Nhìn mây đoán thời tiết
Bản thân mây là sự ngưng đọng, ngưng tụ hơi nước mà hình thành, khi gặp không khí lạnh, hơi nước trong tầng mây sẽ biến thành mưa rơi xuống, cho nên quan sát tầng mây có thể phán đóan thay đổi của thời tiết.
Căn cứ vào hình dạng của mây, chúng ta có thể phân chia mây thành 9 loại, kinh nghiệm thông thường là tầng mây càng cao, thời tiết sẽ càng trong sáng.
(1) Mây ti: Tạo thành bởi tinh thể băng, màu trắng bạc, không bóng râm trên biển, có hình sọc kéo dài như đuôi ngựa,đôi khi có hình rẻ quạt.
Khi tồn tại độc lập thì thời tiết tốt. Khi trở nên dày hơn dịch chuyển nhanh qua bầu trời dự báo có áp thấp, trời trở nên xấu.
(2) Mây ti tích: Sắp xếp có trật tự như vẩy cá ngừ màu trắng, ngư dân gọi là mây vẩy cá, không có bóng râm, mây ti tích thường phát triển từ những mảng mây ti, mây trôi chầm chậm dự báo thời tiết tốt, yên tĩnh.
(3) Mây ti tầng: Hình thành từ tinh thể băng, màu trắng sữa phủ phía trên bầu trời, đôi khi xuất hiện thành từng mảng xen kẽ qua mây ti, qua mây có thể nhìn thấy mặt trời, mặt trăng có quầng.
Nếu mây phát triển phủ khắp bầu trời, dầy và thấp, dự báo áp thấp, thời tiết xấu.
“Hành quân trong mưa”. Ảnh: Đặng Quang Hiển.
(4) Mây tích: Mây tích là đám mây đẹp nhất, lơ lửng đan vào nhau phiêu diêu trên không trung giống như sợi bông hoặc kẹo bông.
Nếu như mây tích phân tán ra từng mảng nhỏ điều đó chứng tỏ là trời sẽ trong đẹp, nhưng nếu phát triển ngày càng lớn, liên kết lại với nhau, rất có khả năng sắp đột nhiên mang đến một trận mưa lớn.
(5) Mây cao tích: Từng mảng màu trắng, hoặc xám trải trên bầu trời xanh ở độ cao trung bình, đôi khi có nhiều lớp nằm chồng lên nhau trên những độ cao khác nhau.
Nằm dưới mặt trời xuất hiện ráng đỏ. Khi mây phát triển dầy đặc theo chiều gió và mất viền thì báo hiệu thời tiết xấu có mưa.
(6) Mây tích vũ: Các mảng lớn mây tích tiếp tục phát triển kéo giãn từ đáy theo chiều thẳng đứng lên độ cao của tầng đông lạnh, đáy đen màu chì, đỉnh bị gió thổi tướp ra như xơ bông và tản ra như hình cái đe.
Mây tích vũ xuất hiện dự báo mưa dông lớn có sấm chớp. Trong vùng gần mây tích vũ phát triển có thể xuất hiện đột ngột gió giật đổi chiều liên tục. Loại mây này thường phát triển ở diện tích rộng.
(7) Mây tầng: Có màu sắc đậm nhạt không thống nhất, không có hình dáng nhất định, rất khó đoán được độ cao chân mây.
Với thời tiết ẩm ướt có gió, mây tầng có thể phát triển thành từng dải, các dải mây tầng thường hình thành ở các lục địa nhô ra và khu vực bờ biển cao nhìn thấy như những mảng sương mù. Mây tầng dày đặc thường báo hiệu sự xuất hiện mưa phùn.
(8) Mây vũ tầng: Mây vũ tầng là mây đen tầng thấp, nặng nề và chuyển động tán loạn. Nó mang đầy hơi nước với một lượng lớn.
Mây vũ tầng bao trùm trong không trung, nghĩa là sẽ có mưa trong vòng 4 tiếng nữa, hơn nữa, mưa sẽ liên tục trong mấy tiếng đồng hồ. Bạn cần làm tốt việc chuẩn bị tránh mưa trong một thời gian dài.
(9) Mây vũ tích: Hình thành từng lớp hoặc mảng mịn, mềm mại sắp xếp khá trật tự như những gợn sóng. Nếu mây dày thường xuất hiện mưa nhỏ.
Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi tuần tra bảo vệ vùng biển. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.
Nhận biết thời tiết qua kinh nghiệm dân gian
Ngày xưa, ông cha ta không có hẳn một cơ quan chuyên dự báo thời tiết như bây giờ, vậy mà họ vẫn dựa vào những hiện tượng thiên nhiên để đóan trước được thời tiết. Ta sẽ thử tìm hiểu xem họ đã phán đoán như thế nào nhé!
“Trời mà đóng mống cản Nam
Cóc kêu mỏi hàm chẳng có mưa đâu”.
Có nghĩa là vào những tháng đầu mùa mưa (mưa thường từ hướng Nam mang tới). Nếu ở hướng Nam có một cái cầu vồng, thì thời tiết sẽ bị hạn.
Hoặc là:
“Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”.
Câu này khá dễ hiểu, đầu hôm mà hướng Đông chớp nháy nháy thì gần sáng sẽ có mưa. Tuy nhiên hiện tượng này cũng cần kèm theo một vài biến động của khí hậu như : trời trở nên oi bức, gió ngưng thổi. . . thì mới chính xác.
“Thâm Đông, hồng Tây, dựng may.
Ai ơi ở lại ba ngày hẵng đi”.
Câu này có lẽ chỉ đúng ở miền Bắc hoặc miền Trung (vì miền Nam ít có gió heo may). Đây là điềm báo trước một cơn giông bão sắp ập đến nội trong ba ngày.
“Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa”
“Mống cao gió táp, mống áp mưa rào”.
Mống là cầu vồng. Khi ở trên cao thì có gió, khi áp gần mặt đất thì có mưa rào.
“Sao mau thì mưa, sao thưa thì nắng”
Sao mau là sao nhiều và dày đặc.
Còn những người ở gần vùng có núi gần biển thì họ có câu như:
“Mây kéo xuống bể thì nắng chang chang”
Mây kéo lên ngàn thì mưa như trút”.
Động vật – Dự báo thời tiết sống
Động vật thực tế rất nhạy cảm với thời tiết, nhạy cảm hơn con người rất nhiều.
Nếu một hôm nào đó bạn bỗng thấy trời nổi gió mạnh có mang theo hơi ẩm, mây kéo vần vũ, chim chóc bay tán loạn, gà mẹ gọi con, chó mèo cuống quít,... đấy là một cơn giông sắp sửa đổ xuống.
Trên đường đi dã ngoại, bạn hãy chú ý những biểu hiện của các loại động vật xung quanh, chúng sẽ báo cho bạn mọi thay đổi của thời tiết đấy!
(1) Chuồn chuồn: Trước khi trời mưa chuồn chuồn bay rất thấp, đó là vì hơi nước trong không khí làm ướt cánh nó. Vả lại, côn trùng nhỏ mà nó thích ăn cũng bay ở cùng độ cao như nó. Dân gian thường có câu rằng:
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.
(2) Mèo: Khi mèo rửa mặt thường cũng sắp có mưa. Thật ra mèo rửa mặt không phải do nó thích sạch sẽ, mà là do trong không khí ẩm ướt sắp mưa bọ ký sinh sẽ làm nó ngứa ngáy, nó dùng cách này để xua đuổi chúng.
(3) Kiến: Trước khi trời mưa lớn, kiến rất bận rộn dọn nhà, hàng đàn kiến tha theo ấu trùng kéo thành đoàn di chuyển. Đấy là chúng đang chuyển tổ lên vị trí cao hơn, điều ấy báo hiệu một trận mưa rất to, bạn hãy chú ý đề phòng nhé!
(4) Ong: Ong là loài vật rất chăm chỉ, những chú ong thợ mỗi ngày có thể bay xa hàng chục ki-lô-mét để kiếm phấn hoa.
Nhưng nếu một hôm nào đó bạn để ý thấy những chú ong chăm chỉ lấp ló ở cửa tổ hoặc chỉ bay quanh tổ, vậy là sắp có mưa bão đấy, chúng không dám bay xa vì sợ không quay về được.
(5) Mối cánh: Trời mưa to quá, bạn ngồi trong lều và thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ đếm thời gian. Nếu lúc ấy bỗng xuất hiện từng đàn mối cánh thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm nhổ trại để tiếp tục lên đường vì mối cánh bay ra báo hiệu trời sẽ ngừng mưa.
(6) Cá: Giữa trời nắng chang chang, bạn đang ngồi thả câu bên bờ ao, nếu bạn thấy cả đàn cá đều nổi trên mặt nước, lúc này tốt nhất bạn cũng nên bỏ câu cá và quay trở về nhà hoặc ít nhất thì cũng nhanh chóng kiếm chỗ trú mưa đi.
Vì hiện tượng ấy báo hiệu rằng thời tiết sắp thay đổi, trước khi mưa không khí nặng nề, dưỡng khí trong nước không đủ, đàn cá mới ngoi lên mặt nước để thở.