Cựu binh Trung Quốc tiết lộ vụ thử hạt nhân 1964

Trần Vũ |

Ngày 16/10/1964, Trung Quốc tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên thành công đưa nước này trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử.

Ngày 16/10/2014, 300 cựu chiến binh từng chứng kiến vụ đã tập trung ở một khách sạn ở huyện Poyang tỉnh Giang Tây để dự lễ kỷ niệm 50 năm vụ thử hạt nhân.

Khu vực thử nghiệm hạt nhân năm 1964 của Trung Quốc là Malan trong sa mạc Gobi, một phần của khu tự trị Bayingolin Mongol ở Tân Cương.

Hơn 10.000 binh sỹ và kỹ thuật viên đã làm việc ở khu vực thử nghiệm trước và sau thử nghiệm. Họ lặng lẽ làm việc và có rất ít dùng các phương tiện truyền thông vì lúc đó, vụ thử hạt nhân là một bí mật quốc gia.

 - Ảnh 1

Hình ảnh vụ thử hạt nhân Trung Quốc mới được giải mật.

Tháng 10/1963, Yang Tianyu, lúc đó đã phục vụ trong quân ngũ được 3 năm ở Lan Châu, được thông báo rằng đơn vị của ông được lệnh chuyển đến một cơ sở đặc biệt ở Tân Cương. Khi đến nơi, ông vẫn không biết gì về nhiệm vụ của đơn vị mình.

Cùng lúc đó, các cán bộ của các đơn vị khác từ quân khu Thẩm Dương, Bắc Kinh và Tế Nam cũng đã bắt đầu đến. Chỉ trong vòng 2 năm, Malan trở thành một khu căn cứ quân sự của hàng ngàn binh sỹ với hàng chục dãy nhà ở. Khi quân số tăng lên, một đơn vị kỹ thuật và bảo vệ được thành lập, đồng thời một đơn vị mang phiên hiệu 546 cũng được lập để chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, cơ sở hậu cần, sửa chữa phương tiện và phòng ngừa hóa chất độc hại.

Tất cả mọi thứ được sắp xếp cẩn thận, nhưng không có ai được hỏi quân đội làm gì ở đó. Yang nói: “Chúng tôi không yêu cầu vì chúng tôi đã được phổ biến rằng chúng ta không được phép biết, khi nào đến lúc cần thiết, họ sẽ nói cho chúng ta biết”.

Những binh sỹ ở Malan tuân thủ nghiêm ngặt chế độ bảo mật. Khi giao tiếp với người ngoài về cơ sở của mình, họ sử dụng từ ‘Yonghong’ để thay cho địa chỉ Malan. Binh sỹ tại căn cứ được yêu cầu phải nói rằng họ đang đứng canh gác tại các cơ sở, không được tiết lộ về các hoạt động của mình.

Bất cứ điều gì họ thấy, họ nói chỉ được phép ‘sống để dạ chết mang theo’. Họ không được phép nói với cha mẹ, vợ, chồng hay con cái mình. Tất cả thư từ của họ đều được kiểm tra cẩn thận trước khi gửi.

Những bài giảng về giáo dục chính trị và đòi hỏi của chế độ bảo mật cho họ những ý niệm mơ hồ về bản chất của căn cứ đang ở: “Thế giới đã bước vào kỷ nguyên hạt nhân… quốc gia đế quốc đang khoe khả năng hạt nhân của họ… Mao Chủ tịch nói quả bom hạt nhân là quan trọng, mọi người nghĩ rằng chúng ta không có khả năng. Vậy thì chúng ta hãy làm một số”.

 - Ảnh 2

Các mẫu thiết bị ở Malan sau vụ nổ.

Trong tháng 3/1964, các đơn vị đã bắt đầu cho công tác tuyên truyền về một “đại sứ mệnh” và các binh sỹ đã bắt đầu rỉ tai cho nhau. Tư lệnh sư đoàn đã cho chiếu một bộ phim tài liệu về Operation Crossroads - vụ thử hạt nhân đầu tiên của Mỹ tiến hành sau chiến tranh tại Bikini Atoll năm 1946.

Yang lúc đó chỉ là một tiểu đội trưởng nhưng ông cũng đã được xem cuốn phim vào thời điểm gần đến vụ thử nghiệm. Đó là lúc ông hiểu đầy đủ rằng Malan là một địa điểm sẽ diễn ra vụ thử hạt nhân.

Trước đó, Yang đã có chút hiểu biết về bom hạt nhân và đã nghe nói rằng Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Ông đã mất bình tĩnh khi xem phim và đã chứng kiến làn sóng xung kích lớn gây ra bởi vụ nổ đã lan truyền nhanh chóng và nuốt chửng các tàu chiến. Nhưng Yang cũng cảm thấy tự hào vì được tham gia vào một phần sứ mệnh. Chỉ là một người lính bình thường, ông đã góp mặt trong một nhiệm vụ cao nhất của quốc phòng tại một căn cứ đặc biệt.

Khu vực thử nghiệm nằm cách 200 km về phía đông của căn cứ, trong một khu vực không có người ở của sa mạc Gobi. Càng đến gần ngày thử nghiệm, các cán bộ kỹ thuật và người lính đi qua địa điểm thử nghiệm lại càng hưng phấn.

Yang được giao nhiệm vụ vận chuyển thiết bị không quân đến các điểm nhất định trong khu thử nghiệm. Một số nằm cách 500 m bên ngoài và một số khác cách điểm thử 1 km. Ngoài ra còn có một số phương tiện được đặt trong hầm hố do công binh đào. Những người lính khác phụ trách việc sắp xếp xe lửa, xe ô tô và xe bọc thép gần điểm thử.

Ngày 15/10, một ngày trước khi thử nghiệm, những người lính được lệnh ở lại vị trí để đảm bảo an toàn. Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ chứng kiến một vụ thử hạt nhân.

 - Ảnh 3

Một số cựu binh đã tham gia vụ thử hạt nhân năm 1964 gặp nhau ở Quảng Châu để kỷ niệm 50 năm vụ thử hạt nhân.

Trước khi rút về vị trí, Yang kiểm tra các thiết bị không quân một lần nữa và nhìn thấy con khỉ, chuột, thỏ và các loài động vật khác được dẫn đến khu vực thử nghiệm cùng với những hình nộm được đặt trong buồng lái máy bay và trong ghế lái của xe. Sau đó, Yang cùng các binh sỹ khác rút về sân bay Khai Bình, cách khu thử nghiệm 80 km, và được phát kính bảo vệ mắt để theo dõi vụ thử.

Lúc 15h, các binh sỹ được lệnh quay lưng lại phía thử nghiệm và bịt tai. Từ phía sau ống kính tối của kính bảo vệ mắt, họ nhìn thấy một chớp sáng đột ngột với ánh sáng trắng cùng một tiếng gầm ầm ầm từ phía Đông. Sau khoảnh khắc đó, họ quay mặt lại nhìn.

Qua kính bảo vệ, họ nhìn thấy một quả cầu lửa khổng lồ nổi lên từ khu thử nghiệm. Yang nói: “Trông nó như một mặt trời thứ hai”.

Khi áng sáng tiêu tan, họ cởi kính ra và nhìn thấy ngọn lửa tiếp tục dữ dội bùng lên như một đám mây hình nấm. Các đám mây hút bụi từ mặt đất tạo thành một cái đuôi dài ‘cao như một tòa nhà’. Những người lính bắt đầu đổ về để cổ vũ và ném mũ của mình vào không khí, la lớn “chiến thắng” và “Mao chủ tịch muôn năm”. Yang cảm thấy nước mắt trào ra và trên chiếc loa phát ra thông điệp của Thủ tướng Chu Ân Lai cảm ơn họ đã làm việc chăm chỉ.

Hai giờ sau vụ nổ, một trong những nhân viên kỹ thuật mặc quần áo bảo hộ đề nghị Yang lái xe đưa anh ta vào khu thử nghiệm để lấy mẫu.

Sa mạc cát trông vẫn như cũ nhưng nhìn kỹ thì Yang nhận ra rằng lớp đất rắn đã bị thổi đi và bên dưới bây giờ là cát mềm. Khi đến gần hơn, họ thấy các máy bay, xe, tàu đặt trong khu thử nghiệm đã phải chịu các mức độ thiệt hại khác nhau.

Trong bán kính 30 km từ vụ nổ, các cột điện thoại nằm la liệt trên mặt đất và các máy bay cùng xe cộ bị nung chảy. Một số thiết bị đặt trong hầm có thể sửa chữa nhưng các thiết bị trên mặt đất thì bị phá hủy hoàn toàn. Khi Yang nhìn thấy những gì còn lại của 1 con khỉ bị thiêu cháy trong cabin của một trong những chiếc máy bay, ông đã hiểu ra việc vì sao đặt con khỉ vào đó.

Đơn vị đã tham gia vụ thử nghiệm lần đầu tiên với tên mật mã là Unit 0673, sau này được đổi thành 8023 và sau đó đổi tên nhiều lần nhưng bây giờ người ta quen gọi là đơn vị 8023. Sau vụ thử trên mặt đất, Trung Quốc còn tiếp tục thử nghiệm trên không và trong lòng đất.

Để thử nghiệm dưới lòng đất. Một hố sâu 100m đã được đào và lấp đầy sau khi quả bom được đặt xuống. Những đơn vị thực hiện cũng phải xây dựng cấu trúc, đào hầm và đặt trang thiết bị quân sự tại khu vực thử nghiệm như lần trước.

Sau vụ nổ, mẫu lại được đưa lên mặt đất để kiểm tra. Việc đó tốn thời gian hơn vì các mẫu thử nghiệm dưới lòng đất cũng được chôn khá sâu.

50 năm sau ngày thử thành công vũ khí hạt nhân, Trung Quốc ngày nay đã phát triển rất mạnh mẽ công nghệ quân sự của mình với các tên lửa Đông Phong có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được cho là có thể bắn tới Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại