Những ngày qua, vụ nổ tàu ngầm Kilo INS Sindhurakshak của Ấn Độ đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông thế giới. Vụ nổ đã nhấn chìm con tàu cùng 18 thủy thủ, trong đó có 3 sỹ quan. Cho tới thời điểm hiện tại, thi thể của 5 thủy thủ đã được tìm thấy, các thủy thủ còn lại không có dấu hiệu sống sót. Nỗ lực cứu hộ đang dần tuyệt vọng. Bộ trường Quốc phòng Ấn Độ gọi đây là “một bi kịch lớn nhất trong thời gian gần đây”.
Các điều tra sơ bộ ban đầu cho thấy, khả năng rò rỉ khí hydro (nguyên nhân từng dẫn tới vụ nổ năm 2010 của tàu ngầm này) khó xảy ra, bởi hệ thống pin của tàu đã được thay mới. Nhiều khả năng quá trình xử lý vũ khí tại khoang ngư lôi đã có vấn đề, bởi vụ nổ đầu tiên xuất phát từ đây và gần như đồng thời kích hoạt một vụ nổ khác lớn hơn đã tạo nên thảm họa.
Đối với Trung Quốc, thông tin về vụ tai nạn tàu ngầm tại Ấn Độ khiến họ “mừng ra mặt”, một số chia sẻ trên các trang mạng của nước này đã rất hả hê trước vụ tai nạn tàu ngầm Ấn Độ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng 10 năm trước Trung Quốc cũng đã từng xảy ra một vụ tai nạn tàu ngầm còn thảm khốc hơn.
Chiếc tàu ngầm Type-035 lớp Minh mang số hiệu 361 trước khi gặp nạn.
Ngày 16/04/2003, tàu ngầm điện-diesel mang số hiệu 361 Tyep-035 lớp Minh đã gặp nạn trong lúc tham gia tập trận làm toàn bộ thủy thủ đoàn 70 người thiệt mạng. Thông tin về vụ tai nạn này được “giấu kín như bưng”, chính người dân Trung Quốc hầu như không biết gì về vụ tai nạn thảm khốc này.
Đây là một tàu ngầm điện diesel do Trung Quốc chế tạo được sao chép từ tàu ngầm lớp Romeo của Liên Xô. Theo như lời giới thiệu từ phía Trung Quốc, tàu ngầm lớp Minh là một sự kết hợp hoàn hảo giữa tàu ngầm lớp Romeo của Liên Xô và tàu ngầm loại U của Đức Quốc Xã.
Chiếc tàu ngầm gặp tai nạn mang số hiệu 361 thuộc Hạm đội Nam Hải, đây là chiếc tàu ngầm thứ 13 trong tổng số 20 chiếc đã được đóng. Tàu ngầm này được đưa vào biên chế của Hạm đội Nam Hải vào năm 1995, lúc đó, nó được xem là một trong những tàu ngầm tối tân nhất của hạm đội này.
Vụ tai nạn đầy bí ẩn
Trong khi đang tham gia một cuộc tập trận hải quân xung quanh đảo Neichangshan thuộc vịnh Bột Hải, Trung Quốc, tàu ngầm số 361 bổng dưng mất liên lạc với sở chỉ huy vào ngày 16/4/2003 và hoàn toàn bặt vô âm tính trong những ngày tiếp theo. Hầu như không ai biết điều gì đã xảy ra với con tàu này, Hải quân Trung Quốc đã cố gắng tìm kiếm con tàu nhưng không có kết quả gì .
Mãi đến 10 ngày sau khi mất tích, con tàu mới được tìm thấy, người tìm thấy con tàu lại là ngư dân chứ không phải các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Hải quân Trung Quốc. Ngày 25/4/2003, trong khi đang đánh cá, các ngư dân Trung Quốc đã phát hiện thấy một vật thể lạ ló lên mặt nước, họ đã báo các lực lượng chức năng của Trung Quốc.
Tàu ngầm số 361 được kéo về cảng Ngọc Lâm sau khi xảy ra tai nạn
Hải quân Trung Quốc nhanh chóng nhận ra đó là kính tiềm vọng của một tàu ngầm, danh tính của tàu ngầm gặp nạn được xác nhận là tàu 361, con tàu đang trong tình trạng chìm lơ lửng, nó đã trôi tự do một quãng khá xa từ vị trí gặp nạn.
Tàu ngầm số 361 được kéo về cảng Ngọc Lâm thuộc đảo Hải Nam, điều kỳ lạ là hầu như không có bất kỳ vết trầy xước nào xảy ra với tàu ngầm số 361.
Một điều khá lạ lùng và không thể giải thích là tại sao không một ai trong thủy thủ đoàn 70 người thoát được ra ngoài, mặc dù bản thân tàu ngầm được thiết kế rất nhiều khoang thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp. Trong suốt quá trình gặp nạn, tàu ngầm này không phát đi bất kỳ một tín hiệu cấp cứu nào ra bên ngoài. Vậy các thiết bị điện tử trên tàu đã hoạt động ra sao?
Tại sao toàn bộ thủy thủ đoàn đều bất lực trong khi bản thân họ được tuyển chọn và đào tạo rất bài bản trước khi được phép vận hành tàu ngầm? Điều khá lạ lùng nữa, bản thân tàu ngầm này được thiết kế với thủy thủ đoàn tối đa là 55 người với 9 sỹ quan và 46 thủy thủ. Tuy nhiên, trong lúc gặp nạn, trên tàu có tới 70 người.
Đối với vụ nổ tàu ngầm Ấn Độ, 18 thủy thủ đã không kịp thoát ra ngoài do vụ nổ tại khoang ngư lôi diễn ra quá nhanh và áp lực từ vụ nổ được bao bọc bên trong 2 lớp giáp chịu áp lực quá lớn. Những thủy thủ gặp nạn phần lớn đang làm việc ở khoang ngư lôi. Lúc xảy ra tai nạn tàu ngầm INS Sindhurakshak, 18 quả ngư lôi và tên lửa đã được đưa lên khoang vũ khí để chuẩn bị cho chuyến tuần tra biển dài ngày.
Bức ảnh chụp các quan chức cấp cao của Hải quân Trung Quốc cùng thân nhân của các thủy thủ hy sinh trên tàu 361. Con tàu nhìn vẫn còn nguyên vẹn. Chính điều này khiến nguyên nhân chìm tàu càng là một bí ẩn.
Sau khi vụ tai nạn xảy ra với tàu ngầm 361, hàng loạt quan chức cấp cao của Hải quân Trung Quốc đã bị cách chức, trong đó có Tư lệnh hải quân Trung Quốc Đô đốc Shi Yunsheng, Chính ủy Yang Huaiqing, Tư lệnh Hạm đội Biển Bắc Ding Yiping, Chính ủy Hạm đội Biển Bắc Chen Xianfeng. Vụ cách chức quy mô lớn nhất trong lịch sử Hải quân Trung Quốc có thể thấy rằng, đây là một tai nạn xảy ra mang tính chất hệ thống.
Vụ tai nạn thảm khốc, thủy thủ đoàn 70 người không ai thoát được ra ngoài đặt ra những câu hỏi trong công nghệ chế tạo tàu ngầm của Trung Quốc đặc biệt là các phương tiện và công nghệ hỗ trợ cấp cứu khẩn cấp trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc trúng phải vũ khí của đối phương trong thực chiến.
Đến nay đã 10 năm trôi qua, nguyên nhân của vụ tai nạn thảm khốc này vẫn là một điều bí ẩn, thân nhân của các thủy thủ thiệt mạng chỉ nhận được thông báo là họ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!