Cuộc không chiến bí mật giữa hai siêu cường Xô - Mỹ (phần cuối)

Lịch sử cuộc Chiến tranh Lạnh cũng là lịch sử của các chuyến bay do thám của Mỹ thâm nhập không phận Liên Xô và các nước XHCN trước đây.

Bộ phim tài liệu kỳ công của Dirk Pohlmann cho thấy, những chiến dịch này nguy hiểm hơn là chúng ta từng biết và thế giới từng cận kề Thế Chiến III hơn là chúng ta từng nghĩ.

Sự bí ẩn bao trùm các chuyến bay

Để có thể đưa bom tới đích, Liên Xô đã chế tạo loại máy bay tương tự B29 của Mỹ, loại máy bay đã ném bom xuống Hiroshima (Nhật Bản). Aleksander Orlov, nguyên Đại tá quân đội Liên Xô cho biết, người ta cũng đã tính tới một đòn phòng ngừa, nhiều sĩ quan cao cấp đã công khai kêu gọi trên báo, nhưng giới lãnh đạo Liên Xô không đồng tình.

Mỹ đã phát triển một loại máy bay mới B36, Convair Peacemaker. Khác với loại B29, loại máy bay khổng lồ này có 10 động cơ, có thể bay liền trong 30 giờ tới mục tiêu và quay về. Doug Morell, chuyên gia chụp ảnh trên không trong máy bay B36 cho biết, ông đã tham gia chuyến bay chụp ảnh năm 1953, một chuyến bay được giữ kín tuyệt mật cho tới ngày nay, về mặt chính thức làm như không hề xảy ra.

Chuyến bay được tiến hành trên không phận những nước vệ tinh của Liên Xô, và cả trong không phận Liên Xô. Máy bay MiG của Liên Xô muốn bắn hạ nhưng không được vì B36 bay quá cao. Chiến lợi phẩm thu được là những bức ảnh chụp từ trên không để vẽ bản đồ Liên Xô, trong đó có đánh dấu những mục tiêu cần đánh bom trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Máy bay B36, loại máy bay do thám đầu tiên có 10 động cơ có thể bay liên tục 30 giờ.

Cho tới khi đó, không quân Mỹ phải làm việc với những tấm bản đồ cũ mà máy bay Đức Quốc xã chụp từ trước khi tấn công Liên Xô năm 1941. Jeff Duford, sử gia về Không lực Hoa Kỳ cho biết, vì vậy mà Liên Xô phản ứng rất nhạy cảm với những chuyến bay như vậy. Một số người nghĩ rằng đây là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Mặt khác, Mỹ đã từng thất bại thảm hại ở Trân Châu cảng, vì đã không biết rõ đối thủ. Và giờ đây, Mỹ cũng hầu như không biết gì về sức mạnh của Liên Xô, nhưng họ cho rằng bộ máy tuyên truyền của Liên Xô nói quá lên về sức mạnh của họ.

Năm 1954, trong một cuộc diễu binh, Liên Xô trình làng loại máy bay ném bom mới, loại Yakovlev. Nhưng liệu nó đã có thể đưa vào sử dụng chưa, có bao nhiêu chiếc? Điều đó chỉ biết được qua máy bay do thám chụp ảnh. Sứ mạng này được giao cho một đơn vị không quân Mỹ đóng ở Anh, đơn vị vừa được nhận một loại máy bay phản lực mới.

Hal Austin, nguyên phi công lái máy bay B47 cho biết, ông cùng đội bay của ông được lệnh đánh dấu các đơn vị máy bay Yakovlev trên bản đồ, nếu có gì xảy ra thì phải ăn tấm bản đồ đó để phi tang. Phi đội của Austin bay qua và chụp ảnh 9 căn cứ không quân Liên Xô. Ông nghĩ gì khi thực hiện sứ mạng này? Austin: "Thời gian đó, chúng tôi luyện tập cho Thế Chiến III, có khi loại máy bay mới, hiện đại mà chúng tôi nhận được là để khơi mào cuộc chiến. Chúng tôi là người lính chuyên nghiệp, khi nhận được lệnh là chúng tôi không nghĩ gì khác, ngoài việc thực hiện đúng mệnh lệnh".

Ba chiếc máy bay bay theo hướng Na Uy như chỉ dẫn, khi những chiếc khác bay về nhà, họ được lệnh bay tiếp theo hướng Liên Xô. Ban đầu, mọi việc trôi chảy, họ chụp được những bức ảnh đầu tiên. Khi bay trên mục tiêu, họ nhìn thấy máy bay tiêm kích Liên Xô. Nhưng họ bay cao quá nên máy bay MiG 15 không lên tới nơi. Nhưng ở khu vực này, Liên Xô đã có loại máy bay mới là MiG 17 có thể bay cao như B47. Chiếc máy bay của Austin bị thương nhẹ nên có thể tiếp tục bay về Phần Lan, được tiếp nhiên liệu trên không và cứu được những bức ảnh. Những bức ảnh đó là bằng chứng cho thấy những chiếc máy bay Yakovlev chưa phải là mối đe dọa.

Đóng tại Frankfurt (Main) và Wiesbaden là một trong những đơn vị không quân do thám quan trọng nhất của Mỹ ở châu Âu. Được trang bị rất nhiều thiết bị, các đơn vị ở đây giám sát các cuộc trao đổi điện đài, rađa, cơ cấu không quân của Liên Xô, một dạng máy hút thông tin điện tử, không để sót một thứ gì.

Một trong những nhân viên ở đây là Robert Keefe, một phi công lái máy bay do thám. Keefe cho rằng tất cả phi công ở đây còn rất trẻ, ai mà 22 tuổi đã bị coi là già. Ở lứa tuổi này người ta chưa biết sợ chết. Họ cho rằng không thể chết ở tuổi 19. Họ coi những chuyến bay mạo hiểm là thú vị. Nhưng cho tới ngày mà 20% đồng đội của Keefe bị chết, mọi việc trở nên khác hẳn. Đơn vị nhận được loại máy bay mới Hercules cho một nhiệm vụ mới. Bạn thân nhất của Keefe ở trên máy bay này, anh ta nhảy vào thay Keefe để thực hiện nhiệm vụ do thám điện tử dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Xô. Nhưng họ đã thâm nhập biên giới Liên Xô.

Đội không lưu ở Darmstadt phải quan sát tới nửa giờ việc các đồng đội của họ bay vào chỗ chắc chắn sẽ bị chết. Họ bị mất tín hiệu liên lạc nên không thể cảnh báo rằng các đơn vị phòng không Liên Xô đã được lệnh báo động. Máy bay tiêm kích cất cánh, chờ ở gần đường biên giới. Khi chiếc Hercules vi phạm không phận, nó bị bắn hạ ngay lập tức.

Keefe kể lại: "Khoảng 2 giờ sáng, tôi bị đánh thức, họ chỉ thông báo rằng chiếc máy bay đã gặp tai nạn, nhưng không nói là bị bắn hạ. Họ nói rằng chiếc máy bay bị rơi đâu đó ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi được cử bay tới đó để tìm kiếm.

Chúng tôi cảm thấy choáng váng. Tôi còn nhớ rõ khi 5 người chúng tôi ngồi trên máy bay, chúng tôi nghĩ rằng sẽ tìm được họ. Nhưng người ta đã cố tình chỉ đội tìm kiếm sang hướng khác cách rất xa vị trí chiếc máy bay rơi, và tìm cách bịa ra một câu chuyện. Khi chúng tôi quay về Frankfurt, chỗ ở đã bị dọn sạch, hồ sơ bị hủy bỏ, làm như đơn vị này chưa bao giờ tồn tại. Họ đã sử dụng chúng tôi làm bù nhìn để có thời gian bịa ra một câu chuyện về sự cố của chiếc máy bay".

Trong khi đó, tại trụ sở mật vụ ở Frankfurt, người ta dựng lên câu chuyện về một chuyến bay tập và bị lạc đường. Một người bạn thứ hai của tôi cũng bị chết trong chiếc Hercules. Anh ta có đứa con gái mới 2 tuổi. Vợ anh ta lại đang mang thai ở tháng thứ năm. Tôi muốn xin phép cấp trên đi thăm, chỉ muốn chia buồn. Tôi không thể giải thích điều gì. Bản thân tôi cũng không biết gì. Tôi chỉ có thể nói là điều đó thật kinh khủng và tôi rất lấy làm tiếc. Nhưng tôi cũng bị cấm. Cơ quan mật vụ đe dọa phạt tù 10 năm và phạt tiền 10.000 USD, nếu ai tiết lộ về các chuyến bay của họ".

Khoảng 2 - 3 tuần sau vụ máy bay rơi, Keefe làm đơn thỉnh cầu nói rằng lệnh cấm tới thăm vợ của những người xấu số đang phá hỏng cuộc đời họ. Cấp trên của anh đe dọa đưa anh ra tòa án binh và buộc anh phải xé đơn khiếu nại trước mặt họ. Ít lâu sau, Keefe đăng ký tình nguyện tham gia các sứ mạng tiếp theo.

Keefe nói: "Tôi không phải là anh hùng. Nhưng tôi không thể nói vì sao tôi muốn tham gia các chuyến bay tiếp theo, có lẽ tôi nghĩ tôi phải ngồi trong chiếc máy bay bị bắn hạ". Nhưng Robert Keefe không bị bắn hạ, tuy nhiên, anh luôn bị ám ảnh bởi sự kiện này.

Những chuyến bay khiêu khích của U2

Năm 1956, ván cờ gián điệp này bước vào một trận mới. Với một loại máy bay mới có thể bay rất cao, một đơn vị không quân do thám thường xuyên thâm nhập các nước vệ tinh của Liên Xô. Bitburg (Đức) là nơi cất cánh của một loại máy bay mới có tốc độ nhanh hơn tiếng động để thực hiện các chuyến bay do thám.

Lúc này, Liên Xô chưa có các loại máy bay tiêm kích tương ứng. Ông John Bessette từng làm việc tại Cơ quan Tình báo Quân đội Mỹ kể lại: "Máy bay cất cánh từ Bitburg, bay lên thật cao, vượt qua biên giới tới mục tiêu rồi quay về". Tại Wiesbaden, bên cạnh máy bay của không quân Mỹ, CIA cũng có những máy bay riêng để tiến hành những chuyến bay do thám. Những chuyến bay này được giữ bí mật cho tới ngày nay.

John McKone, hoa tiêu trên chiếc RB47 bị bắn hạ.

Chúng được thực hiện bởi phi công của các nước Đông Âu. Một bức ảnh chụp ở Wiesbaden là bằng chứng cho thấy máy bay RB 69 được cất cánh từ Đức. Chỉ có 7 máy bay loại này được sản xuất riêng cho CIA. Georgij Michailov, nguyên đại tá quân đội Liên Xô kể lại: "Khi đó, chúng tôi cảm thấy một chút bất lực, một chút cay đắng vì chúng tôi phát triển chậm hơn trên lĩnh vực phòng không".

Lúc này từ nước Đức, Mỹ đã bắt đầu một chiến dịch mới dùng khinh khí cầu cho bay qua không phận Liên Xô để chụp ảnh. Tuy nhiên hiệu quả chẳng là bao vì không thể điều khiển hướng bay của khinh khí cầu. Ngoài ra, Liên Xô cũng đã bắn hạ được và đưa ra các cuộc họp báo để tố cáo. Thực ra, khinh khí cầu có thể bay cao tới 25 km, vượt xa mọi loại máy bay hiện có. Cargill Hall, nhà sử học nói: "Eisenhower ra lệnh chỉ cho khinh khí bay cao từ 16 tới 18 km. Ông không muốn để Liên Xô tìm cách chế tạo các loại máy bay có tầm cao hơn".

Wassilij Poljakov, phi công Liên Xô, người đã bắn hạ chiếc máy bay do thám RB47.

Chỉ ít lâu sau, loại máy bay cực nhẹ U2 được đưa vào sử dụng có thể bay được rất cao, được chế tạo riêng cho CIA và do cơ quan tình báo này trực tiếp quản lý. Không quân Mỹ phản đối việc sử dụng U2, nhưng CIA vẫn thực hiện được ý định của họ. Chris Pocock, chuyên gia về U2 kể lại rằng CIA muốn bay vào những khu vực cấm, nên không muốn chỉ sử dụng những máy bay ném bom được cải tạo lại và không muốn để riêng giới quân sự có được những thông tin về Liên Xô.

Các chuyến bay của U2 được coi là mang tính khiêu khích nhất với chiến dịch "Home Run". Tổng cộng có 156 chuyến bay do thám do U2 thực hiện với những máy bay có thể mang theo bom nguyên tử thâm nhập không phận Liên Xô qua đường Bắc Cực. Có sử gia cho rằng với chiến dịch này, một số tướng lĩnh cao cấp của Mỹ muốn khiêu khích cho Thế chiến thứ 3 nổ ra.

Thật ra từ năm 1958, Liên Xô đã có thể bắn hạ được máy bay U2. Nhưng tới 1/5/1960, khi Garry Power tiến hành chuyến bay, Liên Xô mới lần đầu tiên bắn hạ U2 và tiến hành xét xử Power. Điều hài hước của số phận là đúng ngày Power bị tuyên án là lúc Mỹ bắt đầu phóng vệ tinh gián điệp đầu tiên. Kỷ nguyên thâm nhập không phận để do thám đã kết thúc. Nhưng việc do thám điện tử vẫn bí mật tiếp tục với loại máy bay mới RB47.

Máy bay U2 đã có 156 chuyến bay thâm nhập Liên Xô.

Được trang bị rất nhiều thiết bị kỹ thuật, nó bay dọc biên giới Liên Xô để do thám. Bruce Bailey, phi công gián điệp kể lại: "Việc do thám điện tử nhằm mục đích tìm ra phương pháp đi tới mục tiêu tấn công và hy vọng trở về. Họ phải tìm ra phương thức hữu hiệu để loại trừ khả năng phòng vệ của đối phương. Cũng có lúc họ thâm nhập không phận Liên Xô và bị lực lượng phòng không chặn đánh.

Tháng 7/1960, một máy bay do thám điện tử Mỹ bay từ Anh tới Murmansk. Wassilij Poljakov, phi công máy bay chiến đấu Liên Xô nhớ lại: "Tôi nhận ra chiếc máy bay đó và thông báo, đó là một máy bay Mỹ". Chỉ huy mặt đất ra lệnh, hãy buộc hắn phải hạ cánh. Poljakov ra hiệu cho viên phi công Mỹ theo anh ta, nhưng không được hồi đáp. Mặt đất liền ra lệnh: "Tiêu diệt!".

John McKone, hoa tiêu trên chiếc RB47 đó kể lại: "Không hề cảnh báo trước, anh ta bắn ngay. Động cơ thứ hai và ba bị trúng đạn. Tôi nhìn thấy nhiều vết đạn trên máy bay và vị chỉ huy ra lệnh nhảy dù". Nhưng chỉ có McKone và một phi công thứ hai sống sót sau khi vật lộn 6 giờ đồng hồ trong nước biển 0OC và được một tàu Liên Xô cứu thoát. Viên chỉ huy và 3 chuyên viên điện tử đều thiệt mạng. McKone bị giam giữ và chỉ được thả tự do 7 tháng sau đó, và sự kiện này được coi như món quà chào mừng đối với tân Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.

Cuộc không chiến của các siêu cường được giữ gìn tuyệt mật trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đã nhiều lần nó đưa thế giới tới bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại