Trong bối cảnh cần tăng cường sức mạnh hải quân bảo vệ chủ quyền và lợi ích của quốc gia, gần đây, các nước khu vực Đông Nam Á đã không ngừng chi ‘mạnh tay’ cho các hợp đồng mua sắm tàu ngầm, để lựa chọn cho mình những chiến hạm tốt nhất có thể.
Bước đột phá về sức mạnh hải quân?
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2002-2011, các nước Đông Nam Á chi 42% ngân sách cho chi tiêu quốc phòng. Trong đó ngân sách chủ yếu tập trung vào sắm tàu ngầm như Malaysia mua hai tàu ngầm Scorpene, Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo từ Nga, Singapore mua hai tàu ngầm lớp Archer từ Thụy Điển, Indonesia mua ba tàu ngầm Type-209/1400 từ Hàn Quốc, Thái Lan mua sáu tàu ngầm Type-206 đã qua sử dụng do Đức sản xuất…
Đối với Indonesia, hợp đồng mua sắm trị giá 1,1 tỷ USD để tậu ba tàu ngầm Type-209/1400, một loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng điện và diesel của Hàn Quốc được coi là bước ngoặt tạo ra bước đột phá về sức mạnh hải quân.
Đây là một trong ba hợp đồng mua tàu lớn nhất của hải quân Indonesia (TNI-AL) kể từ khi TNI-AL mua lại các tàu hộ tống và tàu đổ bộ mới từ năm 2000. Theo kế hoạch đến năm 2024, Indonesia dự kiến sẽ sắm thêm ít nhất 10 tàu ngầm. Trong năm 2012, đất nước vạn đảo còn lên kế hoạch tự đóng tàu ngầm tấn công mới.
Đánh giá về các tàu ngầm Type-209, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Indonesia Brig. Gen. Hartind Asrin cho biết, những chiếc tàu ngầm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ lãnh hải của Indonesia, sẽ khiến kẻ thù phải khiếp sợ những chiếc tàu ngầm hoạt động vô hình dưới đáy đại dương. Những tàu chiến mới được đóng với sự hợp tác của Hàn Quốc sẽ tương tự như tàu ngầm Skorpene Submarine.
Kế hoạch mua ba tàu ngầm Type 209 từ Hàn Quốc của Indonesia với mục đích thay thế các tàu ngằm lớp Chakra đã cũ, được mua lại từ Đức năm 1981. Tuy nhiên, việc chuyển giao tàu ngầm của Hàn Quốc cho Indonesia sẽ được hoàn thành vào năm 2020 với hai chiếc được đóng tại Hàn Quốc và một chiếc được đóng tại Indonesia.
Tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam được cho là có khả năng phóng tên lửa Klub-S
Theo chuyên gia nghiên cứu Koh Swee Lean Collin, tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, Đại học Công Nghệ Nanyang (Singapore), việc thay thế các tàu ngầm cũ đã hết tuổi thọ hoạt động hữu ích chỉ có khả năng thực hiện vào cuối năm 2025. Lúc đó các tàu ngầm mới của TNI-AL chỉ với con số là ba.
Ông Collin cho rằng, một lực lượng như vậy vẫn còn nhỏ và hầu như không đủ đáp ứng nhu cầu cho Indonesia. Trong khi đó, Việt Nam, một quốc gia có đường bờ biển dài, lại có thể tập hợp 6 chiếc tàu ngầm Kilo vào năm 2020. Còn Singapore có đường bờ biển nhỏ hơn Indonesia nhưng sẽ có 4 tàu ngầm Vastergotlands mới thay thế tàu ngầm Sjoormen cũ của Thụy Điển.
Không đại diện cho mô hình tàu ngầm hiện đại
Nhìn nhận từ quan điểm kỹ thuật, việc mua các tàu ngầm tấn công Type-209 gây ra rất nhiều tranh cãi. Liệu Type-209/1400 mới có giống như những gì TNI-AL hứa hẹn trong năm 2009 rằng, tàu ngầm loại này sẽ đem lại sức mạnh cao hơn hẳn so với lực lượng hải quân của các nước láng giềng.
Cũng theo chuyên gia Collin, trong khi bán Type-209 cho Indonesia, hải quân Hàn Quốc đã không còn dựa vào tàu ngầm loại này nữa. Những chiếc tàu ngầm lớp cũ đang dần dần được thay thế bởi các tàu ngầm lớp Sohn-Won-II tiên tiến hơn nhiều (theo dự án đóng tàu KSS-2).
Đây là một loại biến thể của Type-214 của Đức, nặng khoảng 3.000 tấn. Do vậy, loại tàu Type-209/1400 có thể không phải là đại diện cho mô hình tàu ngầm hiện đại trong thời gian tới.
Hơn nữa, tàu ngầm mới Type-209 mà Indonesia mua được trang bị kỹ thuật không có gì đột phá. Chẳng hạn như tàu không có động cơ đẩy không khí độc lập để giúp kéo dài khả nặng chịu đựng ngập nước như tàu Vastergotlands của Singapore.
Thậm chí tàu mới của TNI-AL có thể phóng tên lửa hành trình chống tàu ở dưới nước thì cũng không phải là khả năng gì mới quá. Trong khi đó, tàu ngầm lớp Scorpene của Malaysia đã được trang bị ống phóng tên lửa chống hạm SM-39 Exocet, tàu ngầm Kilo của Việt Nam được trang bị tên lửa Klub-S, ông Collin cho biết.
Các chuyên gia phân tích cũng đồng tình rằng, chiến dịch mua tàu ngầm của Indonesia không tạo ra bất ổn quân sự trong khu vực. Tuy nhiên, sự gia tăng hoạt động tàu ngầm trong khu vực dễ dẫn tới sự va chạm, gây tai nạn. Điều quan trọng là các nước trong khu vực cần có những chương trình chung và phát triển dịch vụ cứu hộ tàu ngầm. Trong đó Singapore là một nước đi tiên phong.