Đài Loan chê tàu ngầm hạt nhân, tên lửa Trung Quốc kém

Ngày 15/04 vừa qua, trang mạng “focustaiwan” có bài phân tích: Tàu ngầm 094 lớp “Tấn”, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm “Cự Lang-2” (JL-2) và ngay cả tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-41 (DF-41) của Đại Lục đều đang ở trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển hoặc thử nghiệm, chưa được triển khai tại bất cứ căn cứ quân sự nào.

Trong một cuộc điều trần, Cục trưởng Cục an ninh Đài Loan đã khẳng định, theo nguồn tin đáng tin cậy, tàu ngầm 094 lớp “Tấn” và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm “Cự Lang-2” (JL-2) đều chưa được bố trí tại bất cứ căn cứ hải quân nào của Trung Quốc.

Trong khi trả lời chất vấn về tình hình phát triển vũ khí mới của Đại Lục ông còn cho biết thêm, ngay cả tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-41 (DF-41) cũng chưa được triển khai, cả 3 loại vũ khí này đều vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển chưa hoàn thiện.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc

Ông Thái Đắc Thắng cũng cho biết, tốc độ phát triển công nghệ vũ khí quân sự của Đại Lục đang được đẩy nhanh, tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn phát triển công nghệ vũ khí then chốt, Trung Quốc thường gặp những khó khăn nhất định trong đột phá công nghệ.

Cả 3 loại vũ khí này đều thuộc dạng công nghệ đỉnh cao của thế giới. Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 thuộc loại tên lửa đa đầu đạn phân hướng, đa phương thức dẫn đường (MIRV) nên Bắc Kinh chưa làm chủ được công nghệ này. Xét về mặt lí thuyết, tên lửa DF-41 có thể mang tối đa 10 đầu đạn nhưng trên thực tế, các chuyên gia Mỹ cho rằng Trung Quốc mới làm chủ được công nghệ 3 đầu đạn phân hướng và dẫn đường độc lập.

Thới gian qua, tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Tấn của Trung Quốc cũng đã nhiều lần xuất hiện trên biển nhưng được cho là chưa hoàn thiện về công nghệ tàng hình và chất lượng lò phản ứng hạt nhân, thậm chí nó còn bị các chuyên gia Mỹ chế nhạo là chạy ồn hơn loại tàu ngầm Nga chế tạo vào thập niên 80 thế kỷ trước.

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Tấn (094)

Theo số liệu của Trung Quốc, mỗi tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn có thể mang theo 12 quả tên lửa JL-2, mỗi quả mang 10 đầu đạn với tầm bắn từ 10.000 - 14.000 km. Hiện loại tên lửa được Trung Quốc chế tạo trên cơ sở tên lửa JL-1 và công nghệ đầu đạn của DF-41 này cũng đang bị đánh giá là thiếu tính tin cậy và quá nặng.

Tuy đã thử nghiệm thành công tháng 8 năm ngoái nhưng việc chưa làm chủ được công nghệ thu gọn đầu đạn và kích cỡ tên lửa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm phóng và khả năng hành trình làm cho tàu ngầm lớp Tấn không đảm bảo tính năng tác chiến thực tế.

Cục trưởng Thái Đắc Thắng nhận xét, tuy Đại Lục đã có nhiều tiến bộ trong giải quyết các nút tắt về công nghệ so với trước đây, nhưng điều đó không có nghĩa là các hệ thống vũ khí do họ sản xuất theo công nghệ “nhái” của nước ngoài đã đảm bảo được tính năng thiết kế sơ bộ.

Vụ thử tên lửa JL-2 từ tàu ngầm lớp Tấn tháng 8/2012

Chính vì vậy, theo nguồn tin của Đài Loan, hiện nay cả 3 loại vũ khí được xem là “đỉnh” nhất của Trung Quốc đều chưa được triển khai ở bất cứ căn cứ quân sự nào. Thông tin này được đánh giá là có độ tin cậy cao vì thực tế từ trước đến nay, mỗi khi có một loại vũ khí hiện đại nào được đưa vào sử dụng là Trung Quốc lại tung hô ầm ĩ.

Điều này đã nhiều lần được chứng minh trong thời gian qua, mỗi khi đưa vào biên chế các loại vũ khí mới như: Tàu đổ bộ lớp 071, tàu sân bay Liêu Ninh, tàu hộ vệ lớp 056…, thì trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc lại ngập tràn các hình ảnh và tư liệu về các loại vũ khí này. Cục trưởng Thái Đắc Thắng nhấn mạnh: “Để các hệ thống vũ khí mới đạt được khả năng tác chiến thực tế, Bắc Kinh còn rất nhiều việc phải làm”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại