Nhiệm vụ hỗ trợ cận chiến
Hỗ trợ cận chiến (Close Air Support/ CAS) có lẽ là nhiệm vụ khó hiểu nhất trong hàng không quân sự. Nó được miêu tả là dùng sức mạnh trên không để tấn công đối phương đang tiếp cận lực lượng trên mặt đất của quân ta.
Tuy nhiên cách nói này chỉ mang tính cơ bản, các lực lượng mặt đất muốn có một vũ khí cực kỳ chính xác và nó phải xuất hiện ngay khi họ đang ở giữa sự sống và cái chết.
Các cuộc tranh luận về một máy bay hỗ trợ cận chiến đã có từ hơn nửa thế kỷ trước; máy bay hỗ trợ cận chiến nên như thế nào? Một chủng loại phi cơ mới hay chỉ cần máy bay mang được giá treo bom là đủ?
Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, một số người chỉ ra rằng chiến đấu cơ với tốc độ cao và khả năng cơ động ở độ cao thấp kém sẽ không thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả.
Nhưng khi Typhoon, Tempest, P-51 Mustang và P-47 Thunderbolt, những máy bay chiến đấu tầm xa, bay nhanh và mang vũ khí hạng nặng lại làm nhiệm vụ hỗ trợ cận chiến cực tốt, đã phản bác lại ý kiến trên.
P-47 Thunderbolt vốn là một chiến đấu cơ tầm cao, nhưng nhờ hỏa lực mạnh và khả năng mang vũ khí tốt nên nó rất hiệu quả trong vai trò hỗ trợ cận chiến. Trong ảnh là một chiếc P-47N vũ trang với 8 súng máy 12,7 mm M2 Browning, 10 rocket HVAR và 2 quả bom 500 kg.
Nhiệm vụ hỗ trợ cận chiến sau Chiến tranh thế giới thứ 2
Vào năm 1947, Lực lượng Chỉ huy Không quân Chiến thuật (Tactical Air Command/ TAC) được thành lập. Bài học kinh nghiệm từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã cho thấy chiến đấu cơ có thể làm những gì, định nghĩa “máy bay hỗ trợ cận chiến” đã được xóa khỏi danh sách.
Máy bay tiêm kích bom đa chức năng trở thành xương sống cho lực lượng này và nó cũng sẽ thực hiện luôn cả hỗ trợ cận chiến. Khi đó, họ thích sử dụng tiêm kích bom F-105 Thunderchief nhất.
F-105 Thunderchief là lựa chọn yêu thích của Lực lượng Chỉ huy Không quân Chiến thuật (TAC). Tuy nhiên trong chiến tranh Việt Nam, máy bay này lại tỏ ra vô dụng khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cận chiến.
F-105 Thunderchief là một máy bay lớn, nặng và phức tạp được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
F-105 có chi phí sử dụng cao và chỉ hoạt động ở những căn cứ lớn, có trang bị tốt. Mặc dù tốc độ bay hành trình nhanh, nhưng thời gian hoạt động lại quá thấp, độ chính xác cũng không cao khi làm nhiệm vụ hỗ trợ cận chiến và nó không thể đáp ứng lời kêu gọi cug cấp hỏa lực ngay lập tức.
Đến năm 1960, các máy bay có trong trang bị của TAC đã bắt đầu lỗi thời (F-84 Thunderstreak, F-100 Super Sabre,..). Thay vì lên kế hoạch thực hiện một hướng đi mới, TAC lại đưa ra đề xuất SOR-183, chế tạo máy bay lớn hơn và phức tạp hơn F-105, nhưng Lục quân Mỹ không chấp nhận điều này.
Năm 1961, Lục quân Mỹ yêu cầu một máy bay hỗ trợ cận chiến cho riêng mình, các loại tham gia đấu thầu là Northrop N-156F, Fiat G.91 và Hawker Krestel (sau này trở thành AV-8B Harrier).
Lúc này có một sự tranh cãi cho việc phân chia nhiệm vụ giữa Không quân và Lục quân. Cuối cùng, Lục quân phải chấp nhận giới hạn các máy bay cánh cố định có thể có trong trang bị.
Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara lại yêu cầu Không quân nên trang bị một máy bay có khả năng hỗ trợ cận chiến cho Lục quân.
Hawker Siddeley XV-6A Krestel - Nguyên mẫu máy bay cường kích cất/ hạ cánh thẳng đứng, sau này trở thành AV-8B Harrier.
TAC không muốn chuyển hướng bất kỳ máy bay nào của mình làm nhiệm vụ này, khi mà hầu hết đều dành cho tấn công hạt nhân, việc hồi sinh hỗ trợ cận chiến trong TAC ban đầu rất hạn chế.
TAC đặt hàng T-28D Trojan để trang bị cho Không quân Việt Nam Cộng hòa nhằm chống bạo loạn cũng như du kích. Nhiệm vụ chống bạo loạn (Counter-Insurgency/ COIN) ra đời và đây là bước đầu để hồi sinh nhiệm vụ hỗ trợ cận chiến.
T-28D Trojan là máy bay tấn công hạng nhẹ dùng để thực hiện nhiệm vụ chống du kích ở Việt Nam.
Sự hồi sinh của nhiệm vụ Hỗ trợ cận chiến trong Chiến tranh Việt Nam
Nhằm không thay đổi những nguyên lý cơ bản của nhiệm vụ COIN, Không quân soạn thảo yêu cầu một máy bay thay thế T-28D nhưng với năng lực, khả năng mang vũ khí và tốc độ tương tự T-28. Máy bay sẽ trang bị pháo 20 mm và một số rocket với bom hạng nhẹ.
Đề xuất máy bay trinh sát vũ trang hạng nhẹ (Light Armed Reconnaissance Aircraft/ LARA) ra đời với kết quả là OV-10 Bronco.
OV-10 Bronco được dùng để trinh sát có vũ trang, chống du kích với các loại vũ khí hạng nhẹ.
Tuy nhiên, khi Liên Xô cung cấp cho Bắc Việt Nam nhiều pháo phòng không, số lượng T-28 bị bắn hạ tăng lên và người Mỹ nhận ra rằng với vũ trang hạng nhẹ, không có giáp bảo vệ, tốc độ chậm không thể sống sót trước hỏa lực đối phương, OV-10 cũng vậy.
Vì thế vào năm 1964, Không quân muốn có một máy bay mới vũ trang mạnh hơn, được trang bị giáp tốt hơn, và A-1 Skyraider của Hải quân chính là câu trả lời.
Máy bay cường kích AD-6 (A-1H) Skyraider của Hải quân Mỹ.
A-1 Skyraider là một máy bay cường kích cánh quạt vũ trang hạng nặng, tầm bay xa và thời gian hoạt động dài, có khả năng cơ động ở độ cao thấp. Có thể xem A-1 là máy bay cường kích hỗ trợ cận chiến đúng nghĩa.
Nhờ thời gian hoạt động dài nên A-1 có thể bay phía sau chiến tuyến và mau chóng đáp ứng lời kêu gọi hỗ trợ cho lực lượng mặt đất. Nhờ tốc độ bay chậm và nắp buồng lái hình bọt nên phi công dễ dàng nhìn thấy các mục tiêu và tiêu diệt chúng.
Ngoài A-1 còn có F-100 Super Sabre và A-37 Dragonfly có chức năng tương tự, nhưng thời gian hoạt động ngắn hơn nên khả năng phản ứng không tốt bằng A-1. Vì vậy trong thời gian này, A-1 Skyraider làm máy bay hỗ trợ cận chiến chính cho Không quân Mỹ.
AD-6 (A-1H) là máy bay cường kích hỗ trợ cận chiến hiệu quả nhất trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên do thời gian sử dụng đã lâu và phải đối mặt với hỏa lực phòng không tiên tiến của đối phương, Lục quân Mỹ muốn Không quân cung cấp một máy bay hỗ trợ cận chiến mới.
Thế nhưng Lục quân Mỹ vẫn chưa “tin tưởng” lắm vào Không quân khi họ nhìn về tương lai, chưa chắc A-1 sẽ sống sót được trước hỏa lực phòng không của thập kỷ tới, dù sao A-1 vẫn là một máy bay cánh quạt và đã ra đời từ lâu.
Chưa kể trong thời gian này, cuộc chiến ở Việt Nam đang lên đỉnh điểm và miền Bắc được trang bị hỏa lực ngày càng hiện đại. Do đó trong năm 1964, họ gây sức ép lên Không quân yêu cầu phải phát triển một máy bay hỗ trợ cận chiến mới.
Chịu sức ép từ Lục quân, Không quân Mỹ đã đưa vào trang bị cường kích A-7D Corsair II làm máy bay hỗ trợ cận chiến mới, A-7D là một phiên bản dành riêng cho Không quân từ A-7 Corsair II của Hải quân Mỹ.
Máy bay cường kích phù hợp với việc đáp ứng nhu cầu này tương đối nhanh chóng và không tốn kém là Ling-Temco-Vought A-7D Corsair II. Một máy bay tấn công có kích thước tương đương A-1 nhưng tầm bay xa hơn, tốc độ nhanh và hệ thống điện tử tiên tiến hơn.
A-7D Corsair II hoạt động trong Không quân Mỹ cho đến khi họ bắt đầu một chương trình phát triển máy bay cường kích mới có tên gọi là A-X.
(Còn tiếp)