thử tên lửa vào những mục tiêu nằm gần Đài Loan.
Viện Khoa học và Công nghệ Chung-shan đã phát triển tên lửa “Phong Vân” cùng với sự trợ giúp của một quốc gia châu Âu nhưng nguồn tin từ quân đội Đài Loan không cho biết đó là quốc gia nào.
Cũng trong ngày 18/3, China Times đã liên lạc với Bộ Quốc phòng Đài Loan để hỏi về bình luận của họ đối với thông tin này nhưng phía Bộ quốc phòng đã từ chối với lý do việc đó gây tổn hại đến an ninh.
Tuy nhiên, trên thực tế con số 50 tên lửa này chỉ mang tính phòng thủ “tượng trưng” bởi nó quá nhỏ bé so với con số 1.600 tên lửa mà các chuyên gia quân sự của Đài Loan cho rằng Trung Quốc đã triển khai để nhắm bắn sang Đài Loan.
Tên lửa chống hạm Hùng Phong 3 của Đài Loan
Bên cạnh số tên lửa Vân Phong này, trước đây Đài Loan đã triển khai một số tổ hợp tên lửa di động Hùng Phong 2E (Hsiung Feng) và tên lửa chống hạm cũng do chính Viện Khoa học và Công nghệ Chung-shan phát triển.
Tuy vậy, khó có thể nói đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ nổ ra bởi chính cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Lin Chong Pin đã từng có lần thừa nhận, Trung Quốc có rất nhiều cách để “thâu tóm Đài Loan” mà đơn giản và “rẻ tiền” nhất là tăng cường đầu tư vào hòn đảo này để từng bước “mua lại” toàn bộ Đài Loan. “Đây là phương pháp rẻ tiền hơn nhiều so với việc phát động chiến tranh, tấn công và xâm chiếm Đài Loan”, Lin Chong Pin nói.
Căn thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc đã hạ nhiệt khá nhiều kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền điều hành chính quyền hòn đảo này với quan điểm thân Bắc Kinh hơn.
Điều đáng nói là việc Đài Loan quyết định phát triển, sản xuất và triển khai loại tên lửa tầm trung này đã vi phạm vào thỏa thuận khống chế công nghệ tên lửa (MTCR) nhưng một nguồn tin từ chính quyền Đài Loan đã phát biểu rất cứng rắn: “Đây là sự vi phạm MTCR 1.000% nhưng tôi không quan tâm người Mỹ nghĩ gì. Thay vì giám sát tên lửa Đài Loan, Mỹ nên để mắt đến những tên lửa của PLA (quân giải phóng Trung Quốc) thì hơn”.