"Đặc nhiệm Nga có thể là thủ phạm bắn rơi máy bay Malaysia"

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng những người bắn hạ máy bay Malaysia chắc chắn phải được huấn luyện rất bài bản trước đó.

Tờ Los Angeles Times (Mỹ) đăng tải bài viết dẫn nhận định của các chuyên gia về thủ phạm bắn hạ máy bay MH17 của Malaysia.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Tuy vẫn chưa rõ ai là thủ phạm bắn rơi máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của Malaysia, nhưng theo các chuyên gia quân sự thì cho dù đó là ai, chắc chắn những người này đã được huấn luyện bài bản trước đó.

Bắn hạ một chiếc Boeing 777 di chuyển với tốc độ 965km/h ở độ cao hơn 10.000m rất phức tạp và cần rất nhiều kỹ năng hơn việc dùng tên lửa vác vai để nhắm bắn một mục tiêu bay chậm và thấp như trực thăng. Cần ít nhất 4 người để vận hành hệ thống tên lửa phòng không SA-11.

Một thi thể được đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn

Một thi thể được đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Reuters

SA-11, hay còn được gọi là Buk, ra đời từ những năm 70 của thế kỷ trước và không dễ để vận hành giống như những hệ thống tân tiến hiện nay. Tướng về hưu người Mỹ Stephen V. Reeves, từng là sĩ quan tình báo tại châu Âu trong thời Chiến tranh lạnh, cho biết những người vận hành hệ thống này phải có kiến thức kỹ thuật nhất định.

Còn trung tướng Patrick J. O'Reilly, nguyên giám đốc Cục phòng vệ tên lửa của Mỹ, ước tính những người này cần ít nhất 6 tháng huấn luyện, vì đây là một hệ thống rất khó vận hành, theo tiêu chuẩn hiện nay. Tên lửa của SA-11 là tên lửa thụ động, radar cần liên tục theo dấu mục tiêu và truyền thông tin dẫn bắn cho tên lửa trong suốt quá trình bay.

Theo ông O'Reilly, tuy SA-11 có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao lên đến 21km, nó không thể phân biệt nếu mục tiêu là một máy bay dân sự hay máy bay vận tải. Dựa vào tốc độ và độ cao của chiếc Boeing khi bị bắn trúng, O'Reilly suy đoán tên lửa có thể được phóng đi trong vòng bán kính 40km quanh điểm rơi.

Hệ thống phòng không Buk được trưng bày trong một triển lãm hàng không tổ chức gần Moscow. Ảnh: AP

Hệ thống phòng không Buk được trưng bày trong một triển lãm hàng không tổ chức gần Moscow. Ảnh: AP

“Những người vận hành SA-11 biết rõ họ đang nhắm bắn một mục tiêu lớn. Có thể họ nghĩ đó là một máy bay vận tải hay tiếp nhiên liệu trên không. Nhiều khả năng là họ thật sự tưởng rằng mình đang bắn hạ một mục tiêu quân sự”, ông O'Reilly nhận xét.

Theo O'Reilly, tên lửa của SA-11 trang bị đầu đạn nổ và cơ chế kích nổ dựa vào khoảng cách. Kíp nổ sẽ kích hoạt khi tên lửa cách mục tiêu trong vòng 100m. Chiếc Boeing 777 bị hạ vì sức nổ, không phải vì vụ va chạm trực tiếp với tên lửa.

Những mảnh vụn từ xác máy bay có thể chứa những phần từ tên lửa SA-11. Tuy nhiên ngay cả khi tìm được những mảnh như vậy thì vẫn khó có thể xác định ai là người bắn vì SA-11 rất phổ biến trong khu vực.

Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết tên lửa dường như được phóng đi từ khu vực phía đông của Ukraine, nơi đang nằm trong sự kiểm soát của lực lượng ly khai. Một xe phóng SA-11 cũng được nhìn thấy di chuyển trong khu vực ngay trước khi xảy ra vụ rơi máy bay.

Cả Nga và Ukraine đều sở hữu SA-11, do đó việc sử dụng loại vũ khí này sẽ giúp tránh việc bị quy trách nhiệm. Cũng có thể lực lượng ly khai thân Nga sở hữu hệ thống này.

Reeves cho rằng có khả năng đặc nhiệm Nga có dính líu trực tiếp hoặc gián tiếp với nhóm người đã bắn tên lửa.

Còn O'Reilly nhận định: “Những người làm việc này không đơn giản chỉ là được huấn luyện cấp tốc và làm theo hướng dẫn của các cố vấn Nga, mà cần có kinh nghiệm đáng kể. Trên thực tế, họ phóng 1 tên lửa và đã trúng mục tiêu, cho thấy họ đã rất thành thạo với hệ thống này. Nếu những cố vấn Nga không trực tiếp điều khiển, thì nhiều khả năng đó là những người từng phục vụ trong lực lượng phòng không Nga, và đã được huấn luyện bài bản để vận hành nó”.

Video cuối cùng trên máy bay Malaysia bị bắn

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại