Ngày 17/5 báo chí Nga đưa tin cho biết các chuyên gia của nước này đang phát triển các loại robot tự động có khả năng tiêu diệt khủng bố để hạn chế thương vong cho lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Nói về chương trình này, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tiết lộ loại robot đang phát triển này có khả năng vận chuyển thương binh, người bị thương khi hoạt động trong khu vực có tấn công khủng bố.
Ngoài ra, Nga còn đang phát triển các hệ thống tự động có khả năng phát hiện, loại bỏ khả năng chống cự của các đối tượng khủng bố từ khoảng cách xa, bất chấp các loại trướng ngại vật và không làm tổn thương đến con tin đứng cạnh.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nga - Dmitry Rogozin đã không tiết lộ rằng khi nào thì các loại robot như vậy sẽ được trang bị cho các cơ quan tình báo và an ninh của Nga.
Ngay sau thông tin Nga phát triển chương trình chiến binh robot, ngày 19/5 tờ Times of India dẫn nguồn tin báo chí cho biết Trung Quốc đang phát triển robot với rất nhiều khả năng để tham gia chiến trận, như “thu thập thông tin, chỉ huy và điều khiển cũng như phối hợp hỗ trợ”.
Tờ Times of India dẫn lại thông tin từ báo chí chính thức của Trung Quốc cho biết thêm robot mà Trung Quốc phát triển khác xa với những robot quân sự của Mỹ.
“Quân đội Trung Quốc có xu hướng và hướng đi của riêng mình, rất khác với quân đội phương Tây, như quân đội Mỹ, khi phát triển đội quân kỹ thuật số”, một tờ báo quân sự của Trung Quốc cho hay.
Tuy nhiên Chính phủ Trung Quốc đã không tiết lộ về những nỗ lực này của họ trong sách trắng quốc phòng mới được công bố gần đây với tựa đề “Triển khai đa dạng hóa các lực lượng vũ trang Trung Quốc”. Sách trắng cho biết quân đội Trung Quốc “đang ưu tiên cho đội quân kỹ thuật số”.
Nằm trong chương trình số hóa các phương tiện chiến đấu của mình, các nhà khoa học quân sự của Mỹ cho biết trong tương lai gần, các robot quân sự của họ có thể thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm tại các chiến trường xa xôi trong khi người điều khiển chúng có thể thảnh thơi ngồi tại nước Mỹ.
Người điều khiển có thể ra lệnh cho robot từ xa bằng tín hiệu vô tuyến thông qua một cổng web bảo mật. Cổng web này sử dụng một giao diện tùy biến video được kết nối với camera của robot. Công nghệ này được phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu tăng thiết giáp (TARDEC) có trụ sở tại bang Michigan.
Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề cần khắc phục trong công nghệ điều khiển mới này, đó là độ trễ về thời gian trong liên lạc giữa người điều khiển với robot. Với robot tác chiến trên chiến trường thì đôi khi lệnh của người điều khiển đến chậm nửa giây cũng có thể khiến robot bị đối phương phá hủy.
Để khắc phục vấn đề này, Hải quân Hoa Kỳ gần đây đã thử nghiệm một hệ thống thu thập thông tin tình báo trang bị cho robot. Những thiết bị cảm biến (sensor) bố trí trên robot có thể phát hiện các chướng ngại vật hoặc đối thủ. Máy tính của robot thu thập các số liệu rồi tính toán để điều chỉnh các thông số cho phép robot có thể né tránh hoặc tấn công.
Hiện các tổ chức nhân quyền quốc tế từng lên tiếng chỉ trích gay gắt việc chế tạo và sử dụng các loại robot sát thủ hoạt động không cần sự can thiệp của con người. Các tổ chức này cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nên đưa các loại robot tương tự như vậy vào danh mục các loại vũ khí cần cấm.