Cuộc chiến cân não trên Địa Trung Hải giữa Liên Xô và Mỹ năm 1973

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ luôn ở thế đối đầu. Nhắc đến sự kình địch Xô - Mỹ, dường như ai cũng nhớ đến cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở Cuba tháng 10/1962 hay cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hàng chục năm giữa hai siêu cường quốc trên thế giới này. Tuy nhiên, ít người biết rằng năm 1973, biển Địa Trung Hải thơ mộng từng một lần dậy sóng.

Hơn 150 chiếc tầu chiến, trong đó Liên Xô có 96 chiếc, Mỹ có 60 chiếc đã hùng hổ kéo về đây dàn trận. Nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 4, còn gọi là Chiến tranh tháng Mười hay Chiến tranh Ngày Chuộc tội.

Nếu bị tấn công lập tức đáp trả

Địa Trung Hải trước năm 1967. Êm đềm và lắng dịu.

Dẫu biết rằng người Mỹ đã triển khai cả một hạm đội hoàn chỉnh (Hạm đội 6), nhưng phía Liên Xô vẫn chỉ duy trì ở đây một lượng binh lực mang tính tượng trưng. Nhưng sau cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 3 (từ mùng 5-10/6/1967), Mátxcơva bắt đầu chú ý đến tầm quan trọng của sự hiện diện về quân sự tại Địa Trung Hải. Trung đội chiến đấu số 5 ra đời và lấy Địa Trung Hải làm địa bàn đứng chân.

 

Sở dĩ Liên Xô gọi đơn vị này là Trung đội, chủ yếu nhằm tránh làm cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảm thấy bị khiêu khích. Thực chất đây là tiểu hạm đội Địa Trung Hải và người Liên Xô thành lập nó để đối kháng với Mỹ ở khu vực biển có lợi ích đặc biệt quan trọng này.

Cụ thể tiểu hạm đội Địa Trung Hải làm nhiệm vụ giám sát hoạt động của Hạm đội 6, không ngừng gây áp lực đối với cụm tầu sân bay của Mỹ, trinh sát sự bố trí của tầu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN), đánh giá sự uy hiếp của SSBN đối với lãnh thổ Liên Xô và làm suy yếu quyền kiểm soát biển của hải quân Mỹ.

 

Khu vực Trung Đông những ngày đầu tháng 10/1973. Nóng bỏng và sục sôi.

Do không thể giành lại những vùng đất bị mất bằng con đường ngoại giao, ngày 6/10, các nước Arập, trong đó có Ai Cập, Xyri phát động chiến tranh giành lại phần lãnh thổ bị chiếm đóng. Lúc này ở Địa Trung Hải, hải quân Mỹ bố trí 48 chiếc tầu chiến, gồm tầu chỉ huy USS Mount Whitney (LCC 20), 4 tầu ngầm tuần tra và toàn bộ số tầu chiến thuộc lực lượng tác chiến đặc nhiệm số 60 và 61.

Phía Liên Xô có 11 chiếc tầu ngầm cùng một số tầu mặt nước. Mức độ căng thẳng giữa tiểu hạm đội Địa Trung Hải và Hạm đội 6 ở tầm thấp. Liên Xô về cơ bản vẫn tiến hành các hoạt động thông thường thời bình. Chỉ huy Hạm đội 6 một mặt xiết chặt kỷ luật, không cho binh lính lên bờ, một mặt công khai tuyên bố không ra lệnh cho bất cứ tầu chiến nào lên đường tới khu vực xung đột.

Ngày 8/10, quân Ai Cập chiếm lĩnh bờ đông kênh đào Suez, xây dựng trận địa tiền duyên có chiều sâu 8-10 km. Sau khi tiến vào Cao nguyên Golan được 7-10 km, quân Xyri dừng bước tấn công. Ixraen lập tức mở chiến dịch phản kích trên hai tuyến nhằm vào cả quân Ai Cập lẫn quân Xyri. Cũng đúng lúc này, cụm tàu sân bay Independence của Mỹ hội quân với tầu chỉ huy USS Mount Whitney (LCC 20) bố trí ở phía nam đảo Crete (Hy Lạp). Lực lượng tác chiến đặc nhiệm số 61 trong biên chế Hạm đội 6 nhận lệnh di chuyển đến vịnh Suda ở phía bắc đảo Crete.

Vì phải điều động từ xa, mất nhiều thời gian di chuyển nên tới tận ngày 10/10, hải quân Liên Xô mới chỉ có 21 tàu mặt nước ở Địa Trung Hải. Mặc dù vậy, do những chiến hạm này được bố trí ở khu vực biển phía đông Địa Trung Hải, gần Hạm đội 6, nên hải quân Liên Xô hoàn toàn có thể tạo thế đánh chặn hữu hiệu đối với hải quân Mỹ.

Từ ngày 9/10, Liên Xô bắt đầu cung cấp vũ khí và trang thiết bị hậu cần cho Ai Cập cùng Xyri. Mátxcơva ra lệnh cho tầu chỉ huy Volga, tầu tuần dương Grozny và 3 tầu khu trục lớp Kashin theo dõi hoạt động của cụm tầu chiến đấu sân bay của Mỹ ở phía nam đảo Crete.

Như một đòn trả đũa, Mỹ quyết định tăng cường cho cụm tàu sân bay Independence thêm 3 tầu hộ tống. Không chịu kém cạnh, Liên Xô đưa tầu trinh sát tình báo AGI tới giám sát hoạt động của lực lượng tác chiến hỗn hợp đặc biệt của hải quân Mỹ ở vịnh Suda (phía tây bắc đảo Crete, Hy Lạp). Ngày 10/10, tiểu hạm đội Địa Trung Hải tiếp tục nhận được sự tăng viện từ Hạm đội Biển Đen.

Dưới mặt nước, lực lượng tầu ngầm của Liên Xô được bố trí theo phương thức: 1 tàu ngầm trang bị tên lửa lớp Echo (loại 657) và một chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa lớp Julius lần lượt cơ động ở hướng tây và hướng nam cụm tầu chiến đấu hỗn hợp đặc biệt của Hạm đội 6 nằm gần đảo Crete; một chiếc tầu ngầm lớp November được bố trí ở phía đông Hạm đội 6. Ngoài ra, rất nhiều tầu ngầm của Liên Xô đang hoạt động ở Đại Tây Dương, vùng biển phía tây Địa Trung Hải cũng nhận được lệnh tới khu vực biển gần đảo Crete.

Rõ ràng, Liên Xô muốn phát đi lời cảnh báo: nếu Mỹ can dự vào hành động vận chuyển vũ khí, trang bị hậu cần của Liên Xô, nước này sẵn sàng ra đòn phản kích bằng vũ lực. Quả thực vào những thời khắc đó, tất cả các tầu chiến của Liên Xô ở Địa Trung Hải đều đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, binh lính trên tầu vũ trang tới tận chân răng và sẵn sàng phản đòn ngay lập tức nếu bị tiến công.

Mức độ căng thẳng tăng lên vào ngày 11/10. Trong lúc tấn công cảng Tatus của Xyri, quân Ixraen đã bắn chìm tầu buôn Ilya Metchnikoff mang quốc kỳ Liên Xô. Mặc dù Ten Avíp năm lần bẩy lượt giải thích rằng chiếc tàu buôn này không nằm trong danh sách các mục tiêu tấn công mà mục tiêu tấn công thực sự là hai chiếc tàu chiến của Xyri (cũng bị bắn chìm trong cùng đợt tấn công), nhưng Mátxcơva không chấp nhận lời xin lỗi đó.

Ngay trong ngày 11/10, Liên Xô ra lệnh đặt 3 sư đoàn đổ bộ đường không tinh nhuệ của mình trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Hai ngày sau, tàu khu trục của Liên Xô tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ hộ tống đoàn tầu vận tải hậu cần di chuyển men theo bờ biển Xyri. Khi đó, Ixraen đã dừng việc phản công vào trận địa tiền duyên của Xyri.

Ngày 14/10, hải quân Liên Xô cho phép thuyền trưởng các tầu chiến đấu của mình ở Địa Trung Hải có thể ra lệnh bắn vào tất cả những máy bay, tầu thuyền nào của Ixraen cũng như của nước khác tạo ra sự uy hiếp đối với máy bay và đội tầu vận tải của Liên Xô.

Khi tình hình trở nên mất kiểm soát

Giai đoạn hai của cuộc chiến tranh giữa các nước Arập và Ixraen bắt đầu từ ngày 13/10. Hôm đó, Bộ tư lệnh vận tải đường không quân đội Mỹ khởi động kế hoạch ưu tiên cung cấp đạn dược cho Ixraen. Gần như đồng thời, Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ cũng ra lệnh tầu sân bay trực thăng USS Iwo Jima (LPH 2) mang theo 2.000 binh sĩ tiến thẳng về hướng Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn khả năng Hồng quân Liên Xô đổ bộ lên khu vực này.

 

Bởi theo những tin tức tình báo người Mỹ có được thì Trung đội chiến đấu số 5 của Liên Xô liên tiếp được bổ sung thêm binh lực (từ hơn chục chiếc ban đầu, tới ngày 14/10, tổng số tầu của trung đội này đã lên tới 69 chiếc) và ngày càng có khả năng chi viện cho hành động tác chiến đổ bộ của lực lượng Hồng quân.

Trong khi đó, một loạt tầu ngầm của Liên Xô bố trí ở Đại Tây Dương nhận được lệnh tới eo biển Gibraltar (nối Đại Tây Dương với Địa Trung Hải), đứng chân ở đó tiềm phục lực lượng tăng viện của Mỹ.

Ngày 15/10, Ixraen phát động tổng phản kích trên bán đảo Sinai. Với tư cách nước bạn bè của thế giới Arập, Liên Xô quyết định dấn thêm bước nữa trên con đường can dự vào cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 4.

Mátxcơva điều động chiếc tầu khu trục thứ 2 tới bố trí ở khu vực biển gần Xyri. Lực lượng tầu ngầm của Liên Xô cũng bắt đầu thực thi nhiệm vụ giám sát hoạt động quân sự gần các cảng biển của Ixraen.

Những tài liệu ghi chép lại diễn biến cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 4 cho thấy khi đó giữa các tầu chiến đấu mặt nước của Liên Xô và quân Ixraen đã từng xảy ra nhiều cuộc đối kháng hữu hạn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là hành động tác chiến mức độ thấp. Tiêu biểu là sự kiện xảy ra ngày 16/10.

Trong lúc bảo vệ các tầu biển dân dụng của mình bốc dỡ hàng hoá tại cảng Lattakia ở Xyri, tầu quét lôi lớp Nadja và tầu đổ bộ cỡ trung bình SDK-137 thuộc Hạm đội Biển Đen của Liên Xô đã khai hỏa mãnh liệt vào những chiếc máy bay của Ixraen đang bay phía trên làm nhiệm vụ trinh sát.

 

Cho dù chủ yếu nhằm mục đích tự vệ, nhưng hành động này rất nguy hiểm. Bởi trước đó các nhà lãnh đạo Liên Xô luôn tuyên bố sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ nguyên tắc tránh tham gia trực tiếp vào xung đột khu vực.

Việc tầu chiến Liên Xô bắn máy bay Ixraen khiến các nước liên quan hiểu rằng Liên Xô đã tạm gác nguyên tắc trên và đã sẵn sàng cho hành động can dự trực tiếp vào chiến tranh giữa Arập và Ixraen.

Ngày 16/10, Liên Xô phái 1 tầu tuần dương Murmansk trang bị pháo hạm và tầu khu trục lớp Kotlin mới đến thay tàu tuần dương trang bị tên lửa Grozny và tầu khu trục lớp Kotlin tiếp tục thực thi nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ mọi động thái của cụm tầu chiến đấu sân bay Independence (CV 62) ở phía nam đảo Krete (Hy Lạp).

Ngày 17/10, lực lượng thiết giáp quân đội Ixraen vượt qua Kênh đào Suez. Hồng quân Liên Xô liền vạch ngay kế hoạch đổ bộ lên bờ tây của Kênh đào Suez và đưa ra phương án sơ bộ biểu thị sức mạnh có giới hạn. Liệu Liên Xô sẽ ra tay hành động và Mỹ, nước bảo trợ an ninh cho Ixraen sẽ chịu ngồi im?

Thế giới thấp thỏm lo lắng. Bởi tháng 1/1968, Liên Xô đã từng lên kế hoạch cho một hành động tác chiến kiểu này và mục đích cũng không ngoài việc ngăn chặn ý đồ chiếm Kênh đào Suez từ Ixraen. Khi đó, Liên Xô đã huy động một lực lượng binh lực không nhỏ, chỉ tính riêng thủy quân lục chiến đã gần 10.000 người và lúc nào cũng sẵn sàng lên tầu từ các căn cứ quân sự bên bờ Biển Đen để tham gia tác chiến đổ bộ.

Dường như chiến tranh giữa hai siêu cường là điều không thể tránh khỏi. Giai đoạn nguy hiểm nhất trong cuộc chiến cân não giữa Liên Xô và Mỹ trên Địa Trung Hải chuẩn bị bắt đầu.

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại